Tìm lại tên cho đồng đội...

Tìm lại tên cho đồng đội...

Trên bàn thờ nhà ông, mấy chục năm qua có đặt một chiếc bát, một đôi đũa mun. Dịp 27-7 vừa qua, dù trong nhà không có người thân nào là liệt sĩ, nhưng trên bàn thờ nhà ông, có rất nhiều bánh trái và hoa thơm. Hương được đốt lên nghi ngút trên bàn thờ liệt sĩ ấy. Tất cả những thứ đó, một phần của ông, một phần của rất nhiều gia đình khác ở khắp nơi, họ cùng mang đến bàn thờ này, thắp lên nén tâm hương tưởng nhớ…

Câu chuyện của người con gái tên Hận

Tìm lại tên cho đồng đội... ảnh 1
Ông Phổ bên những lá thư của đồng đội cũ.

Một ngày đầu năm 1995, cái ngày mà ông đưa cô gái ấy - cô gái tên Hận - về, người ta đã chứng kiến cuộc gặp mặt, nhận họ hàng, nhận máu mủ ruột rà rất xúc động. Cô gái tên Hận đó là kết quả của tình yêu giữa liệt sĩ Kiều Xuân Tảy và một cô gái Phú Yên. Họ đã yêu nhau trong những ngày chiến tranh chống Mỹ khốc liệt.

Mảnh đất Hòa Trị, Tuy Hòa 2 (nay là thị xã Tuy Hòa, Phú Yên) vào những năm 1968-1973 là nơi giao tranh ác liệt giữa bộ đội chủ lực và quân dân Phú Yên với quân đội Mỹ ngụy.

Người thanh niên tên Kiều Xuân Tảy đã không kịp nói tên quê quán, địa chỉ người thân cho người yêu trước lúc hy sinh, và anh cũng không biết rằng mình đã kịp để lại trên đời một đứa con, ngoại trừ việc mối tình của 2 người đã được cả Tiểu đoàn G96 chứng thực.

Sau khi anh nằm xuống, người con gái ấy quyết định đặt tên con gái là Hận. Hận vì anh không để lại cho chị một địa chỉ quê quán, hận vì họ chưa kịp cưới xin, vì con gái của hai người lớn lên mà không thể gọi chính danh: con liệt sĩ.

Mãi đến một ngày đầu năm 1993, ông về lại chiến trường xưa tìm đồng đội cũ. Người phụ nữ ấy đã lao vào ông mà khóc. Vì sung sướng. Bởi sự trở lại của ông đã nhen lên hy vọng chứng thực cho tình yêu của chị, danh phận của mẹ con chị: vợ con liệt sĩ. Và ông đã làm được điều đó.

Ông tìm thấy mộ của liệt sĩ Kiều Xuân Tảy, đã đứng ra chứng thực cho tình yêu của 2 người, đã khẳng định cô gái tên Hận ấy chính là con của liệt sĩ Kiều Xuân Tảy. Và ông cũng đã đưa Hận về nhận gia đình, quê hương bên nội. Cuộc đời Hận từ đó sang một trang mới với cái tên đặt lại - Hạnh, là hạnh phúc, là hạnh ngộ. Giờ đây, cô gái con liệt sĩ Tảy ấy đã trở thành cán bộ Hội Phụ nữ ở huyện Vân Hòa, Phú Yên, được kết nạp Đảng.

Chiếc bát và đôi đũa duyên nợ

Như bao nhiêu thanh niên thời bấy giờ, sau lá đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ, năm 1968, ông vào bộ đội chủ lực (Đoàn 1063 Hà Tây). Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông được tăng cường cho đài 2W, Tiểu đoàn G96, Phú Yên với nhiệm vụ văn thư, giữ mạch thông tin liên lạc.

Trong những ngày chiến đấu ấy, ông đã viết nhật ký. Cuốn nhật ký ông ghi chép hàng ngày, bên cạnh những tâm sự của người lính là trình tự các trường hợp hy sinh và những nơi chôn xác của đồng đội. Cuốn nhật ký trở thành duyên nợ của đời ông sau này.

Ông kể cho tôi nghe, những ngày còn trong quân ngũ, giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, những người lính đã có vô số cách để nhớ về người đã nằm xuống. “Trong đơn vị chúng tôi có một nhóm 5 anh em, đều là người Bắc. Chúng tôi rủ nhau mua một chiếc bát và một đôi đũa, lập nên một cái giá nhỏ, rồi mỗi khi ăn cơm chúng tôi lại đơm cơm vào bát mời đồng đội về cùng ăn”. Đó cũng là lai lịch chiếc bát và đôi đũa trên bàn thờ nhà ông hiện nay.

5 người lính trẻ ấy đã hẹn nhau, ngày thống nhất nếu ai trong số họ còn may mắn trở về, hãy mang kỷ vật này để gia đình họ có thể chạm vào đó, cũng coi như linh hồn họ đã theo về. 4 người trong họ đã lần lượt nằm xuống, còn lại mình ông.

Năm 1973, sau mấy lần bị thương không thể tiếp tục chiến đấu, ông được ra miền Bắc dưỡng thương. Hành trang trở lại quê nhà của ông có đôi đũa và chiếc bát. Vẫn nhớ lời đồng đội, nhưng ông không dám mang kỷ vật đó đến nhà họ. Ông thấy mình như là người có lỗi khi may mắn trở về, còn đồng đội thì nằm lại ở nơi rất xa. Vậy nên ông đặt chiếc bát và đôi đũa lên bàn thờ, tự hứa sẽ quay lại chiến trường xưa, tìm bằng được mộ chí 4 người bạn để mang họ về với gia đình. Lúc đó, đưa kỷ vật ra vẫn chưa muộn.

“Tự hứa vậy, nhưng vào những năm 80, tôi yếu quá phải nghỉ mất sức, bệnh sốt rét hành hạ liên miên, cuộc sống khó khăn, tôi không thể đi tìm bạn. Nên hàng đêm chỉ biết khóc”, ông nói. Đó cũng là điều mà ông tiếc nhất. Vì mãi sau này, vào năm 1993, khi ông đã gom được gần 1 triệu đồng từ tiền lương mất sức, tiền bán đàn lợn để quay lại chiến trường xưa tìm bạn, thì rất nhiều dấu vết cũ - nơi ông ghi chép mộ chí của đồng đội - đã biến mất, do bà con phát rẫy làm nương quá nhiều.

Chuyến hành trình về lại Phú Yên vào năm 1993, khi ra thăm nghĩa trang Đông Tác (Tuy Hòa, Phú Yên), nhìn thấy mộ anh em toàn ghi vô danh, ông tự nhủ mình sẽ về đây để tìm đồng đội, càng nhiều càng tốt, chứ không chỉ là tìm 4 anh em cùng chung kỷ vật là chiếc bát đôi đũa như ý định ban đầu. Những ngày sau đó, cứ chiếu theo những ghi chép trong cuốn nhật ký, đi đến đâu ông cũng gặp mộ chí, ở từng gốc tre, hốc dừa.

Tính từ khi ông trở lại chiến trường, phải mất 2 năm để ông đi từ đất Hòa Trị, Tuy Hòa 2 (nay là thị xã Tuy Hòa, Phú Yên) đến bản A Tép (huyện Hiên, Quảng Nam), qua rất nhiều vùng chiến trường xưa. Rất cẩn trọng để không để xảy ra bất cứ sai sót nào trong việc tìm và xác định danh tính mộ chí, nên mãi đến năm 1995, ngôi mộ đầu tiên mới được khai quật. Câu chuyện của cô gái tên Hận con liệt sĩ Kiều Xuân Tảy (1 trong số 4 liệt sĩ cùng nhóm với ông) trên đây cũng ra đời từ những ngày đi tìm mộ liệt sĩ đó của ông.

“Bà Nguyễn Thị Phức - vợ tôi ấy, khi lấy tôi bà ấy kém tôi chục tuổi, bây giờ thì trông bà ấy già lắm cô nhỉ”, khi ngồi với tôi, ông hỏi câu ấy, hỏi xong thì quay sang nhìn vợ rồi cười. Ông bảo già nhanh là dấu vết của những ngày tháng bà một mình cấy 4 sào ruộng, trồng 3 sào dâu nuôi tằm để lo cho 3 đứa con ăn học và nuôi chồng… đi tìm mộ. Ông cứ đi mải miết, khi nào dành dụm được chút tiền thì lại nhảy tàu vào Nam.

Cũng đã trải qua những ngày bà dằn hắt ông, bà nghi ngờ ông có vợ bé trong Nam, cũng đã có những đêm 2 ông bà nằm xây lưng vào nhau cùng khóc. Bà khóc vì nghĩ ông chẳng chăm lo gì cho cái gia đình này, còn ông thì khóc… vì quá nhiều dấu vết cũ bị mất đi, ông không thể xác định tên tuổi đồng đội mình. Chính những giọt nước mắt của ông đã làm mềm lòng bà. “Thôi đành để ông ấy đi cho thỏa cái tâm của ông ấy...”.

71 mộ chí có tên tuổi và hơn 30 mộ vô danh (nguyên nhân là do dấu vết cũ bị mất đi) đã được ông tìm thấy. So với những ghi chép trong nhật ký của ông, vẫn còn hơn 100 mộ chí nữa cần được xác định tên tuổi.

Ông biết việc đi tìm là tốn kém, vất vả, thậm chí rất nguy hiểm đến tính mạng (vì đã có lúc đào hài cốt lên mà vẫn còn lựu đạn mỏ vịt và đầy một thùng đạn, ông và những người cùng đi thoát chết trong gang tấc) nhưng ông vẫn chỉ tâm niệm một điều đơn giản “mình vất vả tý nhưng đồng đội được nhờ”. Đó cũng là động lực để ông thương binh loại 4/4 Nguyễn Đức Phổ, sinh năm 1947, hiện ở thôn Hạ xã Phù Lưu Tế huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây, cơm nắm trèo đèo lội suối, lội rừng đi tìm lại tên cho đồng đội trong suốt bao năm qua.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục