Hỗ trợ pháp lý chưa đáp ứng nhu cầu

Thời gian qua, các bộ, ngành trung ương và UBND, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh ở địa phương đã có những chuyển biến trong hành động nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.

Thời gian qua, các bộ, ngành trung ương và UBND, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh ở địa phương đã có những chuyển biến trong hành động nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.

Trong đó có việc tăng cường hoàn thiện các trang thông tin điện tử cũng như các tài liệu để phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thì sự hỗ trợ thông tin pháp lý này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể là việc công khai các văn bản pháp luật cũng như các văn bản điều hành còn thực hiện chưa xứng tầm. Qua theo dõi cổng thông tin điện tử của nhiều địa phương cho thấy, trên các trang điện tử chính thức chỉ đăng những gì mà cơ quan đó muốn đăng, chứ không phải đăng những gì mà các doanh nghiệp cần. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật hoặc văn bản điều hành được đăng tùy tiện, thiếu sự liền mạch, thiếu sắp xếp hợp lý, đôi khi còn lãng phí nguồn tài nguyên cũng như công sức của các cơ quan chức năng. Điều này đã làm ảnh hưởng khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là những chương trình sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn có những hạn chế. Nhiều chương trình được thực hiện chưa sát với đòi hỏi của thực tiễn và những điều doanh nghiệp cần; các chương trình bồi dưỡng thường lệ thuộc vào việc ban hành các văn bản mới, mà thiếu đi tính gắn kết tổng thể với hệ thống quy định nên người nghe tương đối khó nắm bắt và áp dụng. Đồng thời, việc thiết kế nhiều chương trình đào tạo còn mang tính chủ quan từ phía các cơ quan chủ trì chương trình, chưa có những điều tra, nghiên cứu cụ thể nhu cầu của doanh nghiệp nên hiệu quả chưa cao.

Về công tác pháp chế và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thực tế hiện nay vẫn còn không ít cơ quan nhà nước (cả trung ương và địa phương) chưa quan tâm đến việc hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật của đơn vị mình. Từ đó dẫn đến nhiều văn bản ban hành chưa đạt độ chuẩn mực của một văn bản pháp quy, đặc biệt là cách hành văn, nội dung quy định, nên dẫn đến cách hiểu và vận dụng không giống nhau. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa được đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả, dẫn đến tình trạng bỏ trống nhiều địa bàn hoặc không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy thời gian gần đây có nhiều chuyển biến, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Từ những hạn chế, bất cập cho thấy rất cần thêm những động thái cụ thể của Nhà nước để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Khi đó, sự hỗ trợ mới thiết thực, có thể giúp doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
(Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM)

Tin cùng chuyên mục