Diệu kỳ một tiếng nói chung

Diệu kỳ một tiếng nói chung

Tôi đến thôn Đại Lợi, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, giữa mùa lúa chín. Nắng vừa lên, gió nhẹ. Một biển vàng mênh mông gợn sóng. Vài hộ gia đình đang gặt sớm trên mảnh ruộng của mình. Tôi đưa máy ảnh lên. Anh Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) xã Đại Nghĩa, khoát một vòng tay như muốn ôm cả cánh đồng vàng rực gần 50 ha vào lòng, phấn khích nói lớn:

- Cứ chụp đi! Chụp nữa đi! Từ cái ăn, cái mặc đến việc học hành của con cháu, việc tôn tạo nhà cửa, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt như xe gắn máy, tivi... trong từng gia đình đều nhờ vào cái “anh” lai F1 này!

Diệu kỳ một tiếng nói chung ảnh 1
Một gia đình đang gặt lúa trên mảnh ruộng trúng mùa của mình.

Nói tới đây, giọng anh bỗng lắng xuống chân tình: “Nghĩ mà thương các anh ở huyện, ở xã đã từng cùng bà con chúng tôi lăn lộn trong hơn 5 năm qua, nhất là trong mấy năm đầu, để giống lúa mới trụ vững trên ruộng đồng, giúp nông dân ngày một khấm khá hơn trong cuộc sống”. Anh cho biết, đây là vùng chuyên sản xuất giống lúa lai F1, cung cấp cho nhiều địa phương khác. Mùa này thu hoạch được 3,8 tấn/ha. Mỗi kg lúa giống bằng 4 kg lúa thường. Quy ra, 1 ha lúa giống bằng hơn 15 tấn lúa thường! Và trong toàn huyện có đến 300 ha lúa giống như vậy.

Tiếp xúc với anh, tôi mới rõ thêm về vai trò của HTX trong tình hình hiện nay. Tôi cứ ngỡ rằng tổ chức này đã giảm đi nhiều tác dụng khi ruộng đất đã thuộc về từng hộ gia đình. Rõ là không còn cái cảnh “đánh kẻng ghi tên” như trước đây, song HTX vẫn còn đảm nhận 4 dịch vụ cơ bản: đảm bảo điện sản xuất (cũng như tiêu dùng); chăm lo khâu thủy lợi; đảm nhận khâu làm đất bằng các loại máy nông nghiệp; chú trọng công tác bảo vệ thực vật (phòng trừ sâu bệnh, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi, cung cấp vật tư nông nghiệp, các loại thuốc trừ sâu rầy). Điều này tránh cho bà con khỏi phải nhầm lẫn khi mua các mặt hàng này ở các cửa hàng tư nhân với giá cao hay gặp phải hàng dỏm, hàng kém chất lượng, quá hạn, rước lấy thiệt hại mà không biết kêu ai! Không những ở đây mà trong toàn huyện, HTX đã đóng được vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác nông nghiệp và đã trở thành bà đỡ của nông dân, góp phần không nhỏ vào thắng lợi những vụ mùa.

Càng nghe nói, tôi càng mê mẩn vuốt ve từng nhánh lúa trĩu hạt mang nặng công sức bao người. Bỗng Trâm Anh, anh cán bộ nông nghiệp huyện có tên như con gái cùng đi với tôi, nhỏ nhẹ nói:

- Đến với cánh đồng màu 100 triệu đồng/ha ở các xã Đại Hòa, Đại Nghĩa, anh còn cảm nhận được lắm điều thú vị nữa.

- Những 100 triệu/ha - tôi buột miệng hỏi lại.

- 100 triệu, đó là nói con số tròn, con số trung bình, chớ còn nhiều héc-ta mỗi năm thu hoạch lên tới 120 - 140 triệu đồng/ha.

Dĩ nhiên, đó là 2 xã dẫn đầu thu nhập về màu. Còn với 2.800 ha màu trong toàn huyện thì hãy còn nhiều nơi mới đạt tới con số gần 100 triệu/ha.

Náo nức trước sự giới thiệu ấy, chúng tôi đến xã Đại Hòa. Một màu xanh bạt ngàn phủ kín cả cánh đồng rộng 308 ha trông đến dịu mắt. Đủ các loại rau quả thích hợp với thời tiết từng vụ, từng mùa: cà chua, khổ qua, bí đao (loại nhỏ quả), đu đủ... loại nào cũng sai quả trĩu nặng cành.

Tại đồng, chúng tôi gặp vợ chồng anh Phan Bảy. Hai người đang ngồi ăn sáng trong túp lều che tạm bằng mấy cành lá bên bờ ruộng, sau nhiều giờ liền lao động khẩn trương từ sớm tinh mơ. Gia đình anh gồm 5 nhân khẩu, được 5 sào đất (5.000m2).

- Hoa màu năm nay thu hoạch khá chớ, anh Bảy? Tôi hỏi, làm quen.

- Cũng tàm tạm.

- “Tàm tạm” là thế nào? Xin anh cho biết rõ hơn.

Là người sản xuất ra hàng hóa, lại là nông dân, nên không mấy ai muốn “khoe của”. Anh Bảy cũng vậy. Theo đề nghị của tôi, anh giải thích 2 chữ “tàm tạm” có nghĩa là đủ ăn, đủ mặc và nuôi được 3 con ăn học (1 gái đang học đại học năm thứ hai; 1 trai đang chuẩn bị thi vào đại học và 1 út trai đang học lớp 6. 5 sào đất không đủ cho 2 công lao động nên anh làm thêm nghề thợ hồ, mỗi năm thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

- Hai chữ “tàm tạm” của anh thoạt nghe thật đơn giản, song thực chất khá phong phú, phải không anh Bảy?

Nghe vậy, người tiếp chuyện tôi chỉ nở một nụ cười chất phác mà không nói gì thêm.

Trâm Anh lại nhỏ nhẹ:

- Cánh đồng 100 triệu/ha là thế đấy! Anh cứ nhẩm thử xem từ gia đình anh Bảy thì biết. Bao chi phí gồm cả 3 con ăn học đâu có nhỏ mà chủ yếu chỉ dựa vào một nửa héc-ta màu.

Tôi lẩm nhẩm nhưng không phải để tính ra một con số cụ thể mà suy ngẫm về nguyên nhân từ đâu để có được những cánh đồng lúa với sản lượng cao từ 7 - 8 tấn/ha/vụ và những đồng màu 100 triệu đồng/ha/năm này.

Tôi mang băn khoăn ấy về trụ sở UBND huyện. Trên đường đi, hình ảnh anh Phan Bảy như còn đọng lại trong tâm trí tôi cùng với chuyện kể về gia đình anh. Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm rồi mà nỗi đau thương vẫn còn ở lại với không ít gia đình. Riêng anh Phan Bảy, cả gia đình gần 10 người, lần lượt bị địch bắn chết trong vòng 1 tháng, còn lại trơ trọi chỉ 1 người con thứ bảy là anh. Năm 1984, anh đi bộ đội; 1988 trở về, cưới vợ, phấn đấu gian khổ nhiều năm liền, vượt qua bao khó khăn, đói nghèo, cơ cực để có được cuộc sống “tàm tạm” như ngày hôm nay. Tuy vậy, qua câu chuyện, anh vẫn tự xếp mình vào loại bần nông. Hẳn đó là thành phần bần nông kiểu mới và điều đáng mừng là ở thôn Đại Lợi này còn có không ít người như anh. Rõ là cánh đồng lúa sản lượng cao, cánh đồng màu 100 triệu/ha không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn bao hàm cả giá trị lớn lao về văn hóa, xã hội.

Trụ sở UBND huyện hiện ra trước mặt, cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Bước vào phòng làm việc của Phó Chủ tịch Phan Đức Tính, phụ trách nông nghiệp, tôi hồ hởi buột miệng:

- Đồng lúa cũng như đồng màu mà tôi vừa được tham quan, rõ tuyệt vời.

- Trên cả tuyệt vời! - Một phản ứng tự nhiên được buông ra từ cửa miệng của người phó chủ tịch.

Vốn là một con người khiêm tốn nhưng anh cũng không thể kìm chế được mình khi bộc lộ niềm vui. Công bằng mà nói, niềm vui ấy cũng không có gì là quá “bốc”.

Anh cho biết, vụ mùa năm nay trúng lớn hơn mọi năm, năng suất bình quân trong toàn huyện là 6 tấn/ha; còn những vùng lúa lai F1 thì cao hơn: từ 7 - 8 tấn/ha. HTX xã Đại Hiệp, HTX điểm của cả nước vẫn tiếp tục là ngọn cờ đầu trong toàn quốc, vừa qua được đề nghị tuyên dương Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Diệu kỳ một tiếng nói chung ảnh 2
Đồng màu xanh tốt của xã Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam.

Những hiệu quả ấy không những có tiếng vang trong tỉnh mà còn lan rộng ra khắp mọi miền. Nhiều đoàn cán bộ TƯ và các tỉnh bạn khi ra Bắc hay vào Nam công tác thường không quên dành thời gian hướng đầu xe về huyện Đại Lộc để có dịp tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm. Có đoàn khi đứng trước cánh đồng màu 100 triệu đã thích thú ví von: “Một Thâm Quyến thứ hai” (Thâm Quyến, Trung Quốc, là nơi có vùng rau sạch nổi tiếng thế giới).

- Vậy bức tranh “trên cả tuyệt vời” ấy do những yếu tố nào gộp lại, làm nên? - Tôi đặt tiếp câu hỏi.

- Nguyên nhân, yếu tố nào ư? Hẳn là có nhiều. Qua tham quan thực tế và tiếp xúc với cán bộ nông nghiệp huyện, chắc anh đã thấy được không ít điều rồi. Riêng tôi, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều mà tôi cho là yếu tố có tính quyết định nhất. Đó là việc chúng tôi biết phát huy thế mạnh đã trở thành truyền thống lâu nay của huyện: một tiếng nói chung.

Giọng anh Phó chủ tịch bỗng trầm xuống, chậm lại như muốn lưu ý người nghe - “Tiếng nói chung” ấy càng thể hiện rất rõ qua quá trình thực hiện nghị quyết của huyện ủy, cũng như của các cấp trên.

Anh cho biết diện tích đất lúa trong toàn huyện khoảng 4.200 ha. Ngoại trừ những vùng đất không thích hợp với giống lúa mới, hay điều kiện thâm canh chưa đủ (9 xã vùng núi của huyện) chiếm khoảng 40%; 60% còn lại, năm qua, theo nghị quyết của huyện ủy là phải kiên quyết áp dụng giống lúa lai F1. Sau khi có nghị quyết, các huyện ủy viên, bao gồm cả bí thư, phó bí thư, đều được phân công “đứng xã”. Họ được coi như bí thư thứ nhất ở địa phương, hợp lực với cấp ủy, chính quyền cùng bà con sở tại ra quân, xông trận. Có huyện ủy viên “đứng xã”, phần lớn những vướng mắc, khó khăn đều được giải quyết kịp thời và ngay tại chỗ. Lòng tin của người dân từ đó được nâng lên rõ rệt. Dĩ nhiên, bao giờ cũng có một quá trình tuyên truyền, vận động và thuyết phục bằng thực tế sinh động, cụ thể.

Tuy vậy, ban đầu không dễ gì người dân muốn tiếp cận ngay với cái mới, song nhờ có lòng tin, họ đã vượt qua được những do dự ban đầu. Mặt khác, UBND huyện còn xuất ngân sách hàng tỷ đồng cho dân vay vốn mua lúa giống và chỉ hoàn trả sau khi thu hoạch. Điều này càng khiến người nông dân mạnh dạn nhập cuộc và nhận rõ nghị quyết của trên không có gì ngoài mục đích nâng cao đời sống về mọi mặt cho chính họ.

Cuối cùng, Phó Chủ tịch Phan Đức Tính nói như kết luận:

- “Tiếng nói chung” của chúng tôi là thể hiện quyết tâm bằng mọi cách đưa nghị quyết của huyện ủy vào cuộc sống của người dân như thế đó! Và mọi thắng lợi cũng bắt đầu từ đó mà ra!

Chia sẻ niềm vui, tôi nhanh nhẩu đáp lại:

- Một tiếng nói chung làm nên bài ca 14 - 16 tấn lúa/năm và 100 triệu đồng/ha màu.

6-5-2006 

MINH KIÊN

Tin cùng chuyên mục