Tấm lòng lính biển lớn hơn con sóng

Tấm lòng lính biển lớn hơn con sóng

Nhiều người nói đi Trường Sa say sóng dữ lắm, về đến nhà da sẽ như cua lột v.v.. khiến tôi hơi lo, nhưng khi nghe sếp bảo: “Trong cuộc đời làm báo nên ra Trường Sa dù chỉ một lần, sau này dù có tốn cả trăm triệu đồng cũng khó mà đi được…”. Thế là tôi như được truyền lửa…

  • Hành trình vượt biển…

Tấm lòng lính biển lớn hơn con sóng ảnh 1

Dưới gốc cây bàng vuông ở đảo Trường Sa, lính đảo vui hát yêu đời.

Một ngày đầu tháng 4-2006. Có mặt tại Tân Cảng đúng 5 giờ 30 phút sáng, tôi thấy con tàu HQ 957 đã neo đậu sẵn. 8 giờ kém 15 phút, tàu hụ 3 hồi còi vang cả mặt sông Sài Gòn. Lễ tiễn đoàn diễn ra với nghi thức khá trang trọng.

Đồng chí Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và hai Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Văn Đua lên tận tàu dặn dò từng người: hãy mang đến các chiến sĩ Trường Sa tình cảm thân thương nhất của người dân thành phố!

8 giờ đúng, tàu HQ 957 nhổ neo rời bến…Tôi đứng mãi trên boong tàu để ngắm thỏa thích cảnh Bến Nhà Rồng, khu cảng Khánh Hội, rồi “Nhà Bè nước chảy chia hai…” và tới biển Cần Giờ. Khi con tàu qua khu vực cửa biển, mọi người cùng reo lên: Biển Đông kia rồi!

Con tàu tăng tốc, để lại sau lưng đất liền cứ lùi xa, lùi xa dần cho đến khi chỉ còn lại có trời nước mênh mông. Sóng không lớn nhưng cũng đủ để cho nhiều người trên tàu say ngất ngư…

5 giờ 30 phút sáng hôm sau, khi mọi người đang yên giấc thì có tiếng nói từ loa phát thanh trên tàu: “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu! Mời các đại biểu thức dậy chuẩn bị ăn sáng”. Ăn sáng xong, mọi người rủ nhau lên boong ngắm bình minh trên biển.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải kể cho chúng tôi nghe một “phát hiện” : ông và Chuẩn Đô đốc Trần Quang Khuê, Phó Tư lệnh Hải quân Việt Nam có tới “3 cùng” (cùng sinh năm 1950; cùng cưới vợ một năm; cùng sinh hai con trai), chỉ có khác một điều là ông sinh trước 1 ngày nên được làm… anh. Hai người đã kết nghĩa anh em trên tàu khiến ai nấy suýt xoa hoài vì sự trùng hợp thú vị đó.

  • Nơi gặp gỡ của tình thương

Sau ba ngày trên biển, vượt qua 370 hải lý, mọi người đặt chân lên đảo Trường Sa lớn. Lính đảo và người đất liền tay bắt mặt mừng như quen biết nhau từ lâu. Trong nụ cười có cả những giọt nước mắt xúc động của các chị, các em.

Các cô gái trong đội văn nghệ Thành đoàn TPHCM, dù say sóng tái mét nhưng vẫn hát, vẫn múa hết mình để phục vụ lính đảo. Mọi người tranh thủ tỏa đi thăm các chiến sĩ, toàn đảo nơi đâu cũng râm ran tiếng nói cười, tiếng đàn hát. Ở đảo, các chiến sĩ trẻ tự trồng đủ các loại rau, hoa nên quang cảnh đảo rực rỡ chẳng kém làng hoa trong đất liền.

Thấy chúng tôi ngẩn ngơ ngắm những cây bàng vuông xanh lá, những chùm hoa Phong Ba trắng trời và những cây Bão Táp hiên ngang trước gió biển, các chiến sĩ cho biết: “Mùa này ở đảo còn cây xanh và hoa chứ đến cuối năm thì trơ trụi, vì cây cối bị hơi mặn nước biển tàn phá”.

Chị Minh Quyên, Giám đốc Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM nghẹn ngào: “Trời, đến cây cối còn không sống nổi, vậy mà lính đảo vẫn trụ vững giữa trùng khơi”.

Tạm biệt những chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi đến đảo Đá Đông A. Đây là đảo chìm nên diện tích nhà ở trên đảo chỉ rộng vỏn vẹn hơn 50 m2. Đảo Trưởng Ngô Văn Lúa cho biết dù thời tiết khắc nghiệt, anh em vẫn trồng trọt, chăn nuôi cung cấp đủ thức ăn và rau xanh cho bộ đội, đảm bảo sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ đảo Đá Đông A đến đảo Trường Sa Đông đi mất nửa ngày. Xa xa đã thấy bóng các chiến sĩ Hải quân đứng đợi trắng cả một góc đảo. Vui nhất là gặp những lính binh nhất lứa tuổi hai mươi. Đảo trưởng đảo Trường Sa Đông Trần Hoàng Nam cho biết: “Ngọn lửa “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc luôn được thắp sáng trên đảo. Ở đây, đang có rất nhiều “Nguyễn Văn Thạc” và “em trai chị Đăïng Thùy Trâm” tham gia phong trào thi đua viết tiếp truyền thống tuổi hai mươi…”

Lưu luyến chia tay với những người lính ở đảo Trường Sa Đông, chúng tôi lại đến thăm những người lính ở đảo Đá Tây A. Chỉ trong mấy ngày, hết hội ngộ lại chia tay; hết chia tay lại hội ngộ…

Những ánh mắt, nụ cười cứ trôi qua loang loáng và cuối cùng điều đọng lại trong lòng mọi người là niềm thương chen lẫn nỗi nhớ. đúng như cô Nguyễn Kim Nga, Phó Bí thư Quận Đoàn 4 bộc bạch: “Hồi ở đất liền, em không hình dung hết vất vả gian nan của người lính đảo, nay tận mắt chứng kiến tinh thần vượt khó, luôn coi “Biển là nhà, đảo là quê hương”, em vô cùng cảm phục…”

Cô Trinh Nguyên, Bí thư Đoàn Tân Cảng Sài Gòn khẳng định: “Về đất liền, em sẽ phát động phong trào “Vì Trường Sa thân yêu” đến tất cả các bạn trẻ”.

  • Tấm lòng lính biển lớn hơn con sóng…

Đi một vòng thăm lính đảo Trường Sa, đã đến lúc con tàu HQ 957 quay trở về đất liền. Trên đường về, đoàn dừng chân thăm các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn Tư Chính- Cụm khoa học kỹ thuật -dịch vụ giữa biển khơi của nước ta. Trước khi lên nhà giàn, đoàn làm lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại vùng biển này.

Cách đây mấy năm, một cơn bão lớn với sức gió cấp 7, cấp 8 bỗng ập đến làm sập nhà giàn, khiến các chiến sĩ bị cuốn trôi trong những cơn sóng bạc đầu. Trong số những liệt sĩ mãi mãi nằm lại biển khơi hôm ấy, có người không kịp nhìn mặt đứa con thân yêu mới chào đời… Câu chuyện bi tráng ấy đã khiến bao trái tim thổn thức.

Nhà giàn Tư Chính chênh vênh giữa biển khơi. Chiếc ca nô chở chúng tôi cứ chòng chành mãi giữa những đợt sóng mới tấp được vào bờ. Cánh đàn ông cũng bị say sóng ngất ngư. Cuối cùng rồi cũng lên được nhà giàn.

Thiếu tá Trần Đức Vinh, Trưởng trạm Tư Chính cho biết: “Nhà giàn cao 20 mét so với mặt biển nhưng khi có bão tố, sóng đánh lên tận trên cao này làm nhà giàn ướt sũng. Dẫu vậy, anh em vẫn một lòng bám trụ…”.

Một sĩ quan thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng là thành viên trong đoàn chia sẻ: “Đến với lính biển mới hiểu được tình cảm họ lớn hơn con sóng. Lính biên phòng chúng tôi còn có dân, có đất liền, không sợ cô đơn, chứ lính biển chỉ có biển và trời…”.

Sau 8 ngày lênh đênh trên biển và được gặp những con người đang làm nhiệm vụ ở “nơi đầu sóng ngọn gió”, trở về đất liền, chúng tôi thấy lòng mình trào dâng nỗi nhớ người, nhớ biển da diết. Chuẩn Đô đốc Trần Quang Khuê xúc động: “Đúng lúc chia tay, tôi lại muốn tất cả chúng ta quay ra với biển, với lính”.

Đồng chí Lê Thanh Hải xiết chặt tay đồng chí Trần Quang Khuê và nói : “Chuyến đi này, các thành viên trong đoàn gặt hái nhiều “cái được”. đó là được chứng kiến nỗi gian nan vất vả và tấm lòng người lính biển; cái được lớn hơn là có dịp tự soi xét lại mình để rèn luyện, phấn đấu, vượt qua thử thách trước những cám dỗ tầm thường ở đất liền…”.

MINH NGỌC 

Tin cùng chuyên mục