Về “phố núi” đi... xe cổ

Đà Lạt chinh phục khách du lịch không chỉ có hoa đẹp, đồi thông với sương mù, phố núi hôm nay còn gây chú ý với khách tham quan bằng chính sở thích hoài niệm của người dân nơi đây, bằng từng đường nét hoa văn trên từng dòng xe Vespa cổ. Chúng tôi về Đà Lạt, được đi trên những chiếc xe Vespa cũ kỹ quanh bờ hồ Xuân Hương...!
Về “phố núi” đi... xe cổ

Đà Lạt chinh phục khách du lịch không chỉ có hoa đẹp, đồi thông với sương mù, phố núi hôm nay còn gây chú ý với khách tham quan bằng chính sở thích hoài niệm của người dân nơi đây, bằng từng đường nét hoa văn trên từng dòng xe Vespa cổ. Chúng tôi về Đà Lạt, được đi trên những chiếc xe Vespa cũ kỹ quanh bờ hồ Xuân Hương...!

  • Săn hàng “độc”
Về “phố núi” đi... xe cổ ảnh 1

Khách du lịch chụp hình lưu niệm bên xe Vespa cổ. Ảnh: N.Đ.

Chơi xe cổ không phải cứ “tậu” được chiếc xe đắt tiền là tốt, mà người chơi có “đẳng cấp” là phải biết chọn con “ngựa sắt” đời nào, chọn phụ tùng ở đâu, cách thức “lên đời” có công phu hay không. Chúng tôi đã có những ngày rong ruổi cùng các tay chơi xe Vespa cổ ở phố núi này. Có thể nói, để tậu được những chiếc xe cổ ở đây không hẳn phải có hàng trăm triệu đồng, cái để người ta phục nhất là các tay chơi tạo cho mình một phong cách riêng.

Sau thời gian dài lãng quên, những chiếc Vespa-một thời được xem là biểu tượng của giới thượng lưu ở đây, bị vứt lăn lóc trong những xó xỉnh, có chiếc gần như đống sắt vụn. Những tay chơi xe cổ ở Đà Lạt đã săn lùng, mang nó ra “đại tu”, biến nó thành những chiếc “xe độc”, từ đây giá của nó tăng vùn vụt. Ngồi nhâm nhi cà phê bên bờ hồ, tôi nhận được tin nhắn “Có con Acma nguyên nòi ở Chi Lăng (Đà Lạt) có đi xem không?”. Tôi phóng xe đi ngay, sau 15 phút đã có mặt tại điểm hẹn. Nhưng khi vừa đến, anh bạn vừa giới thiệu xe nói: “Đi chậm nên vuột mất rồi. Một đại gia ở Vũng Tàu vừa dắt cách đây mấy phút...”. Nhiều người chơi xe ở đây cho biết, để sở hữu được một chiếc Vespa cổ ở đây cũng lắm gian truân. Nhiều khi lặn lội tìm gặp được chiếc xe ưng ý cũng chưa chắc đã mua được vì chủ nhân không bán, có khi gặp dân chơi xe cổ ở Sài Gòn, Nha Trang, Vũng Tàu…, phỗng tay trên thì coi như “xôi hỏng bổng không”.

Theo dân chơi xe cổ, ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương và thị xã Bảo Lộc hiện là những địa phương còn nhiều xe Vespa cổ như Acma, Standard, Lambretta nguyên nòi, cả nước sơn zin. Vì thế, gần đây các tay chơi ở xa đã đổ xô về đây săn lùng, mang theo cả túi tiền lớn để đánh bạt cả dân chơi xe cổ ở đây, dù đã trả giá đặt tiền cọc trước. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Miễn, Chủ nhiệm CLB những người chơi Vespa cổ Đà Lạt cho biết: Trước kia địa bàn Đà Lạt, Bảo Lộc đi đâu cũng đụng xe Vespa, nhưng từ năm 2000 trở lại đây, dân chơi xe cổ ở TPHCM đã lên “vét sạch”, giờ chỉ còn khoảng 150 chiếc, trong đó các thành viên trong câu lạc bộ đã sở hữu gần 100 chiếc. Nếu trước đây chỉ cần bỏ ra vài ba triệu là có thể “tậu” được một con Vespa ưng ý, nhưng nay phải mất từ 35-40 triệu đồng chưa chắc đã mua được 1 chiếc Standard. Với Vespa Acma (đời 1951, 125cc-Austate Cruisaire-USA), có giá chí ít cũng từ 50-60 triệu/chiếc, xe dọn giá mềm hơn nhưng cũng phải 12-20 triệu đồng/chiếc. Ông Miễn nói: “Đây chỉ là giá chuyển nhượng chứ dẫu có tiền cũng không thể mua được xe vì đã quá khan hiếm rồi”.

  • Chơi xe cũng “hội nhập”!

Theo ông Đỗ Viết Thiện, thành viên trong CLB Vespa cổ Đà Lạt, hiện nay câu lạc bộ có 50 thành viên với đủ các thành phần gồm công nhân viên chức, thợ xây, chụp ảnh, buôn bán cà phê, làm vườn…, nhưng tất cả đều ghiền xe cổ. Vì thế, anh em đã tìm đến nhau và được sự hỗ trợ của Trung tâm Lễ hội Văn hóa Du lịch tỉnh Lâm Đồng, ngày 16-3 vừa qua Hội những người chơi Vespa cổ Đà Lạt đã chính thức được thành lập. Trao đổi với chúng tôi, một thành viên trong hội cho biết, trước đây mạnh ai nấy chơi, vì thiếu thông tin nên có khi trong quá trình “phục chế” một con xe cũ phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Có người khi mua được xe, phải mất cả tháng ngồi cưa sắt phi 10 để tự phục chế lại dàn đồng rất công phu. Nhiều người khi đã “tậu” được xe rồi thì liên tục bị “xe hành” nhưng vẫn không biết tìm được thợ giỏi để trị. Một tay buôn xe cổ ở đây cho biết, khi tìm ra xe ông chỉ biết mang về Sài Gòn bán lại cho các đại gia, nhưng nay đã có hội chỉ cho nhau những kinh nghiệm phục chế, có chỗ làm máy, chia sẻ phụ tùng..., những chiếc xe cổ sẽ được giữ lại làm nên “hồn” xe cổ ở đây.

Theo ông Lê Viết Miễn, anh em chơi xe Vespa cổ ở đây lúc đầu cũng “kín cổng cao tường” nên quá trình tìm kiếm phụ tùng, hỗ trợ thông tin rất khó. Có người còn mua lầm, vô tình làm thay đổi thiết kế, đổi màu sơn xe đã vi phạm luật. Thế nhưng, khi có hội, có nơi để hỗ trợ nhau, hiện Hội những người chơi Vespa cổ Đà Lạt gần như đã tạo ra được phong thái chơi riêng của người chơi xe nơi phố núi. Được biết, cứ mỗi chủ nhật hàng tuần, những chiếc Vespa cổ với những đường nét hoa văn tinh xảo chạy vòng quanh hồ Xuân Hương làm tăng thêm nét đẹp nơi phố núi. Hội chơi xe không chỉ hàng tháng tổ chức các đợt đi hoạt động xã hội, mà còn làm du lịch. Du khách có thể sử dụng để chụp ảnh lưu niệm, giữ lại hình ảnh dễ thương nơi phố núi.

VÕ ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục