Biên giới Tây Nam

Mùa nước nổi, “tràn lan” chuyện buôn lậu

Mùa nước nổi, “tràn lan” chuyện buôn lậu

Tình hình buôn lậu dọc biên giới Tây Nam những ngày này hết sức nóng bỏng. Các mặt hàng như thuốc lá, đường cát Thái Lan, xăng dầu, hàng điện máy, điện thoại di động, quần áo… được dân buôn lậu ào ạt đưa qua biên giới cả ngày lẫn đêm, bất chấp sự ngăn cản của ngành chức năng.

  • Buôn lậu...…công khai!

Mùa nước nổi, “tràn lan” chuyện buôn lậu ảnh 1
Người dân đai vác hàng lậu ở biên giới Châu Đốc - An Giang. Ảnh: H.P.L.

Từ thành phố Long Xuyên (An Giang), theo quốc lộ 91 ngược lên biên giới Châu Đốc là “điểm nóng” vận chuyển hàng lậu những ngày gần đây. Chưa đầy nửa tiếng ngồi quan sát ở một quán cà phê ven đường, chúng tôi chứng kiến từng tốp 5 đến 10 người, rú ga xe gắn máy lao thẳng về hướng Long Xuyên. Nhiều người dân địa phương tiết lộ: “Đó là dân buôn lậu, họ lấy hàng ở biên giới chở về tiêu thụ.

Gần đây bọn chúng kết thành băng chạy tốc độ cao, khiếp lắm hổng ai dám ra đường...”. Anh Trần Bửu Tài, Trưởng phòng Tham mưu chống buôn lậu và xử lý (Cục Hải quan An Giang) cho biết: “Đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng lậu về Long Xuyên, Cần Thơ… Đặc biệt, mặt hàng thuốc lá nhập lậu gần đây tăng cao”.

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ đạo 127 An Giang, lực lượng cảnh sát đường thủy vừa tóm gọn mẻ lưới chở 37.100 gói thuốc lá lậu được ngụy trang rất tinh vi dưới hầm ghe. Bên cạnh đó, Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường An Giang), theo dõi 4 xe gắn máy chở 2.124 gói thuốc lá lậu từ biên giới về Long Xuyên. Hàng hóa chưa kịp tiêu thụ thì bị lực lượng ập vào bắt tại chỗ.

Tại biên giới An Phú về thị xã Châu Đốc, Chi cục Quản lý thị trường An Giang cũng vừa kiểm tra 2 xe gắn máy chở đến 5.000 gói thuốc lá công khai giữa ban ngày. Ở xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu), tình hình cũng rất nóng bỏng. Chỉ cách nhau vài chục phút, chúng tôi chứng kiến từng tốp người nối nhau chở hàng lậu. Đa số hàng lậu từ Om- xà- no (Campuchia) đưa về Vĩnh Xương bằng đường bộ.

Đường cát, thuốc lá, điện máy, mỹ phẩm, điện thoại di động… là những mặt hàng chủ yếu. Theo chính quyền địa phương, đa phần là người dân tại chỗ và các xã lân cận tham gia vận chuyển về bán kiếm lời. Họ đi cả ngày lẫn đêm và có hẳn người “canh gác báo tin” nên rất khó bắt giữ. Còn địa bàn Vĩnh Ngươn tiếp giáp với gò Tà Mâu (Campuchia), nơi có nhiều kho hàng đầy ắp sẵn sàng cung ứng bất cứ lúc nào. Hàng lậu chỉ cần lọt qua Vĩnh Ngươn là lập tức “hòa tan” vào nội địa và được biến hóa rất nhanh khó mà phát hiện.

Tại Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng (Long An), buôn lậu cũng sôi động không kém. Thuốc lá được chở đầy ắp bằng vỏ lãi, chỉ cần đưa hàng trót lọt qua biên giới, dân buôn lậu thu lời từ 5 đến 7 triệu đồng/chuyến. Trong khi đó, tuyến Thường Phước (Hồng Ngự- Đồng Tháp); Hà Tiên, Kiên Lương (Kiên Giang)… buôn lậu diễn ra từng ngày. Điều đáng nói là ở biên giới Kiên Giang xuất hiện cả người dân Campuchia cũng tham gia vận chuyển hàng lậu.

Mới đây, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang vừa bắt giữ 3 đối tượng người Campuchia chở 6.000 lít xăng dầu trên tuyến đường biển. Qua điều tra, thuyền trưởng Xa Ha Ri khai nhận, số xăng dầu trên họ mua từ các tàu cá ở khu vực Kiên Lương chở về Campuchia tiêu thụ. Tại Cần Thơ, ngày 15- 11, lực lượng công an bắt giữ xe ô tô khách do tài xế Trần Công Thành, ở phường 7, thị xã Sóc Trăng điều khiển, chở 2.250 gói thuốc lá lậu…

  • Đối phó bằng cách nào?

Chiều 20-11, theo thông tin của Ban chỉ đạo 127 An Giang, từ đầu năm đến nay các ngành chức năng phát hiện 1.624 vụ vận chuyển hàng lậu, hàng giả, tịch thu hàng hóa trị giá gần 9 tỷ đồng. Tại Đồng Tháp, Chi cục quản lý thị trường kiểm tra 3.378 vụ, tịch thu hàng hóa trên 567 triệu đồng… Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành chuyên môn thì số vụ phát hiện còn rất khiêm tốn so với số vụ trót lọt.

Nguyên nhân, do địa bàn biên giới rộng, nhiều ngõ ngách… trong khi lực lượng chống buôn lậu mỏng nên không thể kiểm soát cả ngày lẫn đêm được. Mặt khác dân buôn lậu ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều mánh khóe để qua mặt ngành chức năng. Hàng hóa được đưa vào ghe 2 đáy (đóng 2 lớp) để che giấu. Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường An Giang rất vất vả mới phát hiện được dân buôn lậu đưa thuốc lá giấu vào trong bình xăng xe gắn máy (!?). Ngoài ra, họ còn dùng điện thoại di động để liên lạc, thậm chí cho người theo dõi mọi động tĩnh của lực lượng kiểm tra để thông báo tình hình…

Mùa nước nổi, “tràn lan” chuyện buôn lậu ảnh 2
Hàng lậu tập kết ở biên giới Campuchia để đưa sang Kiên Giang Ảnh: H.P. L

Anh Trần Bửu Tài nhìn nhận: “Chống buôn lậu được làm thường xuyên nhưng rất khó ngăn chặn triệt để. Nhất là thuốc lá lậu gần đây gia tăng, họ đi nhỏ lẻ, phân tán khó mà theo dõi hết được. Mặt khác, thuốc lá hiện nay không còn là hàng cấm nên việc xử lý rất nhẹ, từ đó khiến dân buôn lậu không sợ”.

Đối với mặt hàng đường cát từ Campuchia tràn qua Việt Nam rất lớn, ước tính từ vài trăm tấn đến cả ngàn tấn mỗi ngày, nên đã kéo giá đường trong nước từ 10.000đ- 11.000đ/kg xuống còn chỉ 7.000đ- 7.200đ/kg (!). Dù vậy, việc ngăn chặn không đơn giản, bởi những tay đầu nậu rất tinh khôn, trong đó có việc sử dụng hóa đơn, giấy tờ hợp lệ của các công ty được phép nhập đường để vận chuyển đường lậu, theo hình thức “quay vòng hóa đơn”.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, phó Bí thư Huyện ủy Tân Châu (An Giang) thừa nhận: “Mấy năm nay, không thể truy bắt được đầu nậu, bởi họ núp bóng bên trong, sau đó thuê dân nghèo đai vác. Khi bắt dân đai vác, họ khóc lóc ỉ ôi, khổ lắm, cuối cùng không xử lý được. Thả ra, họ lại đai vác tiếp…”.

Theo nhận định từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu tuyến biên giới Tây Nam sẽ phức tạp. Chỉ cần chút sơ hở là hàng lậu tuồn vào với số lượng lớn, nhất là những mặt hàng có chênh lệch giá cao. Ban chỉ đạo 127 các tỉnh đang cố gắng triển khai nhiều biện pháp để hạn chế hàng hóa nhập lậu.  

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục