Nước mắt màu… than

Nước mắt màu… than

Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là bài học đắt giá cho nhiều tỉnh, thành về sự cẩu thả trong quản lý, cấp phép đầu tư và thiếu ý thức trong công tác hậu kiểm. Trong khi vấn nạn ô nhiễm ở Dĩ An bởi bụi bay ra từ các lò gạch chưa dứt thì lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh lại rước về “cho dân” loại bụi nguy hiểm khác - Bụi than! Người dân ở ấp Ngãi Thắng, Trung Thắng - xã Bình Thắng (huyện Dĩ An) khóc ròng vì ô nhiễm từ than đá đã làm nhiều hồ nuôi cá giống chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Cuộc ‘’tị nạn’’ than...

Bình Dương không có khoáng sản than đá như Quảng Ninh, thế mà xã Bình Thắng có nhiều bãi than chất cao hơn núi. Những “mỏ than đá lộ thiên” khổng lồ làm choáng ngợp những người đi đường và khiến dân sống quanh khu vực phía Đông tỉnh Bình Dương dọc tuyến tỉnh lộ DT743 tại hai ấp Ngãi Thắng, Trung Thắng - xã Bình Thắng (Dĩ An) lo ngại cho sức khỏe của gia đình họ.

Nước mắt màu… than ảnh 1

Ông Xuân đang chỉ những ao nuôi cá bị ô nhiễm bởi nước thải của than.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có nhiều doanh nghiệp than xuất hiện ở xã Bình Thắng chỉ trong một thời gian ngắn. Họ là ai và vì sao đến bây giờ họ mới xin giấy phép kinh doanh than ở Bình Dương? Đó là một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh than đá “dạt” về Bình Dương sau khi bị chính quyền Đồng Nai, Thủ Đức (TPHCM) cấm kinh doanh than trong địa bàn dân cư vì đã gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống.

Thế là, đầu năm 2008, một cuộc di cư của các vựa than đến Bình Thắng, nơi có vị trí hết sức thuận lợi nằm gần ngã ba Tân Vạn - quốc lộ 1A, kế cảng Đồng Nai và Bình An.

Chỉ trong vài tháng của năm 2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương đã cấp phép hoạt động cho 5 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực than (từ đây gọi là doanh nghiệp than): Chi nhánh Công ty TNHH Hồng Minh Quân, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ngân Đan, Chi nhánh Công ty THHH một thành viên đầu tư và kinh doanh khoáng sản Vinaconex, Chi nhánh Bình Dương - Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty TNHH một thành viên Tuấn Bắc.

Việc cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực than đã khiến dư luận ở Bình Dương thắc mắc không ít.

Thứ nhất, trong chương trình xử lý và buộc di dời ra khỏi khu dân cư hơn 400 đơn vị gây ô nhiễm môi trường của tỉnh Bình Dương mới đây, riêng xã Bình Thắng đã có 16 “doanh nghiệp đen” phải đi khỏi xã. Khi mà người dân nơi đây chưa kịp vui trọn vẹn với không gian vừa được thanh lọc bởi quyết định di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm trong sản xuất gạch thì Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương lại cho phép cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ngành than về “tị nạn” tại Bình Thắng. Vì sao thế?

Vì sao xã lại cho phép các doanh nghiệp than xây dựng những bãi than lộ thiên và hoạt động mù trời ngay trên đất của các nhà máy sản xuất gạch vừa buộc di dời theo chủ trương của tỉnh Bình Dương? Đơn cử như Chi nhánh Công ty TNHH Hồng Minh Quân, doanh nghiệp kinh doanh than mới nhất vừa được Sở KH-ĐT tỉnh cấp phép tháng 6-2008.

Và, doanh nghiệp than này lại được phép hoạt động trên đất của Nhà máy gạch Việt Tiến vừa buộc di dời?! Theo tìm hiểu của chúng tôi - sau khi lò gạch Việt Tiến chấp hành di dời theo chủ trương của tỉnh vì lý do gây ô nhiễm môi trường thì chủ đất này lại tiếp tục cho Hoàng Minh Quân thuê làm than, và môi trường lại tiếp tục bị ô nhiễm. Thật là “mèo lại hoàn mèo”.

Than bay vào cơm, than chui ao cá

Có mặt tại Bình Thắng trong những ngày này, chúng tôi thấy gần nơi các bãi than những dòng nước bẩn làm đen cả một đoạn nhánh sông Đồng Nai. Dầu than đá đen kịt nổi đặc quánh trên mặt nước kênh Bà Khâm đổ ra sông Đồng Nai. Đó là những ngày mưa.

Ngày nắng, chúng tôi có cảm giác như không gian mờ mịt và rất khó thở vì bụi than có đầy trong không khí. Vào giờ cao điểm các doanh nghiệp dùng máy sàng than phân loại khiến gió thổi từng cơn “bão bụi than” đen từng khoảnh không gian sống của mọi người.

Người dân sống trên đường DT7 43, ấp Ngãi Thắng kinh ngạc khi thấy các xe chở than đá từ đâu cứ ùn ùn chở về đổ cao như núi lộ thiên bên trong khuôn viên các doanh nghiệp Nam Việt, Minh Huyền, Tuấn Bắc, Hồng Minh Quân. Những đống than to lù lù được che chắn bằng vài tấm tôn sơ sài, mặc cho bụi than chảy xuống ao hồ, kênh rạch gây ô nhiễm nặng.

Ở đâu cũng bị than bám, cái gì cũng lấm lem, đen nghịt. Bụi than bay vào nhà dân, bụi than “chui” vào các lớp học làm ố đen những trang vở học trò, bụi than phủ đầy các nơi trong UBND xã Bình Thắng.

Nước mắt màu… than ảnh 2

Từng núi than lộ thiên.

Khổ nhất là đến giờ cơm mà gặp cơn gió thổi qua, bụi than bay đầy mâm cơm. Sáng 17-10, ông Sĩ Tấn Xuân, chủ trại câu cá Cầu Bà Khâm (ấp Ngãi Thắng, xã Bình Thắng, Dĩ An) nằm ngay sát một kho than cho biết: ông vừa phải chi 80 triệu để đổ đất, cát ngăn dòng nước đen từ bãi than chảy vào hồ nuôi cá phục vụ khách câu cá giải trí. Nước than đen chảy vào hồ nuôi cá khiến cá chết trắng mặt nước và ông Xuân đã chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

“Sau vụ cá chết, tôi đã báo tổ trưởng vào chụp hình ghi nhận thiệt hại của gia đình và tôi có làm đơn phản ánh lên chính quyền xã nhưng chưa thấy phản hồi gì”, ông Xuân nói như than.

Anh Hai Biên cũng ở ấp này, chủ trại cá giống khác đã khóc ròng vì cá giống vừa ươm để chuẩn bị bán đã chết đồng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế. 5 hộ nuôi cá giống tại ấp cũng lâm vào tình cảnh chiều chiều nhìn cá nổi trắng trên mặt nước đang đen dần trong ao mà khóc ròng. Cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các kho than xuất hiện trong xã.

Không chỉ các doanh nghiệp than hoạt động gây ô nhiễm môi trường, mà từng đoàn xe chở than vào Bình Thắng cũng quá lộng hành khiến nhiều con đường vào xã bị vỡ nát từng đoạn. Khốn nỗi, những con đường vào xã là loại đường nông thôn do tiền của bà con đóng góp nên không chịu nổi tải trọng của từng đoàn xe quá khổ, quá tải chạy ầm ầm mỗi ngày.

Ông V.P, ở ấp Trung Thắng phản ảnh: Mỗi lần các doanh nghiệp ở đây nhập than bà con khốn khổ vì các “hung thần” xe tải phóng nhanh vượt ẩu. Quả thật khi đứng trên đường DT 743, nhìn các xe tải nối đuôi nhau từng đoàn đi vào ấp Trung Thắng, tôi mới cảm thấy bà con xã Bình Thắng quả là đã quá sức chịu đựng.

Điều mà cư dân huyện Dĩ An đang thắc mắc đó là - Vì sao 7 doanh nghiệp kinh doanh than đá trên đã bị các địa phương khác “tẩy chay” nhưng tỉnh Bình Dương, cụ thể là huyện Dĩ An lại ra tay đón nhận sự ô nhiễm môi trường về địa phương mình?

Chính quyền nói

Chiều ngày 16-10, trao đổi với phóng viên, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Dĩ An, Nguyễn Thanh Huy cho biết: Phòng đã có kiến nghị tỉnh Bình Dương và Sở TN-MT Bình Dương xử lý các doanh nghiệp than gây ô nhiễm trên địa bàn xã Bình Thắng. Bên cạnh đó, phòng cũng đã tham mưu huyện có văn bản kiến nghị tỉnh xem xét lại vấn đề cấp phép đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh than đá ở Bình Thắng.

Theo báo cáo của Phòng TN-MT huyện Dĩ An, hiện các doanh nghiệp hoạt động đang hoạt động theo các công đoạn như sau: nhập than đá, chứa, sàng phân loại, đóng bao và bán?! 7 doanh nghiệp than mới được Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đều không có sự tham gia thẩm định về địa điểm của huyện và kiểm tra tác động môi trường của các cơ quan chức năng.

Qua kiểm tra, Phòng TN-MT huyện đã ra quyết định xử phạt doanh nghiệp tư nhân TM-DV than Quảng Ninh và chi nhánh doanh nghiệp tư nhân Thịnh Huyền có hành vi sử dụng đất sai mục đích.

Ông Phạm Công Lý, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH-ĐT Bình Dương cho biết: Than không phải lĩnh vực cấm nên chúng tôi không thể từ chối họ được. Còn về môi trường, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp không bảo đảm môi trường, quy hoạch của địa phương thì về mặt quản lý nhà nước, Phòng TN-MT huyện và Sở TN-MT là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng kiểm tra, xử lý.

Chiều ngày 17-10-2008, chúng tôi đã gặp lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương để tìm hiểu – Vì sao cơ quan này cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất, gia công và kinh doanh than đá trên địa bàn tỉnh, trong khi những doanh nghiệp đó từng bị địa phương khác buộc di dời vì gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Văn Trai, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết: Theo Luật Doanh nghiệp thì không có hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh phải có đánh giá tác động môi trường, do vậy, nhiệm vụ của sở là xét cấp phép cho các doanh nghiệp đến đăng ký giấy phép kinh doanh. Doanh nghiệp nào không tuân thủ Luật Đất đai, không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, không tuân thủ quy định xây dựng đó là cái sai của doanh nghiệp. Còn lĩnh vực kinh doanh than là lĩnh vực không cấm nên Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cấp giấy đăng ký kinh doanh cho họ là đúng với quy định Luật Doanh nghiệp.

CHÍ THỊNH

Tin cùng chuyên mục