Đà Lạt

Trùng tu ngôi biệt thự đá kiến trúc Tây Ban Nha

Ngày 7-1, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chính thức bàn giao công trình biệt thự đá kiến trúc Tây Ban Nha, nằm trên đường Quang Trung (phường 9, TP Đà Lạt), cho Công ty TNHH Hoài Nam (Hà Nội) trùng tu để khai thác du lịch và phục vụ Festival hoa Đà Lạt năm 2007. Động thái này đã góp phần làm cho cho ngôi biệt thự có một không hai ở phố núi thoát khỏi nguy cơ trở thành một phế tích.
Trùng tu ngôi biệt thự đá kiến trúc Tây Ban Nha

Ngày 7-1, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chính thức bàn giao công trình biệt thự đá kiến trúc Tây Ban Nha, nằm trên đường Quang Trung (phường 9, TP Đà Lạt), cho Công ty TNHH Hoài Nam (Hà Nội) trùng tu để khai thác du lịch và phục vụ Festival hoa Đà Lạt năm 2007. Động thái này đã góp phần làm cho cho ngôi biệt thự có một không hai ở phố núi thoát khỏi nguy cơ trở thành một phế tích.

Trùng tu ngôi biệt thự đá kiến trúc Tây Ban Nha ảnh 1

Hành lang bán cung nối hai biệt thự.

Nằm cạnh 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Nhà ga xe lửa và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là 2 ngôi biệt thự đá (biệt thự số 1 và 2 trên đường Quang Trung, TP Đà Lạt), xây dựng theo lối kiến trúc Tây Ban Nha (vùng Basques) thế kỷ 13-14.

Hai biệt thự này gần như nguyên một mẫu, được xây dựng hoàn toàn bằng đá granit và nối thông nhau bằng một hành lang có mái che theo hình bán cung, nên cả 2 đã tạo thành một chỉnh thể kiến trúc đá rất độc đáo và quyến rũ ở thành phố hoa Đà Lạt.

Theo một số nhà nghiên cứu về quỹ kiến trúc đô thị Đà Lạt, ngôi biệt thự trên được một người Pháp xây dựng vào những năm cuối của thập niên 30 thế kỷ trước. Đến những năm 1940, vua Bảo Đại đã mua lại tặng cho người đẹp là thứ phi Phi Ánh nên nó còn được nhiều người biết đến với tên gọi là biệt thự Phi Ánh.

Sau ngày đất nước thống nhất, ngôi biệt thự này thuộc diện vắng chủ do Nhà nước quản lý và giao cho chính quyền phường 5 lúc bấy giờ (nay là phường 9, TP Đà Lạt) sử dụng làm trạm xá. Sau đó, chính quyền phường 5 bàn giao cho ngành thương nghiệp tỉnh quản lý sử dụng làm cửa hàng buôn bán chất đốt.

Đến tháng 4-1993, trước khi trả lại ngôi biệt thự này cho đơn vị quản lý nhà đất tỉnh Lâm Đồng, ngành thương nghiệp tỉnh lại bố trí cho 7 hộ là công nhân viên của mình vào ở. Từ đây ngôi biệt thự đã trở thành khu chung cư và mạnh ai nấy băm vằm ngôi nhà một cách không thương tiếc.

Để đảm bảo diện tích phòng ở, một số hộ tự ý đục vách, trổ cửa, chia lối đi…, chưa kể việc cơi nới lấn chiếm toàn bộ diện tích sân vườn để che chắn, dựng lò nấu rượu, nuôi heo, làm nhà vệ sinh, ki-ốt… khiến công trình bị biến dạng và ngày càng trở nên xập xệ.

Trùng tu ngôi biệt thự đá kiến trúc Tây Ban Nha ảnh 2

Phù điêu trên vách của ngôi biệt thự

Hiện ngôi biệt thự chỉ còn hình dáng bên ngoài và đứng vững theo năm tháng là nhờ vào kiến trúc đá vững chắc – tường xây bằng đá chẻ dày 50 phân. Riêng mái ngói và trần nhà đã bị thay đổi cấu trúc nên hầu như hư hại hoàn toàn. Đặc biệt, tuy bị tàn phá nghiêm trọng nhưng khi bước vào bên trong ngôi biệt thự bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp hiếm có của nó.

Từ hệ thống lò sưởi, phòng ngủ, phòng khách, garage xe… đều được thiết kế hài hòa và bài trí rất trang nhã. Đáng chú ý là ngôi biệt thự được thiết kế, bố trí rất nhiều cửa sổ và ban công nên tạo được góc nhìn rộng.

Không biết có phải do yêu cầu của chủ nhà hay của vị kiến trúc sư tài hoa khi thiết kế mà ngôi biệt thự trên đã thể hiện rất rõ những nét phóng khoáng của nghệ thuật vùng Basques.

Điều ấn tượng, bên trong và ngoài vách ngôi nhà còn được chủ nhân chạm khắc rất nhiều hoa văn, phù điêu, tượng của người Chăm… càng làm tôn thêm nét độc đáo cho ngôi biệt thự. Không chỉ vậy, công trình kiến trúc đá này khi thời tiết nắng, bước vào bên trong chúng ta có cảm giác mát lạnh và ngược lại khi thời tiết lạnh ngôi nhà lại rất ấm.

Ông Nguyễn Quốc Hoài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoài Nam, cho biết: “Đây là một công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc rất độc đáo nên lại càng phải thận trọng trong quá trình trùng tu. Chính vì vậy mà hiện nay đơn vị đang cân nhắc, lựa chọn phương án tốt nhất để làm sao trùng tu lại nguyên trạng ngôi nhà và phục chế lại toàn bộ những bức tượng đá mà người dân đã đập nát”.

Ông Hoài nói rằng, có thể Công ty Hoài Nam sẽ bỏ ra khoảng trên 8 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa và trùng tu ngôi nhà giống như… nguyên mẫu, để đến tháng 6-2007, đưa vào kinh doanh du lịch.

Chừng đó khi đến Đà Lạt, du khách gần xa sẽ có dịp nhìn ngắm, chiêm ngưỡng lại một ngôi nhà cổ vừa hồi sinh – một công trình kiến trúc đá theo lối kiến trúc Tây Ban Nha ngay giữa lòng phố núi Đà Lạt và là công trình có một không hai ở Việt Nam.

VÕ ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục