“Sĩ quan chế độ cũ” - Anh hùng thời đổi mới

“Sĩ quan chế độ cũ” - Anh hùng thời đổi mới

Ngày 18-5, có hai thầy thuốc của TPHCM đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Họ là ai?

  • “Nợ” cả một đời!

Tốt nghiệp đại học y Sài Gòn và đeo lon “trung úy bác sĩ biệt phái”, về giảng dạy tại trường đó, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cũng phải khăn gói đi học tập cải tạo. 4 tháng ở trại, thời gian không dài nhưng đó là quãng thời gian không thể nào quên. Ông là một trí thức, một giảng viên đại học, một bác sĩ điều trị, công việc quen thuộc của ông là giảng đường, là phòng mổ, ấy vậy mà vào trại, ông phải đào đất, xe đá… như một lao động cơ bắp thứ thiệt (cải tạo mà).

“Sĩ quan chế độ cũ” - Anh hùng thời đổi mới ảnh 1
Phó giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM.

Nỗi mệt nhọc về thể xác, nỗi lo không biết ngày nào được gặp lại vợ con cũng không nặng nề bằng nỗi lo liệu sau khi học tập về, mình có còn được làm thầy giáo và làm nghề trị bệnh cứu người (cái nghề mà ông tuy mới nhập môn nhưng đã được đánh giá là đầy triển vọng)? Năm đó, ông mới 31 tuổi, ra trường được 5 năm là một trong những tiến sĩ y khoa quốc gia, giảng viên đại học y Sài Gòn trẻ tuổi nhất lúc đó (28 tuổi)…

Ông trở về, mới vui với gia đình thì đã nhận lời “nhập cuộc” - Giáo sư, bác sĩ Trương Công Trung, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM lúc ấy đã để ông trở lại trường tiếp tục giảng dạy. Và cũng không lâu sau đó, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhâm, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân động viên ông làm bác sĩ điều trị, rồi làm Trưởng khoa Ung bướu của bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đã “nhập cuộc” theo con đường y nghiệp của chế độ mới xã hội xã hội chủ nghĩa như vậy.

Nhận xét về quãng đường 30 năm sau giải phóng và thành tựu đã đạt được, ông cho rằng đó là “do tôi có phước gặp và được làm việc với những bậc đàn anh, những bậc thầy tuyệt vời ảnh hưởng sâu sắc, quyết định cả cuộc đời tôi từ năm 1975 đến nay”.

Ông kể: “Giáo sư, bác sĩ Trương Công Trung là vị Hiệu trưởng cách mạng đầu tiên của trường mà tôi tiếp xúc. Ông nhìn tôi, tôi chào ông. Chúng tôi lẳng lặng tìm hiểu nhau. Và tất cả sẽ là sự đánh giá phiến diện nếu không có thời gian cùng trải nghiệm thực tế qua thời kỳ hết sức nghiệt ngã của xã hội mà mọi thứ giả tạo xi mạ sẽ bong tróc ra hết… Càng làm việc, càng đi cùng ông, tôi càng nhận ra ông là một thầy giáo mẫu mực, vừa hàn lâm, vừa giản dị gần gũi. Ông là người thầy lớn của tôi về y tế nhân dân – điều mà tôi chưa từng biết ở Đại học y Sài Gòn…”.

Nếu Giáo sư, bác sĩ Trương Công Trung là người truyền cho ông về Y Đạo nhân dân thì bác sĩ Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế lúc ấy là người đã dám đặt lên vai ông trọng trách – lãnh đạo một bệnh viện.

Ông kể: “Cho đến bây giờ, hơn 20 năm kể từ khi nhận nhiệm vụ trong ban lãnh đạo Trung tâm ung bướu TPHCM, không riêng tôi mà nhiều thầy thuốc Sài Gòn cũ mãi mãi nợ anh Tư Trung. Anh chịu trách nhiệm trước Đảng để bảo lãnh cho các bác sĩ Trần Tấn Trâm, Trương Thìn, Phan Thanh Hải, Văn Tần, Trần Đông A và tôi đứng vào các vị trí lãnh đạo các bệnh viện. Khi trong chúng tôi, có người nói lời cảm ơn, anh chỉ cười, bảo: “Trâu già đâu nệ dao phay…”.

Chính cánh hành xử của những người thầy thuốc - chiến sĩ cách mạng này đã thực sự thuyết phục, động viên những trí thức như ông, trở thành những cán bộ ưu tú, những trí thức lớn. “Qua anh Tư, tôi biết mình phải làm gì. Tôi hiểu một cách cạên kẽ cụ thể chứ không là lý thuyết suông về cái tâm, cái dũng của người cộng sản trước tiền đồ của ngành, của đất nước” – Phó Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng bộc bạch.

Từ “tin”, “kính phục”, đến “nợ” và “biết mình phải làm gì”, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đã trở thành phó giáo sư, bác sĩ đầu ngành, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Và ngày 18-5-2006 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ kính yêu, ông được Đảng và nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

  • Đau hơn cả người bệnh

Sinh ra và lớn lên ở vùng “đất lửa” Quảng Trị, hàng ngày phải chứng kiến cảnh bom rơi đạn lạc. Mẹ, chị và cháu ruột bị trúng bom chết dưới hầm. Chú ruột bị giặc chôn sống, cậu ruột bị bắn chết ngay tại chỗ vì “tội theo Việt Cộng”, thế nhưng năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học Y khoa Sài Gòn, bác sĩ Văn Tần vẫn phải đeo lon sĩ quan biệt phái của “Quân lực Việt Nam cộng hoà”.

“Sĩ quan chế độ cũ” - Anh hùng thời đổi mới ảnh 2

Phó giáo sư, Bác sĩ Văn Tần, Phó Giám đốc BV Bình Dân.

Khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, mặc dù cũng chỉ giảng dạy ở Trường Đại học y và bác sĩ điều trị ở bệnh viện Bình Dân, ông vẫn được thăng đến cấp… đại úy. Và cũng như bác sĩ đồng nghiệp Nguyễn Chấn Hùng, sau 4 tháng học tập cải tạo, ông được mời trở lại làm việc với chế độ mới. Từ năm 1981, ông là Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn Ngoại tổng quát Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM từ năm 1990 đến nay.

Khi chúng tôi đến Bệnh viện Bình Dân, hỏi chuyện về ông, các đồng nghiệp, học trò và cả bệnh nhân đều khâm phục tài năng của ông, kính trọng nhân cách của ông. Sáng, bao giờ ông cũng đến bệnh viện từ rất sớm. Có khi 5-6 giờ đã thấy ông có mặt. Chiều, ông về rất muộn. Đã gần 70 tuổi, đã từng góp phần chủ yếu vào điều trị cho gần 30.000 ca mổ trong đời thế mà bây giờ mỗi tháng ông vẫn đảm trách từ 30 đến 40 ca phẫu thuật.

Trong suốt ngần ấy năm công tác ở ngành y, người ta chưa hề thấy ông nghỉ bệnh, nghỉ phép. Tài giỏi như ông, chỉ cần nghe tiếng, bệnh nhân đã kéo đến, thế mà ông kiên quyết không mở phòng mạch tư, không nhận mổ dịch vụ… Trong những năm khó khăn, có không ít bác sĩ đã bỏ nước ra đi, người ta rủ ông, ông chối phắt. Và ngay cả sau này, khi có dịp ra nước ngoài dự hội nghị khoa học, cũng lại được mời chào, lôi kéo, ông vẫn kiên quyết… Thiên hạ tranh giành nhau chỉ vì cái ghế, thế mà mỗi lần đề bạt ông là một lần ông từ chối.

Ông bảo “Cái chức Phó giám đốc bệnh viện, khi anh Mười Nhâm mất, người ta bảo tôi nhận tạm. Cứ thế mà để đến bây giờ…”. Gần 30.000 ca mổ trong đời, có rất nhiều thành công thì ông không nhắc đến. Nhưng khi gặp những ca thất bại thì ông nhớ khắc khoải.

Ông bảo “mỗi khi gặp thất bại, tôi đau hơn cả người bệnh”. Có lần gặp thất bại, đau khổ quá, ông phải lên chùa định xin… giải nghệ. Thế nhưng, trở lại bệnh viện, đứng trước nỗi đau của bệnh nhân, ông không thể làm ngơ và lại lao vào làm việc quên cả nghỉ ngơi…

Trước ngày ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, tôi gặp ông, hỏi về những “lời đồn” như trên, ông xác nhận và nói nửa như đính chính nửa như tâm sự: Cả đời, tôi chỉ muốn dành cho việc điều trị bệnh cứu người, nghiên cứu khoa học và truyền đạt những kinh nghiệm mình có được cho thế hệ trẻ… Thế thôi!

40 năm công tác trong ngành y, đặc biệt là 30 năm phục vụ trong ngành y của chế độ mới, ông chỉ “chăm chú vào công việc ở bệnh viện và trường Đại học y dược”. Thế thôi! Cũng đã xứng đáng cho một cuộc đời, một sự nghiệp…  

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục