Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng

Ngổn ngang vùng “cấm địa”

Cách đây 2 năm, ngày Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới (15-2-2004), lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã rất lạc quan khẳng định với báo chí: “PN-KB được bảo vệ rất tốt từ khi nó còn là Khu bảo tồn thiên nhiên”, và “chính quyền các cấp sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là người dân 9 xã vùng đệm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị của di sản”. Nhưng…
Ngổn ngang vùng “cấm địa”

Cách đây 2 năm, ngày Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới (15-2-2004), lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã rất lạc quan khẳng định với báo chí: “PN-KB được bảo vệ rất tốt từ khi nó còn là Khu bảo tồn thiên nhiên”, và “chính quyền các cấp sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là người dân 9 xã vùng đệm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị của di sản”. Nhưng…

  • Mạnh ai nấy... lấn chiếm

Ngổn ngang vùng “cấm địa” ảnh 1
Biển quảng cáo lấn biển di tích (!).

Sự tĩnh lặng của một vùng quê miền sơn cước bốn bề núi non trùng điệp và hình ảnh hàng chục con thuyền mộc trên dòng sông Son với tiếng mái chèo lách cách chở khách thập phương vãn cảnh Phong Nha dường như đã thuộc về dĩ vãng. Hiện tại, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách khi đến PN-KB là tấm biển quảng cáo nhà nghỉ, massage… của Công ty xây dựng lâm sản tổng hợp Tràng An đặt “khiêm tốn” dưới chân dãy chữ hoành tráng gắn vào núi đá: “Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”!

Từ đây, con đường trục chính dẫn vào khu trung tâm (gồm 3 thôn Hà Lời, Phong Nha, Xuân Tiến của xã Sơn Trạch) với chiều dài trên 3 km luôn ở trong tình trạng mịt mù bụi đất cuốn theo những chiếc xe tải, xe công nông chở vật liệu xây dựng ngược xuôi như con thoi; rồi hai bên đường mọc lên vô số những ngôi nhà, lều quán, tường rào… mới xây, đang xây hoặc mới tập kết vật liệu, tạo nên một đại công trường nham nhở. Có phải vùng cửa ngõ và khu “cấm địa” PN-KB với cảnh sắc thiên nhiên núi non, sông nước bình dị đang thai nghén một hình hài đô thị?

Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Người dân tự ý cơi nới, xây dựng công trình trái phép từ 3 năm nay với mức độ ồ ạt, nhiều tiền một chút thì xây nhà, xây lều quán; ít tiền thì mở rộng hành lang, hàng rào… Quản lý không xuể! Xã đã lập biên bản, xử phạt hành chính tới 180 trường hợp nhưng con số đó vẫn chưa dừng lại”.

Ngổn ngang vùng “cấm địa” ảnh 2
Di sản thiên nhiên thế giới xấu đi bởi những hình ảnh như thế này.

Mục đích của việc xây dựng tự phát đó là “chờ” quy hoạch khu trung tâm du lịch hoặc khi giải phóng mặt bằng xây dựng đường trung tâm sẽ được đền bù. Đó là phía người dân. Còn các “đối tác” đầu tư vào di sản? Hiện có không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả chủ đầu tư từ Hà Nội cũng “đổ vốn” vào khu trung tâm PN-KB; có điều, sau khi đệ trình một dự án tầm cỡ… trên giấy và được cấp đất, doanh nghiệp “triển khai” san ủi mặt bằng xong thì tạm nghỉ! đầu tư nửa vời theo kiểu “xí chỗ” như thế đã khoác cho PN-KB một diện mạo... áo vá và làm cho địa phương chẳng biết đường nào mà lần.

Trước thực trạng lấn chiếm di sản theo kiểu “mạnh ai nấy được” có nguy cơ phá vỡ quy hoạch nay mai của khu trung tâm du lịch PN-KB, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra nhiều văn bản khuyến cáo, chấn chỉnh và nghiêm cấm việc xây dựng trái phép (chủ yếu từ phía người dân), thậm chí yêu cầu chính quyền cơ sở xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

  • Rất cần giải pháp mạnh

Làm thế nào để tháo gỡ bế tắc nói trên? Ông Nguyễn Văn Hòa ngao ngán, lắc đầu: “Chúng tôi cũng chỉ biết… lập biên bản và xử phạt hành chính để răn đe! Vừa qua, làm gắt lắm mới có được 6 hộ gia đình tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Phải cưỡng chế đồng bộ, đồng loạt thì họa may!” Việc cưỡng chế đồng bộ, đồng loạt ở đây được hiểu là sự ra tay của các cấp, các ngành chứ không phải một mình xã cáng đáng, và xử lý bằng cách cưỡng chế mọi trường hợp. Nhưng, vấn đề là khi nào sẽ dùng giải pháp mạnh đó?

Ngổn ngang vùng “cấm địa” ảnh 3
Đường vào Phong Nha - Kẻ Bàng đầy khói bụi.

Theo lãnh đạo xã Sơn Trạch, trong Thông báo số 43/TB-UBND, ngày 13-1-2006 của UBND tỉnh Quảng Bình thì quy hoạch tổng thể Vườn Quốc gia PN-KB đang trong quá trình tìm kiếm thêm đối tác tài trợ cho việc lập quy hoạch và quy hoạch khu trung tâm du lịch Phong Nha cũng chưa được phê duyệt, trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến đường vào khu trung tâm PN-KB nối với đường Hồ Chí Minh có tổng vốn đầu tư trên 35 tỷ đồng đã triển khai, làm cho người dân bung ra xây dựng, cơi nới công trình với mục đích chờ giải phóng mặt bằng để được đền bù. Điều đáng nói ở đây, sự việc đã diễn ra từ năm này qua năm khác nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Với du khách, điều khổ nhất, không phải là sự bề bộn, nham nhở của khu trung tâm mà là sự bức bối về môi trường một danh lam thắng cảnh tầm cỡ PN-KB. Ngay cạnh con đường chính mù mịt bụi bặm, bên này sầm uất hàng quán, nhà hàng và cách vài chục mét nữa là bến thuyền vào động Phong Nha; còn bên kia, phía đối diện lại là bãi rác thải tập trung nằm án ngữ ngay trước cổng Nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Trạch!

Rồi đối diện với nghĩa trang liệt sĩ là di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn, xung quanh cũng đầy rác thải bốc mùi xú uế. Tất cả, cùng với sự “cư xử” khập khiễng, vô thưởng vô phạt của các nhà đầu tư đã làm cho diện mạo Di sản Thiên nhiên thế giới PN-KB bị méo mó và xô lệch khỏi cái tên của nó. 

LÊ MINH THẮNG

Tin cùng chuyên mục