Những “cô bò” chở mùa xuân đến sớm

Blê Brok! Blê!... Blê!
Những “cô bò” chở mùa xuân đến sớm

Hơn 4 triệu đồng, giá trị một con bò giống – không lớn. Nhưng, với bà con dân tộc B’râu và K’Dong thì đó là tài sản vô giá, là ước mơ tự bao đời. Lần đầu tiên sở hữu một tài sản lớn thì ai không khỏi bồi hồi. Nhưng, những ánh mắt và nụ cười mà chúng tôi cảm nhận tại xã Bờ Y - như một minh chứng cho hướng đi đúng trong hàng loạt công tác từ thiện của những người thực hiện chương trình ca nhạc “Dòng thời gian 5”!

Blê Brok! Blê!... Blê!

Những “cô bò” chở mùa xuân đến sớm ảnh 1

Bà Y Giang Bê với con bò vừa được Báo SGGP trao tặng. Ảnh: H.P.

Dù mặt trời chưa qua khỏi ngọn đồi ở lưng dãy Trường Sơn và sương vẫn giăng bãng lãng, nhưng hơn 100 bà con 2 dân tộc B’râu (thôn Dak Mế) và K’Dong (thôn KonKhon ) đã tề tựu về sân UBND xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Sáng nay trời rét đậm nên bà con chọn ngồi ngoài sân nắng, hút thuốc liên tục để đợi nhận quà từ quỹ vận động chương trình “Dòng thời gian 5”. Nét mặt ai cũng tươi, nhưng đầy vẻ… hồi hộp, lo lắng. Nhiều bà con vẫn đội nón, ngồi gác chân lên ghế và vô tư hút thuốc để bàn chuyện bò, chuyện về con vật mà họ chưa từng nuôi bao giờ !

Sau cuộc họp, 40 hộ nghèo biết chắc mình sẽ có một con bò, trong số những con bò đang đứng néo vào nhau trên 4 chiếc xe tải kia - đã xúm xít quanh chiếc xe í ới gọi “Blê! Blê! Brok, Brok!” càng làm chúng hoảng loạn, cụng đầu vào nhau, nép sát vào cuối xe. Một con bò được cán bộ khuyến nông mang xuống đất. Loạng choạng và sợ sệt “ả bò” vừa chạm đất đã nhảy cẫng lên cho đến khi bị cột chặt vào gốc cây cà phê. Tại Dak Mế, hai chục con được cột quanh các gốc cây giữa thôn. Những chủ bò tương lai sau khi chọn bò từ xa, đã “rón rén” đến bên con bò mơ ước của mình.

Anh Thào Bóp, nhìn có vẻ bặm trợn nhưng lại rất gượng nhẹ khi cố dắt con bò đi. “Sao không kéo nó đi?”, chúng tôi hỏi khi thấy con bò cứ ỳ lại bên gốc cây. “Không dám kéo nó đâu! Nó mà đau thì mình buồn lắm!”. Thào Bóp nói, trong khi vẫn cố nương “ả bò” đang làm nư. Một thanh niên khác khi nghe gọi tên nhận bò đã giật mình, rồi tự đập vào ngực liên hồi hỏi: “Gọi mình à? Mình có bò thật á?”. Hạnh phúc đến bất ngờ quá khiến anh chàng lớ ngớ khi dẫn bò và con bò vùng mạnh, sợi dây vuột con bò chạy thẳng lên đồi. Hàng chục người chạy chận đầu, “khóa đầu, khóa đuôi” như chơi đuổi bắt, đến mệt nhoài vẫn không bắt được bò. Đến khi con bò vấp dây tự ngã, mới bắt được nó.

Mới 46 tuổi mà anh A Banh ở thôn KonKhon đã kịp có… 6 người con. Con đầu chưa đầy 16 tuổi và đứa út thì chưa đến tuổi thôi nôi. Dù làm quần quật, vợ chồng họ vẫn không đủ nuôi 8 miệng ăn và mỗi năm, nhà anh thiếu ăn đến 2-3 tháng. Ngày đi nhận bò, A Banh hồi hộp dắt díu cả nhà ra sân nhà rông để đón nhận niềm vui đến ngỡ ngàng. Chị Y Bông, vợ anh, nghe người ta bày đã tíu tít nhổ nước bọt ra lòng bàn tay xoa lên khắp đầu, tai, mặt con bò 18 tháng tuổi mang số hiệu 11, rồi luôn miệng thầm thì vào tai “thành viên” mới của gia đình rằng: “Mày nhớ hơi tao nhé, hay ăn chóng lớn nhé, ngoan ngoãn ở với nhà tao nhé, đừng phá rẫy, đừng bỏ đi nhé. Tao thương mày lắm…”.

Mấy đứa con “hột gà, hột vịt” của anh chị thì đứa ôm riết lấy cổ con bò mà vuốt ve, đứa kéo đuôi, sờ vú… làm con bò bẽn lẽn cứ dụi mãi đầu vào gốc cây găng bao quanh vườn nhà. Ký tên vào danh sách nhận bò rồi mà anh chị vẫn còn thắc thỏm: “Thế con bò đã là của mình chưa? Có được dắt nó về nhà không?”. Khi biết đích xác con bò là món quà thật mà mình được tặng, A Banh cố nài tôi hút một coọc (tẩu) thuốc rê, rồi hồ hởi trò chuyện với vẻ mặt đầy quyết tâm: “Vợ chồng mình đẻ nhiều con nên nghèo quá. Bây giờ mình biết sợ rồi, vợ mình đi “trích đẻ” (triệt sản) rồi. Giờ lại có con bò, mình sẽ nuôi nó cẩn thận để nó kéo cày, bừa, bò sẽ đẻ con…”. Rồi chồng cầm thừng dắt bò, vợ và con xúm xít, người xoa mông, người khẽ đẩy đít bò, lục tục kéo nhau về nhà. Hạnh phúc của người nghèo thật đơn sơ!

Yêu bò nên cho ăn... muối

Trong số 40 hộ gia đình nghèo được tặng bò, hầu hết mọi người đều nuôi loài gia súc này lần đầu tiên. Thế nên, chúng tôi mới có dịp chứng kiến những chuyện cười ra nước mắt.

Nhiều người nhận bò rồi mà loay hoay mãi, không biết cách dẫn chúng về nhà, cứ để chúng lôi đi tồng tộc. Có người lớ ngớ để sợi dây thừng buộc bò vuột khỏi tay, con bò lồng thẳng lên đồi. Mặc cho đám thanh niên rượt đuổi con bò, bà Y Giang Bê, 56 tuổi, ở thôn Dak Mế vẫn “say đắm” vuốt ve, ôm ấp con bò mà bà đã chọn khi nó vừa đặt chân xuống đất. Sau khi biết chắc con bò này sẽ cho mình, móc từ túi áo một nắm muối hạt, bà đút thẳng vào mồm bò rồi xả một tràng tiếng B’râu. Anh cán bộ khuyến nông dịch lại: “Bò khôn ngoan, khỏe mạnh, không được hư hỏng. Bò ăn muối ăn gạo thì bò phải cho lại nhà mình hột gạo, hột muối nhé!”.

Là người sau cùng dẫn bò về nhà, bà Y Giang Bê không dám kéo mạnh dây thừng vì sợ bò đau, người và bò cứ chậm rãi đổ bóng trên con đường đất bụi mù. Đang chuẩn bị che bạt cho bò mát thì con bò ngã lăn quay, há mồm thở dốc. Bà Y Giang Bê la thất thanh: “Brok! Brok!”. Nhìn người phụ nữ già nua, khắc khổ ấy quỳ thụp xuống, ôm cổ con bò vào lòng, mắt thất thần kêu: “Con bò mình bị sao vậy? Nó không thương mình à. Cán bộ ơi, xem bò hộ mình đi?”.

Anh cán bộ thú y bị chúng tôi lôi xốc đến nơi, thấy con bò đang gục đầu xuống đất và bàn tay đầy muối hột của bà Y Giang Bê, anh cán bộ trợn mắt nói: “Trời đất! Bà cho bò ăn muối hột hả? Con bò nó đang mệt, bà không cho nó uống nước mà lại cho ăn muối thì nó không “xỉu” sao được!”. Mấy ai biết được, từ trước đến nay con bò là niềm mơ ước nhưng đây là lần đầu tiên bà con B’râu mới nuôi bò, do vậy cách nuôi nấng, chăm sóc “niềm mơ ước” của họ mới ra nông nổi… Bà Y Ban, Chủ tịch MTTQ xã Bờ Y cũng có mặt, đã giảng giải bằng tiếng dân tộc với bà Y Giang Bê rằng, thức ăn của bò là cỏ và uống nước “hơi pha muối” thôi.

Bò tặng... thêm

Bà Y Ban còn tích cực đến nhiều nhà khác để chỉ bảo thêm cách cho bò ăn… Khi chúng tôi lên xe chuẩn bị đi về, bà Y Ban đến bên chị Phạm Thục, Trưởng đoàn nói: “Mình lần này chưa được duyệt con bò, nhưng nếu lần sau có thì nhà báo SGGP cho mình một con nuôi với nhe...”. Bà Y Ban là Ủy viên đại diện cho dân tộc B’râu trong UBMTTQ Trung ương, là một phụ nữ lanh lẹ và khá duyên dáng. Khi thay mặt bà con B’râu nhận bò, bà Y Ban đã nói: “Thay mặt người B’râu, cảm ơn lòng thương dân của ông Chủ tịch nước Minh Triết, mình sẽ giúp đỡ bà con B’râu nuôi bò tốt và đẻ nhiều để không phí món quà của ông Chủ tịch nước gửi tặng. Xin gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước và Báo SGGP đã nghĩ ra món quà tốt đẹp này”.

Và vì thế, chúng tôi ngỡ là bà Y Ban có nhận bò. Nhưng do “không nghèo bằng” các hộ kia nên bà Y Ban chưa được nhận bò đợt này. Sau khi hỏi thăm về công việc của bà Y Ban, anh Tuấn, Chủ tịch huyện Ngọc Hồi và anh Học, Bí thư xã Bờ Y đều xác nhận, bà là nhân tố tích cực trong việc giáo dục nếp sống mới và đẩy lùi tệ mê tín dị đoan trong người dân B’râu. Hiện gia đình bà Y Ban chỉ còn hai mẹ con. Chị Thục đã gửi 4 triệu đồng cho anh Học, Bí thư xã Bờ Y để tặng riêng bà Y Ban con bò giống, vì thành tích đã đóng góp với sự tồn tại và phát triển dân tộc B’râu.

Tháng 6-2007, trong chuyến công tác đến Kon Tum, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ghé Bờ Y và thăm đồng bào B’râu. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch nước, các doanh nghiệp và Báo SGGP đã chung tay chăm lo cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, nhất là các dân tộc còn rất ít người cần được bảo tồn và phát triển, trong đó có dân tộc B’râu. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức chương trình “Dòng thời gian 5” . Và, những con bò giống trao tặng hôm nay được trích từ nguồn quỹ của chương trình ca nhạc “Dòng thời gian 5” với sự đóng góp của 12 doanh nghiệp trên khắp đất nước. Con bò có giúp cho 41 hộ nghèo người B’râu, K’ Dong thoát nghèo hay không thì còn phải chờ đợi, nhưng trong ánh mắt tươi vui và nụ cười mãn nguyện của bà con, chúng ta có thể cảm nhận được mùa xuân đang đến rất gần với hàng trăm người nghèo đang sống trên lưng dãy Trường Sơn xa tít…

Đoàn Hiệp – Tuấn Hoàng

Tin cùng chuyên mục