Anh thương binh làm giàu nhờ trồng rừng

Anh thương binh làm giàu nhờ trồng rừng

Nếu ai đó có dịp đi qua đường Hồ Chí Minh huyền thoại, hãy dừng chân ghé lại “chiêm ngưỡng” một khu rừng gần 32 ha của một thương binh già với 20.000 cây huện, 5.000 cây trầm hương, 5.000 cội (góc) tiêu, 1.000 cây vải và hàng ngàn cây ăn quả khác được trồng ở vùng đất khỉ ho cò gáy, tít tắp Trường Sơn thuộc xã Cự Nẫm (Bố Trạch - Quảng Bình). Nghị lực phi thường của người thương binh này được nhiều người biết đến và phong cho ông là “trùm” của rừng, với nhiều biệt danh như “Lý rừng”, “Lý môi trường”. Bởi cách đây hơn 10 năm, người nào bỏ công ra để cải tạo rừng, xóa đất trống đồi núi trọc ở những miền hẻo lánh xa xôi được xem là “hâm”…  

  • “Mở cõi” từ đất hoang hóa... 
Anh thương binh làm giàu nhờ trồng rừng ảnh 1

Ông Lý bên gốc huện 10 năm tuổi.

Mặc cho lời qua tiếng lại của dân làng, chịu là kẻ không bình thường để đi làm điều không tưởng - cải tạo, trồng hàng chục hécta rừng “trọc”.

Chàng trai trẻ Ngô Văn Lý ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch - Quảng Bình) sau khi lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc năm 1958 - một trong những người kiên trung xung trận, không quản gian nguy.

Năm 1965, trong một trận chiến, ông Lý bị thương nên phải chuyển về tuyến sau. Sau đó chuyển qua Ty Công nghiệp Quảng Bình, đến năm 1981 thì xin nghỉ mất sức.

Về quê, được phân 0,6 ha đất làm nhà, canh tác, cuộc sống gia đình ông vô cùng khó khăn. Càng khổ hơn, khi vợ ông là bà Bùi Thị Xướng, sinh đến 5 người con trai và một con gái.

Cải tạo vườn nhà để kiếm cái ăn khiến cho ông đau cả đầu trong một khoảng thời gian dài. Năm 1995, ông xung phong nhận trên 30 ha rừng trọc sau khi có Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị “giao đất giao rừng cho dân” (nghĩa là cấp thẻ đỏ).

Nhưng nhiều người không nhận vì nghĩ rằng sẽ không tài nào cải tạo được đất trống đồi núi trọc trên vùng đất cằn cỗi này.

Nhiều đêm không ngủ, nhưng với bản năng của người lính yêu rừng qua nhiều năm trong thời chiến gắn bó với rừng, sống - ngủ - đánh trận trong rừng nên ông quyết tâm vượt qua khó khăn! Sau những đêm trằn trọc, nghiên cứu trong sách vở, đến bỏ tiền đi khắp các vùng miền tìm giống, học cách trồng rừng, cuối cùng mô hình trồng rừng xuất hiện trong ý tưởng lẫn cách làm của ông Lý.

Biện pháp hữu hiệu nhất là “lấy rừng nuôi rừng”. Điều được ông Lý rút ra từ kinh nghiệm và thực tiễn cuộc sống. Nhưng vấn đề quan trọng lúc này là lấy tiền đâu mà trồng rừng?! Ông liều mạng, vay không biết bao nhiêu là tiền để đầu tư vào “phi vụ” này.

Ông huy động hàng trăm người mở một “con đường huyết mạch” rộng 5 - 6m, chạy dài cả kilômét trong làng, trước là để dân đi, sau là để dễ dàng cho công việc vận chuyển, phục vụ trồng rừng. Bởi thế người dân nơi đây gọi con đường này với cái tên rất thân thiện - “đường ông Lý rừng”.

Ông cho người chặt những vùng, những cây không có hiệu quả do bị khô, héo, nhỏ, cây không có giá trị… để làm củi bán lấy tiền trả tiền công ươm cây giống.

Ông tiếp tục mở 4 trục đường ngang, một trục dọc và hàng chục lối nhỏ ngay trong khu rừng của mình dài hàng chục kilômét để ô tô đi lại, phục vụ vận chuyển cũng như khai thác cây không còn giá trị sử dụng. 

  • ...Đến ông trùm “Lý rừng”! 
Anh thương binh làm giàu nhờ trồng rừng ảnh 2

Rừng của ông “Lý rừng” trên đường Hồ Chí Minh.

Sau khi hoàn tất “cơ sở hạ tầng” của khu rừng trên 32 ha, ông bắt tay vào “nghiên cứu” trồng những loại cây nào có hiệu quả. Với chút ít kinh nghiệm về rừng, ông thấy được giá trị của cây huện về lâu dài.

Ông đã tìm tòi học hỏi để ươm giống cây này. Các nhà khoa học đánh giá cao vì không ngờ một nông dân như ông lại nhân giống cây huện “tài” đến vậy.

Trong một thời gian ngắn, 20 ngàn cây huện được trồng ngay hàng thẳng lối đều khắp trên mấy chục hécta rừng và 5.000 cây trầm hương ngày càng chóng lớn sóng sánh cùng cây huện.

Rừng của ông còn có đến 5.000 gốc tiêu bám vào cây trầm, gốc huện. Hàng năm, ông thu nhập hơn cả trăm triệu đồng.

Với rừng thế chưa đủ, ông vận dụng cả đất vườn và chân đồi của rừng để làm mô hình VAC (vườn - ao - chuồng)+ R (rừng). Ông thuê của xã Cự Nẫm thêm 1 ha ở hồ cây Khế cộng với ao nhà để thả cá; trồng trên 1.000 cây vải có giá trị kinh tế cao; trồng hàng ngàn cây ăn quả khác như nhãn, mãng cầu xiêm, sam-bu-chê,…; nuôi bầy heo hàng chục con, đàn bò 30 con…

Chưa hết, ông Lý còn nổi tiếng về nhân các loại giống. Tiếng lành đồn xa, nên rất nhiều cá nhân cũng như tập thể trồng rừng ở cả nước đặt ông ươm giống. Thu nhập hàng năm được bao nhiêu, ông trả nợ dần, số tiền còn lại ông “đổ” tiếp vào rừng.

“Lấy rừng nuôi rừng để sau này con cháu, đất nước hưởng chứ tui thì chẳng hưởng gì. Vì cây huện 30 - 40 năm mới khai thác, cây trầm thì lâu hơn…” - ông Lý tươi cười với vẻ toại nguyện.

Anh thương binh làm giàu nhờ trồng rừng ảnh 3

Con đường xuyên rừng của ông Lý thuận tiện trong mọi việc.

Xét về giá trị của khu rừng ông Lý, chắc nhiều người phải kinh ngạc, nể phục.

Trên 20 ngàn góc huện, nếu tính thời giá khoảng 10 năm tuổi (1995 - 2005) thì trung bình mỗi cây đã 2 triệu đồng, còn 20 - 30 năm sau thì giá trị vô cùng lớn.

Cây huện là loại gỗ dùng đóng thuyền vào bậc nhất. Ngoài ra, cây huện làm cột nhà, cưa ván để làm các vật dụng khác rất tốt.

Còn 5.000 góc cây trầm hương hiện tại có thể khai thác bằng cách lấy dầu. Vài chục năm sau thu hoạch thì giá trị của nó càng lớn...

Tài sản nằm trong rừng lớn là vậy, nhưng ngôi nhà của ông thì vẫn lụp xụp, bề bộn. Ông tâm niệm: “Hồi đó nghe chính sách của Đảng, Nhà nước tui sẵn sàng là một trong những người đi đầu, bởi nhận biết rừng là vốn quý nếu biết cách bảo vệ, trồng và chăm sóc. Dẫu gian khổ mới làm được điều ấy, nhưng tôi có quyết tâm và tâm huyết với rừng. Trồng rừng không những có lợi về kinh tế, mà còn là lá phổi xanh của quốc gia. “Rừng vàng”, nhưng phải biết cách mới “tạo ra vàng”, chứ chỉ khai thác không thôi thì thành đất cằn cỗi”.

Với nghị lực phi thường của ông “Lý rừng”, năm 2003, ông được giải thưởng Môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, được Thủ tướng tặng Bằng khen vì những cống hiến của ông với rừng. Ngoài ra không thể kể hết những bằng khen, giấy khen của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và nhiều hội, đoàn, địa phương…

Ông đã được xã hội ghi nhận vì những đóng góp to lớn đối với rừng, với môi trường sinh thái... và với cả các thế hệ mai sau.

NGUYỄN XUÂN HƯNG

Tin cùng chuyên mục