Coi chừng! “Bệnh tật từ... miệng đi vô”

Nhậu - phi mắm tôm bất thành thịt chó!
Coi chừng! “Bệnh tật từ... miệng đi vô”

Đến giờ này, theo thống kê của Vụ Điều trị - Bộ Y tế, cả nước đã có 1.035 ca nghi mắc tiêu chảy cấp ở 11 tỉnh. Và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày. Bài học ông cha để lại luôn nhắc nhở đám hậu sinh rằng: “Tai họa từ miệng đi ra, bệnh tật từ miệng đi vô”, thế mà với nhiều người, họ sẵn sàng lấy mạng sống của mình treo “lơ lửng” trước miếng thịt chó-mắm tôm, tiết canh, rau sống bất chấp mọi cảnh báo của chính quyền.

Nhậu - phi mắm tôm bất thành thịt chó!

Coi chừng! “Bệnh tật từ... miệng đi vô” ảnh 1

Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng được các phụ huynh dẫn đi ăn thịt chó mắm tôm một cách vô tư. Ảnh: CHIẾN DŨNG

16 giờ 30 ngày 5-11, trời bắt đầu mưa lất phất, “khu phố” thịt chó Cống Quỳnh lại nhộn nhịp. Quán Nam Hà, trong con hẻm nhỏ, cạnh siêu thị Hà Nội là điểm hẹn của dân ghiền món “cẩu xực”, 15 bàn gần như kín khách.

Như thường lệ, mắm tôm vẫn là món không thể thiếu. “Cho một chén nước mắm mặn”- một thực khách ngồi bàn kế bên đưa ra lời yêu cầu trên, đã nhận được không ít những ánh mắt “tò mò” của các thực khách xung quanh, thậm chí của các những nhân viên phục vụ. “Thịt cầy xơi với nước mắm à? Sao thế?” - một nhân viên phục vụ ngạc nhiên chất vấn.

- “Thế em không nghe đến dịch tiêu chảy đang lây nhanh như “chảo chớp” qua đường mắm tôm à?”, thực khách đáp lại cũng dấm dẳn không kém.

- “Tưởng chuyện gì, “cái dịch í” chưa qua được đèo Hải Vân đâu. Với lại, quán chúng em đã chuẩn bị né… tả rồi. Mắm tôm được nấu chín trước khi đưa ra phục vụ, cứ yên tâm đánh chén đi”, nói xong anh phục vụ đưa tay chỉ ra tấm bảng gắn ngoài cửa quán: “Mắm tôm đã được nấu chín, quý khách có yêu cầu mắm sống, báo với nhân viên”.

Để chắc ăn, tôi gọi một chén mắm tôm sống nhằm kiểm chứng mùi vị hai thứ nước chấm ấy  và quả thật món mắm tôm chín không dậy mùi thơm, vị cũng không ngọt bằng mắm sống. Ngồi trong quán hàng giờ, tôi không nghe ai bàn tán gì đến chuyện dịch tiêu chảy cấp đang hoành hành ở miền Bắc và đang “Nam tiến” mà họ chỉ biết rằng, thịt chó phải có mắm tôm, đơn giản là thế.

Trưa 5-11, tại quán Dáng Xưa trên đường Cao Thắng, sau khi kêu dĩa lòng lợn, nhân viên phục vụ “mặc nhiên đưa 2 chén mắm tôm sống” lên bàn và xem đây là chuyện bình thường. Ở những bàn xung quanh, hễ có lòng lợn, cà pháo… là có mắm tôm đi kèm.

Lại nói chuyện tiết canh. Chúng tôi gọi món “vịt xiêm 4 món” trong đó có món tiết canh. Cô nhân viên cho biết hôm nay không có vịt xiêm sống nên không thể làm món tiết canh, “nhưng chúng em có món tiết canh dê đấy, các anh có dùng không?” “Rồi, cho anh vài chén” vài phút sau, cô nhân viên quay lại và thông báo, hết tiết canh dê rồi vì còn 30 chén tiết canh, các anh trên lầu đã gọi hết! Và như thế, rõ ràng có ai sợ dịch đâu, dù món tiết canh cũng nằm trong “danh sách đen” của dịch tiêu chảy cấp.

Dịch chưa qua đèo, lo gì!

Bất chấp tình hình, “dầu sôi lửa bỏng”, tại “đại bản doanh thịt chó” khu ngã ba Ông Tạ vẫn mua bán ì xèo. Trên bàn ăn, cạnh các dĩa cầy hấp, nướng vẫn tồn tại chén mắm tôm tím thẫm.

Các quầy “cầy tơ” tươi sống ở đường Phạm Văn Hai vẫn buôn bán đông vui. Nhét bịch rau mơ và gói mắm tôm vào bọc thịt chó đưa cho khách, anh N.V.T. - một đại lý phân phối thịt chó tại chợ Phạm Văn Hai - cho biết: “Tình hình mua bán có sụt giảm chút đỉnh so với trước. Nhưng cửa hàng của tôi vẫn bán được hơn chục con “cẩu” mỗi ngày. Dĩ nhiên, thịt cầy phải có món nước chấm “chủ lực” mắm tôm chứ!”.

Như để minh chứng cho lời nói của mình, anh Tài đã đưa tôi đến một quán cầy tơ “không tên” của người quen ở gần ga Hòa Hưng. Gần 11 giờ, quán đã đông khách. Mùi cầy nướng, củ riềng… ngất ngây thơm nức mũi. Nhìn chén mắm tôm đặc quánh kề bên dĩa chó hấp, tôi hỏi vu vơ: “Vẫn mắm tôm à?”. Nhe hàm răng “cái lệch, cái xiêu”, tay chủ quán nói: “Thịt cầy không ăn với lá mơ, riềng củ, mắm tôm thì chú mày ăn với cái gì? Có cái gì thay thế không nào?”.

“Ở đây có vẻ không sợ dịch tiêu chảy cấp à?”, tôi hỏi vu vơ, nuốt nước miếng nghe ực một phát, anh Tài vừa vắt chanh vào chén mắm tôm vừa nói: “Vô tư đi! “Dịch” chưa vượt đèo Hải Vân vào đây đâu mà “cuống” lên thế!”.

Gắp miếng chó hấp nhúng nhúng trong chén mắm tôm, ung dung ăn uống ra vẻ ngon lành, anh P. nói: “Bạn tôi đang làm bên Sở Y tế cho biết, trong hàng trăm ca bị nhiễm bệnh tiêu chảy cấp khu vực phía Bắc chỉ có vài ca nhiễm phẩy khuẩn tả từ mắm tôm thôi ông ơi, thủ phạm chính tui nghe nói là rau xanh mà không sạch kìa”. Vừa nghe thế, tôi phun vội mấy lá mơ tươi đang nhai trong miệng!

Tưởng dân nhậu sương sương vô, trời không sợ - đất không tha, “nhằm nhò ba cái mắm tôm lẻ tẻ”. Chứ dân ăn cơm văn phòng, cơm bình dân, cũng tỉnh rụi trước món thịt luộc, cà pháo - mắm tôm, “thế mới ghê”!

Qua một quán cơm Bắc bình dân trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn gần Sở Thú, món cà pháo mắm tôm được xem là món đệm buộc phải có như trà đá vậy. Mỗi khách bước vào quán, đều được nhân viên phục vụ bưng sẵn dĩa cà pháo và món mắm tôm để sẵn. Góc bếp, cái xô đựng mắm tôm, sử dụng lâu ngày đã móp méo và những mảng mắm tôm khô đặc quánh bám chặt trên vành xô. Song, hình như chẳng ai thắc mắc, băn khoăn điều gì!

Cơm bình dân đã vậy, cơm “bộn tiền” một chút, kén khách cũng… đãi món mắm tôm cà pháo như vậy mà thôi. Chiều 5-11, tại quán cơm khá đông khách trên đường Lê Lai (quận 1), một số thực khách vẫn ung dung ăn món thịt luộc và cà pháo với mắm tôm.

Chợ còn, mắm tôm còn!

Tại các chợ, hiện vẫn còn bày bán khá nhiều mắm tôm. Ghi nhận tại chợ Bình Tây, quận 6, nhiều hàng mắm tôm vẫn bày bán “vô tư”.

Ngày 5-11, đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện 4 sạp đang bày bán mắm tôm với hàng chục ký lô không có nguồn gốc, không bảo quản đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ sạp Diễm, cho biết mọi ngày mắm tôm do thương lái ở Bà Rịa-Vũng Tàu mang giao đến đâu bán hết đến đấy.

Các quán cơm cà pháo mắm tôm, hàng bún riêu cua, hàng thịt chó đều lấy ở đây, nhưng mấy ngày qua có giảm chút ít. Còn bà Trần Thị Hiền, chủ sạp Hiền Thành, không giấu diếm khi cho biết mỗi ngày bán tới 30-40kg mắm tôm cho các nhà hàng, quán cơm, quán thịt chó… “Ai biết dịch tiêu chảy gì đâu. Mấy chú nói mới biết, chứ tui vẫn bày hàng đấy, khách mua thì cứ bán”.

Điều đáng nói là, hiện trên địa bàn TP có một số cửa hàng thực phẩm Hà Nội, sáng 6-11, chúng tôi hỏi mua mắm tôm và được cô bán hàng niềm nở: “Mắm tôm chính gốc Thanh Hóa, bao nhiêu cũng có”. Với 9.000 đồng, cô bán hàng đưa cho chúng tôi chai mắm tôm đặc sản Thanh Hóa của Công ty Thủy sản Nguyễn Nghiêm còn dán “garăngti” kèm theo lời tư vấn: “Chấm thịt chó, thịt heo luộc thì hết biết”.

Qua ghi nhận một số cửa hàng khác bán thực phẩm Hà Nội ở trên đường Trần Quốc Toản (quận 3), ở góc vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm- Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng-Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) cũng có bán mắm tôm xuất xứ từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội… Và nhiều người đến mua nói với nhau: “Mắm tôm còn “garăngti”, sợ gì dịch tả chứ”.

Quan vội, dân đủng đỉnh

Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp lây lan nhanh và có khả năng lây lan vào TPHCM, Sở Y tế TPHCM liên tục có công văn gửi các đơn vị y tế trực thuộc, các bệnh viện (BV) tuyến trung ương đóng trên địa bàn TP, các BV ngoài công lập về việc tăng cường phòng, chống dịch tiêu chảy cấp.

Theo BS Nguyễn Văn Châu, GĐ Sở Y tế TPHCM - ngành y tế đang sẵn sàng đối phó nếu dịch tiêu chảy cấp xuất hiện ở TP. Hiện các BV TP và quận huyện được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, hóa chất… đảm bảo công tác điều trị hiệu quả tại chỗ, nghiêm túc thực hiện việc phòng lây nhiễm trong BV, hạn chế chuyển tuyến điều trị. Trung tâm Y tế dự phòng TP đã tiến hành lấy mẫu mắm tôm, thực phẩm ở một số cửa hàng, chợ, siêu thị để xét nghiệm để có thể đưa ra khuyến cáo phù hợp. Cạnh đó, Thanh tra Sở Y tế cũng đang tiến hành tổng kiểm tra các quầy sạp bán mắm tôm vì “nó” đang được cho là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp.

Nói chung, theo BS Châu, thì hiện ngành y tế TP đã sẵn sàng chuẩn bị và dốc toàn lực để đối phó nếu dịch xảy ra.

Đúng là lần đầu tiên có chuyện lạ xảy ra “quan vội” mà “dân vẫn đủng đỉnh”!

Nhóm PV tổ phóng sự - điều tra

Tin cùng chuyên mục