Thú chơi... lăng mộ

Thú chơi... lăng mộ

Một “thành phố” thu nhỏ với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, đó chính là nghĩa trang Gốc Găng... Một người bạn là dân Hải Phòng đưa tôi đi xem “thành phố âm phủ” - chính anh cũng bàng hoàng kinh ngạc trước tốc độ phát triển của cái thành phố (TP) dành cho người cõi âm mang tên Gốc Găng.

Thành phố âm phủ náo nhiệt

Nghĩa trang Gốc Găng nằm ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Khác với không khí đìu hiu vắng vẻ thường thấy của các nghĩa địa, nơi này tấp nập người lui tới, xe cộ chở vôi, cát, đá, sỏi liên tục ra vào, công nhân xây dựng tích cực làm việc để hoàn thành những ngôi nhà mới cho người cõi âm... đón Tết Nguyên đán(?!)

Con đường bê tông chạy giữa nghĩa trang đang được bỏ đi, thay vào đó là một con đường nhựa. Bên thi công đã đổ nhựa đến đoạn giữa nghĩa trang.

Thú chơi... lăng mộ ảnh 1

Lăng mộ mới xây.

Người đàn ông có ngôi nhà cấp bốn ở sát nghĩa trang chỉ cho chúng tôi mảnh đất ven đường và nói: “Giá 2,5 triệu đồng/m2”. Người bạn của tôi lắc đầu: “Đắt quá. Đất ở vùng này còn chả đến hai triệu”.

Người kia xua tay: “Đất mình ở khác, đất các cụ ở nó phải khác. Hơn nữa, đây là đất mặt tiền cơ mà”. Anh nói thêm: “Người chủ mảnh đất này muốn bán một phần diện tích để lấy tiền xây một ngôi mộ to cho các cụ. Nếu bác chậm chân, mảnh đất quý này sẽ về tay người khác mất”. Chúng tôi nói: “28m2 cho một ngôi mộ, có rộng quá không nhỉ?”.

Anh kia đáp: “Bảo rộng thì rộng, bảo hẹp thì hẹp, biết thế nào. Gốc Găng này người ta xây mộ mấy chục mét vuông là chuyện thường thôi”.

Khu đất mặt tiền đã được mua và chia ra nhiều lô, xây gạch khoanh lại. Mỗi lô chừng gần 30m2 có phần nở hậu. Tôi hỏi: “Mộ mà cũng chen đua nhau ở mặt tiền ư?”. Anh trả lời: “Mộ mặt tiền, tiện cho con cháu đi lại, thế thôi. Sao giá đất lại đắt gấp đôi những lô nằm phía trong à. Người sống đã bỏ hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ để xây dựng lăng mộ, nếu lăng nằm ở góc khuất, làm sao có thể vui lòng được!”.

Công trình vĩnh biệt

Người đàn ông sống cạnh nghĩa trang giới thiệu cho chúng tôi ngôi mộ vừa mới xây, nom như cái đền, ước tính phải tiền tỷ. Hơn nhiều lần ngôi nhà cấp bốn tạm bợ của anh. Anh nói: “Tôi chưa thấy ngôi mộ nào xây móng mà đổ hai vòng cốt thép như thế này. Đúng là công trình vĩnh cửu”.

Các lăng mộ kiêm nhà thờ tự ở nghĩa trang Gốc Găng phần lớn được xây dựng dựa trên cảm hứng kiến trúc đình chùa đời Nguyễn, nhiều cái gần như mô phỏng Điện Thái Hòa.

So với một số lăng mộ ở Huế, nhiều lăng mộ tại Gốc Găng không đồ sộ bằng. Nhưng Huế là mảnh đất có truyền thống xây lăng mộ từ xa xưa, tiền bạc phí tổn phần nhiều do các gia đình quan lại giàu có tích tụ. Những mộ xây dựng mới phần lớn do tiền nước ngoài gửi về. Còn Gốc Găng thì khác. Phong trào xây dựng lăng mộ mới xuất hiện chừng chục năm lại đây.

Trong bối cảnh một TP đã qua thời gian dài bài trừ mê tín dị đoan quyết liệt. Chúng tôi thực sự bất ngờ khi nhìn thấy rất nhiều lăng mộ đồ sộ, được xây ồ ạt trong một vài năm, thậm chí vài tháng gần đây. Và chúng tôi không chỉ sững sờ về sự đồ sộ của các công trình, dù nhiều cái chẳng kém gì một ngôi đền, một tòa nhà lớn, chúng tôi còn bất ngờ vì sự tỉa tót rất cầu kỳ, những đường nét, hoa văn, những chạm trổ công phu tỉ mỉ.

Để có thể hoàn thiện chúng, các kíp thợ tại Gốc Găng phải làm việc cật lực trong thời gian khá dài. Lăng mộ làm sau thường quy mô hơn, cầu kỳ hay phá cách hơn, tất nhiên tiền cũng tốn kém hơn. “Trước đây xây mộ tiền chục triệu là nhiều, sau thì đến tiền trăm triệu, bây giờ phải nhiều trăm triệu mới gọi là tàm tạm” - những người thợ xây lăng đang tất bật công việc, nói với chúng tôi.

TP Hải Phòng phát triển từng ngày, mặc dù sự thay đổi của nó cũng chứa đựng không ít những điều ca thán. Chẳng hạn vấn đề thu thuế: “Hải Phòng thu thuế thấp thua một số tỉnh bạn, cho dù địa hình địa thế và nền tảng kinh tế của Hải Phòng là điều mà nhiều địa phương khác mơ ước” - Một phóng viên thường trú tại đây nói với tôi.

Sự thành đạt về kinh tế của một số người, dường như vượt quá sự tưởng tượng của chính bản thân họ. Và, họ đã nghĩ đến một sự phù trợ nào đó từ siêu nhiên?!

Có ngôi mộ được xây dựng trong nghĩa trang theo hình tháp. Mô phỏng tháp đời Lý. Những cái tháp cổ còn sót lại trong các ngôi chùa thường là để di cốt của những bậc danh sư hay các vị trụ trì rất có uy tín, những người có công của nhà chùa. Lại có ngôi mộ là ngôi nhà ba tầng kiên cố. Tầng một, nơi thờ tự, có cửa sắt kéo mở. Trước một lăng mộ mới, uy nghi kiên cố, chúng tôi nhìn thấy một cái giếng tích thủy nhân tạo lớn, như giếng nước vẫn thường dùng ở nhà. Có điều, cái giếng này chỉ dành cho người cõi âm.

Những lăng mộ lớn có cửa gỗ đóng mở, có xây hồ bán nguyệt, sân, vườn… cũng không ngoài những mục đích “tích tụ tài lộc” và làm đẹp nơi cư ngụ cho người đã khuất, theo quan niệm của gia chủ.

Tương phản Gốc Găng

Một tờ báo đã đưa rằng, Hải Phòng có người bỏ số tiền cả triệu đô la để xây lăng mộ ngầm dưới đất. Đến nay, người Hải Phòng vẫn chưa biết đích thực người đó là ai, ngôi mộ nằm ở đâu, số tiền thực là bao nhiêu. Trò chuyện với phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng, một lãnh đạo ngành Văn hóa – Thông tin Hải Phòng nói rằng, ông không biết nhân vật mà báo chí đã đưa tin. Ông cho rằng: “Nếu bỏ ra hàng chục tỷ để xây dựng lăng mộ thì đó phải là một công trình rất lớn, không dễ gì giấu được đâu”.

Nhưng dù sao, tại Gốc Găng, lăng mộ nhiều trăm triệu đồng đã xuất hiện không ít. Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Nhưng cách thờ cúng như thế nào lại có nhiều quan niệm khác nhau. Việc xây lăng mộ đồ sộ không chỉ có ở Hải Phòng. Người ta nói nhiều vị bây giờ mê thuật phong thủy, mà thuật phong thủy là một kiến thức dân gian còn gây nhiều tranh cãi.

Mặt khác, thuật này thật ra chỉ chú trọng nhiều đến địa thế tự nhiên, không quan tâm tới việc xây lăng mộ to và tốn kém! Có người nói xây lăng mộ cho người và cho mình là một thú chơi, gọi là chơi lăng mộ. Phải cầu kỳ, tỉ mỉ, phải “đầu tư thích đáng”. Nhưng, nhìn những “cơ ngơi” đồ sộ trong các nghĩa trang, rồi nhìn những ngôi nhà nhỏ nghèo khó của những người dân sống lầm lụi xung quanh, không biết người ta sẽ nghĩ gì? 

NGUYÊN ANH

Tin cùng chuyên mục