Nỗi đau “trở về”

Tiếng trẻ khóc xé lòng khi chúng chẳng may mất mẹ. Tiếng trẻ thất thanh khi người bố dứt áo ra đi. Tiếng khóc vĩnh biệt mẹ và chia xa bố của những đứa trẻ như dao cứa vào lòng người. Vậy mà bao đời nay, hủ tục “trở về” của đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ vẫn chưa được xóa bỏ. Để rồi, nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau...
Nỗi đau “trở về”

Tiếng trẻ khóc xé lòng khi chúng chẳng may mất mẹ. Tiếng trẻ thất thanh khi người bố dứt áo ra đi. Tiếng khóc vĩnh biệt mẹ và chia xa bố của những đứa trẻ như dao cứa vào lòng người. Vậy mà bao đời nay, hủ tục “trở về” của đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ vẫn chưa được xóa bỏ. Để rồi, nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau...

  • Tục lệ từ ngàn đời

Nỗi đau “trở về” ảnh 1

4 đứa con Mí Dượt đang được ông bà ngoại nuôi dưỡng.

Hiện nay, ở các buôn làng miền núi Phú Yên và Tây Nguyên, nhiều đứa bé khi mẹ qua đời thì “mất” luôn cả bố . Đó là quy định từ ngàn đời nay của bà con dân tộc thiểu số. Khi người phụ nữ chết vì bệnh tật hay rủi ro, một tuần hoặc tháng sau, chồng của chị ta trở về với gia đình mình. Còn con cái của họ cũng là một thứ “tài sản” như bao tài sản khác phải giao lại cho nhà vợ - phía chủ động “bắt chồng” trong hôn nhân theo mẫu hệ!

Nhiều già làng ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) giải thích với tôi một cách đơn giản rằng: Người con gái khi “bắt chồng” phải bỏ ra một khoản của cải. Bởi vậy người con trai khi được vợ “bắt” thì phải “đền” lại của cải cho vợ mình bằng sức lao động và cả việc “làm ra” những đứa con (đặc biệt là con gái). Khi vợ mất, gia đình phía vợ không còn chị em gái “ở không” để thế chỗ người xấu số hoặc còn nhưng người đàn ông không chấp nhận “thế chỗ” thì sau bảy ngày, anh ta phải trở về dòng họ nhà mình với đôi bàn tay trắng.

  • Khi người cha “trở về”

Một ngày giữa tháng 11-2004, Mí Dượt trút hơi thở cuối cùng. Vừa xong lễ bỏ mả Mí Dượt là cuộc phân ly máu mủ cha con. Theo hủ tục, Ma Sai, người cha của bốn đứa trẻ tội nghiệp phải trở về nhà mình. Vừa mất vợ, lại phải dứt bỏ con thơ, Ma Sai dạ đau như cắt, những muốn chết theo vợ.

Về lại dòng họ ư? Ma Sai cũng chẳng còn cha mẹ nên phải về sống với gia đình người chị cùng cha khác mẹ, vì theo luật tục thì “còn người thân là còn trở về”. Gần hai năm qua, Ma Sai vẫn chưa cưới vợ mới. Nhiều lúc muốn ghé thăm các con nhưng anh không dám. Một phần vì luật tục, một phần vì sợ đau lòng khi nghĩ đến người vợ quá cố. Cha của Mí Dượt, già Oi H Li buồn rầu trước cảnh gia đình tan đàn xẻ nghé, nói trong tiếng thở dài: “Mình không có con gái để gả cho nó để nó tiếp tục ở lại nuôi con. Nó nói cũng muốn về thăm mấy đứa nhỏ nhưng hễ thấy con là nó nhớ vợ. Khi về bên dòng họ nhà nó, nó lại nhớ con. Nhà nó cũng trong làng này thôi, nhưng cứ như không còn biết đến nhau”.

73 tuổi, Oi H Li lại mắc bệnh lao nên ông chỉ còn da bọc xương. Ở tuổi 70, Mó Tía, vợ ông phải cáng đáng toàn bộ công việc gia đình. Hàng ngày, bà dắt bốn đứa cháu, con của Mí Dượt, đi nhặt phân bò hoặc làm thuê làm mướn để kiếm cái ăn. Đất xung quanh nhà, hai vợ chồng chỉ trồng ít sắn và thuốc lá. Tài sản họ có được là ngôi nhà tôn nhỏ được Nhà nước xây cho theo diện xóa nhà tạm vào năm ngoái. Trong nhà chỉ có hai chiếc giường quá nát, không có manh chiếu để trải. Cuộc sống của gia đình Oi H Li bị vây bủa bởi cái nghèo cộng thêm nỗi đau do tục lệ mang lại. Hậu quả của tục lệ ấy là người gần đất xa trời, đáng ra phải được con cái phụng dưỡng thì lại còng lưng nuôi lũ cháu nhỏ. Ông bức xúc: “Nếu bỏ được chuyện này thì tốt. Nhưng biết làm sao thay đổi đây?”.

Bốn đứa con của Mí Dượt, đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ chỉ 3 tuổi. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, cái ăn không đủ, cái mặc chẳng lành. Điều lo lắng nhất của ông bà là sợ mình chết vì tuổi cao bệnh tật mà bỏ lại các cháu. Oi H Li bảo: “Chắc khi chết, tui nhắm mắt không yên”.

Từ khi 20 tuổi phải nuôi nấng 8 đứa em. Sau khi mẹ mất, bố “trở về” gia đình, 9 chị em như bầy gà con lạc lối. Lúc chia tay bố, H Din như con thuyền mất lái, em cố nài nỉ: “Ba ơi, ở lại với tụi con nghen ba!”. Nhưng dẫu H Din có cạn hết nước mắt, dẫu cha có thắt ruột thắt gan thì cũng không thay đổi được điều gì. Bà con trong làng cũng chỉ ngậm ngùi động viên người ở lại.

Nỗi đau “trở về” ảnh 2

H Din và các em.

Gần 3 năm trước, đúng ngày mẹ mất, thằng út Y Tuấn mới hai tháng tuổi, cứ khóc la suốt vì nhớ sữa, nhớ hơi mẹ. H Din nhai cháo, xin sữa đút cho em. H Din kể: “Mình không biết làm sao hết, cứ vậy mà nuôi em. Có nhiều hôm, bữa ăn cả nhà chỉ toàn cơm trắng với muối. Các em bệnh đau thì đưa đến trạm y tế xã. Hồi còn cha mẹ, mình muốn học lắm nhưng vì em đông, phải nghỉ khi chưa hết lớp hai. Mà hồi đó khác, bây giờ khác, không học thì sẽ đói khổ”.

Xe đạp hư, H Din tự sửa… Em đảm nhiệm vai trò người mẹ, người cha trong gia đình. Ngoài 3 con bò mua được bằng vốn vay, H Din chăn thêm 4 con bò của người bà con để hàng tháng kiếm 120.000 đồng. Có vài sào đất, H Din trồng sắn, mè, lúa. Mỗi tháng người chị cả này gởi cho hai đứa em học tại Trường bán trú Eacharang chừng 50.000 đồng. Nhiều hôm, H Din không biết ngủ là gì. Nằm bên các em mà cô cứ khóc, khóc miết đến khi mặt trời mọc là lên rẫy.

Cây sắn, cây ngô cũng thấm đẫm nước mắt của cô. 23 tuổi, H Din vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện cưới chồng. Cô nói: “Mình cưới chồng thì phải có của. Mà lấy của đi hết để cưới chồng thì chẳng còn con bò nào, làm sao các em có cái để ăn, để sống? Chắc là ở vậy nuôi các em thôi. Giờ mình cũng không biết làm thế nào để có nhiều tiền nuôi 8 đứa em. Mình hận vì ba đã đi. Lúc ba cưới vợ mới có mời. Dự đám cưới ba, mình chỉ biết khóc thôi”.

Chỉ ở buôn Thống Nhất (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, Phú Yên), tôi đã gặp hai gia đình mang nỗi đau do hủ tục. Không biết còn bao nhiêu gia đình khác cũng chịu cảnh tan đàn xẻ nghé khi người cha buộc phải “trở về”?

  • Vượt qua hủ tục - bao giờ?

Gặp những phụ nữ người Êđê ở Suối Trai, tôi hỏi sao không thỏa thuận với chồng là nếu chẳng may mình lìa đời sớm, chồng ở lại nuôi con, các chị đều nói: “Không thể làm khác được đâu. Vả lại, mình chết, nó đi cưới vợ rồi nó làm khổ con mình thì sao?”. Mí Thư, 53 tuổi, kể: “Mẹ tui bị bệnh mất, ba bỏ đi, tui con nhỏ phải ở với bà ngoại đã già. Nhớ ba lắm nhưng biết làm sao, luật tục mà!”.

Nỗi đau “trở về” ảnh 3

Mó Tía và đứa cháu út.

Ma Lin, Bí thư Đảng ủy xã Suối Trai, buồn buồn nói: “Còn hủ tục “trở về” là nỗi đau này nối tiếp nỗi đau khác. Làm cha, ai cũng muốn nuôi nấng, dạy dỗ các con. Nhưng sau khi vợ mất, đàn ông cũng không được thực hiện điều thiêng liêng ấy.

Những quy định có từ lâu đời trong chế độ mẫu hệ rất khó bỏ nếu chưa có sự đồng tình của đông đảo bà con. Chúng tôi chỉ biết tuyên truyền cho dân phải kế hoạch hóa gia đình, sinh ít con để khi mẹ mất, các cháu cũng đỡ khổ hơn”.

Theo lời Ma Lin, trước đây, sau khi hai bên đồng ý làm đám cưới, nhà gái phải nộp lễ gồm bốn con bò, một con heo. Còn bây giờ không nhất thiết phải nộp đủ số lượng heo, bò. Trước ở làng còn có hủ tục chôn sống đứa trẻ theo mẹ vì sợ mẹ chết, không có sữa cho bé bú. Tập tục đáng sợ đó không còn nữa, riêng hủ tục “trở về” thì chưa thể xóa bỏ được.

“Khi mẹ qua đời, lẽ ra con cái chỉ mồ côi một nửa. Còn ở đây, chúng đành chịu cảnh mồ côi hoàn toàn. Các ngành chức năng đang xem xét để công nhận các trường hợp nói trên là mồ côi cả cha lẫn mẹ để giúp các cháu được hưởng chế độ theo Nghị định 07 của Chính phủ” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em tỉnh Phú Yên Phạm Thị Tương Lai cho biết.

Theo bà, đó mới chỉ là biện pháp giúp các cháu bớt phần khó khăn về mặt kinh tế. Cái chính là đừng để các cháu sau khi mất mẹ lại phải mất luôn bố. Thiếu người dưỡng dục, bảo ban, các cháu sẽ không đủ điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Và như vậy, vô hình trung, tạo thêm gánh nặng không đáng có cho xã hội. 

DƯƠNG THU THỦY

Ông Nguyễn Ngọc Quang, quyền Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (VHTT) Phú Yên:

Không chỉ ngành VHTT mà các ngành, các địa phương cần kiên trì tuyên truyền vận động, đề ra các biện pháp phù hợp sao cho bà con đồng tình hưởng ứng để xóa bỏ hủ tục.

Việc xóa bỏ hủ tục không nên áp đặt, trước hết cần phân tích, tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi hại mà tự xóa bỏ hủ tục. Những hủ tục liên quan đến gia đình như hủ tục “trở về” thì nên để các già làng, trưởng buôn phát huy vai trò của mình.

Ngành VHTT đưa nội dung xóa bỏ hủ tục vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa ở cơ sở, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục