Về Châu Đốc, đi chợ Gò

Về Châu Đốc, đi chợ Gò

Khu chợ biên giới ở bên kia gò Tà Mâu (xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) thường được dân Châu Đốc gọi tắt là chợ Gò. Tuy không nổi danh như chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp, nhưng với chủng loại hàng kim khí điện máy phong phú và hàng tiêu dùng giá rẻ không ngờ, chợ Gò đã trở thành điểm đến của du khách khi có dịp về viếng chùa Bà Chúa Xứ.

  • Theo chân “chuột đồng”

Về Châu Đốc, đi chợ Gò ảnh 1

Một điểm tập kết hàng buôn lậu gần biên giới.

Tôi đến thị xã Châu Đốc khi trời đã xế chiều và tìm đường lên Chùa Bà. Lên xe ôm, tôi trực chỉ chợ Gò.

Tới Vĩnh Ngươn, chỉ tay về dãy nhà sàn lô nhô ở phía xa xa bên kia cánh đồng lúa đang trổ đòng, anh Sơn - tài xế xe ôm, thú thật: “Chợ Gò bên đó, mùa mưa nước ngập trắng đồng, chủ yếu đi lại bằng ghe. Mùa này nước rút, xe Honda chạy qua tới bên đó. Nhưng, tôi không được phép đi. Đến đây phải sang tài, luật lệ nó như vậy rồi. Sẽ có người đưa anh qua đó, giá cả đâu khoảng ba chục ngàn đồng. Tụi nó “lo” hết rồi. Anh yên tâm!”.

Như một người quen cũ, anh Sơn dừng xe ở một quán cà phê, rồi đi thẳng vào nhà tự tay pha trà đá và leo lên võng nằm… ngủ. Chưa đầy 5 phút, một thanh niên quần áo đẫm mồ hôi đến bắt chuyện với tôi. “Tôi tên Chín. Anh mua cái gì, tôi giới thiệu mấy “mối quen” bên đó.

Vừa leo lên xe của anh Chín, một thằng nhóc đen như cục than hầm, tóc cháy vàng hoe khoảng hơn 10 tuổi trèo lên ngồi phía sau. Tôi hết hồn khi thấy trên tay nó cầm theo một bó dây cột gọn như roi quất ngựa. “Mày đi đâu vậy?!”. Thằng nhóc cười nhe hàm răng trắng ởn: “Đi “đai” hàng cho chú chứ đi đâu!”.

Chạy được một quãng, anh Chín tấp vội vào một con đường mòn khác rồi giục tôi với thằng nhóc xuống xe. “Chuột! Mày dắt chú đi bộ qua gò đi! Khi nào xong gọi tao đón về!”. Tôi lần mò đi trên đường ruộng mấp mô đầy cỏ dại. Thằng Chuột vừa khom người đi vừa quơ sợi dây đai đuổi sâu bọ, rắn rết. Chạy một mạch ra đường lộ, nó nói với tôi: “chú Chín đang đợi ngoài đường lộ!”.

  • Không qua sông cũng phải lụy đò

Bên kia gò Tà Mâu là xã Phum-xăng, huyện Pray-chô-sa, tỉnh Tà Keo, Campuchia. Con đường ruộng ngoằn ngoèo dẫn qua đất bạn trơn trợt, chiếc xe chòng chành nhiều lần như muốn rớt xuống ruộng lúa đầy nước. Nhiều lần trên đường đi, chúng tôi phải dừng lại nhường đường cho những chiếc xe Honda đang tải đường cát Thái Lan và xăng dầu chạy ngược về phía Việt Nam.

Vừa qua khỏi một cua ngoặt, nơi có một bãi đất trống, cỏ mọc ngập đầu, chúng tôi bắt gặp hơn 20 xe honda đứng chờ người đi chợ bên kia về. Tiếng nói cười rôm rả. Đường đi càng lúc càng nhỏ hẹp, chúng tôi phải xuống xe. Tôi lò dò theo chân thằng Chuột bước qua một miếng ván nhỏ bắc qua một con lạch. Qua đến bên kia thằng Chuột đứng lại xổ một tràng tiếng gì đó với anh thanh niên đang cầm một khúc tre vẽ vẽ trên nền đất. Thằng Chuột bảo tôi đưa 5.000 đồng “chi phí” qua cầu.

Đi một đoạn nữa, chúng tôi lại bước qua một cây cầu lắc lẻo dựng tạm bợ trên đoạn kênh gần chục thước. Cầu nhỏ còn đóng 5.000 đồng, cầu lớn chắc phải hơn. Y như rằng, vừa bước xuống thì gặp ngay một thằng nhóc ở trần, rốn lồi bằng hột mít, miệng đang bập bập điếu thuốc.

Không thèm dứt điếu thuốc, nó hất hàm nói một tràng gì đó với thằng Chuột và chỉ về một chốt canh, nơi có mấy thanh niên ở trần, đeo kiếng đen đang ngồi nhậu. Thêm 10.000 đồng nữa. Vừa khom xuống đưa tiền, thằng nhóc tiện tay móc luôn gói thuốc lá trong túi tôi. Nó lẳng lặng móc thuốc ra phân phối cho từng người, tôi được nó “chiếu cố” cho 2 điếu, rồi nhét gói thuốc vào lưng quần luôn.

  • Hàng câm và hàng nói!

Trời chiều biên giới thật tĩnh lặng. Từ đó vào làng, tôi không còn phải đóng thêm một lệ phí nào nữa. Chợ gò Tà Mâu là hai dãy nhà sàn khá kiên cố với khoảng sân cát ở giữa. Không biết thời điểm khác sôi động đến mức độ nào, nhưng lúc tôi qua thì các cửa hàng khá vắng vẻ.

Theo lời thằng Chuột, chợ biên giới chia làm 2 khu vực. Bên này là hàng đã tân trang được xài thử thoải mái; còn phía bên kia là hàng “điếc” thích cái nào mua cái đó không được cắm điện thử. “Dù câm hay điếc gì cũng phải trả giá!”, thằng Chuột dặn dò như vậy. Bước vào cửa hàng đầu tiên tôi có hơi choáng. Đủ thứ thượng vàng, hạ cám, từ cây kem đánh răng đến giàn máy nghe nhạc, máy tính xách tay. Tiếng nhạc xập xình.

So với siêu thị miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh thì hàng tiêu dùng, như dầu gội đầu, nước rửa chén, xà bông, bột ngọt, thuốc lá… ở đây rẻ hơn vài chục ngàn đồng. Còn hàng điện tử thì nhiều loại và đủ giá. Cái nào cũng được bọc ép ny lông kỹ lưỡng.

Một máy vi tính xách tay Pentium 4 hiệu IPM được kêu giá 1,8 triệu đồng; TV Sony màn hình phẳng 21 inch chỉ khoảng 800.000 đồng; giàn máy đang xập xình có cả đầu VCD chỉ ngoài 1 triệu; ĐTDĐ Motorola V3 đang thịnh hành chỉ khoảng 1,7 triệu đồng; máy nghe nhạc MP3 Sony có dung lượng 256MB chỉ 250.000 đồng… Nhưng nói thật, với giá cả như vậy và với kiến thức về máy móc hạn chế của tôi, tôi không thể biết được chất lượng hàng như thế nào.

Sang khu vực bán “hàng điếc”, tôi còn “choáng” hơn. TV, đầu máy, máy tính xách tay… bày biện ngổn ngang, cách đó không xa, phía trong nhà, hàng chục thợ điện tử đang ngồi bẹp trên mặt đất mổ xẻ, lắp ráp các linh kiện của hàng chục cái TV “mẻ vỏ, bể màn hình”… Giá cả thật không ngờ. Chỉ khoảng 100.000 đồng/cái và như đã nói ở trên, hàng hóa ở đây thích cái nào lấy cái đó, không được cắm điện. Trước bao cặp mắt đằng đằng sát khí, tôi bấm bụng chọn mua 2 cái… đèn pin Trung Quốc.

Trên đường về, thằng Chuột nhìn dáng đi thất thiểu của tôi và cười sặc sụa. Đến lúc này, nó mới chịu “mở đường”: “Chú muốn mua cái nào cứ chọn. Khỏi trả tiền, chú Chín sẽ giao hàng tận khách sạn ở ngoài Châu Đốc!”. Tận mắt nhìn mà còn không biết hàng hóa ra sao, giao hàng tận khách sạn làm sao tôi dám đảm bảo cái gì ở trong cái máy?

Vài hôm sau, trên bến Ninh Kiều, khi gặp anh Bảy Ngọc – một chủ cửa hàng mua bán hàng kim khí điện máy ở thành phố Cần Thơ – tôi mới biết quyết định của mình là chính xác. Chiếc TV Sony 17 inch mà anh Bảy giới thiệu cho tôi với giá khoảng 700.000 đồng có “nội thất” vừa made in Trung Quốc vừa của Nhật Tảo.

Cụ thể, màn hình là của các máy “điếc” ở gò Tà Mâu, bóng đèn hình là của màn hình vi tính (cái này ở gò Tà Mâu có giá 100.000 đồng 5 – 6 cái), bo mạch thì lên chợ Nhật Tảo ở thành phố mua khoảng 200.000 đồng. Với “quy mô” như vậy nên anh Bảy Ngọc không biết TV do mình lắp ráp “bắt” được bao nhiêu đài.

Anh nói tỉnh rụi: “TV này bán chạy lắm, tôi thấy bà con nông dân mua rồi cắm ăng ten xài hà rầm hà. Còn “bắt” được bao nhiêu đài thì tôi chịu, vì nhiều vùng quê ở Cần Thơ chưa có truyền hình cáp!”. Với TV mà còn vậy thì với máy vi tính xách tay giá rẻ mà tôi đã thấy ở gò Tà Mâu, chả hiểu chất lượng ra sao...

ĐOÀN HIỆP 

Tin cùng chuyên mục