Miền Tây “hiếm” người… gặt lúa

Miền Tây “hiếm” người… gặt lúa

Mấy năm gần đây, năm nào cũng vậy, khi lúa chín vàng đồng cũng là lúc các chủ ruộng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu… “đỏ mắt” đi tìm người gặt. Nhiều nơi dù đã dặn công gặt, đặt tiền cọc một nửa ngay từ khi mới bắt đầu gieo sạ nhưng đến khi lúa chín, chủ ruộng đi tìm thì… thợ gặt đã... đi xa!


  • Thợ gặt: 90.000đ/công
Miền Tây “hiếm” người… gặt lúa ảnh 1

7 ha lúa chín vàng ươm nhưng ông Trịnh Đình Châu (Sóc Trăng) chỉ tìm được vài thợ gặt

Những ngày này hàng ngàn héc ta lúa ở huyện Mỹ Tú, Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) đang bước vào mùa thu hoạch. Nhiều nơi lúa chín ngã rạp xuống mặt ruộng nhưng nông dân không tìm đâu ra nhân công đành phải nhìn lúa rơi rụng.

Cả tuần qua, ông Sáu Thanh ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú chạy đôn chạy đáo khắp xóm nhưng không tìm được người gặt hơn chục công lúa đã chín vàng đồng. Ông than: “Mấy năm trước thấy lúa sắp chín là có người đến hỏi cắt nhưng bây giờ tìm nhân công cắt lúa khó quá. Tôi qua đến xã Mỹ Thuận để tìm nhưng nhà nào cũng chỉ thấy người già và trẻ em. Người ta nói từ tết đến giờ, mấy trăm lao động vùng này đã bỏ xứ đi làm ăn xa hết rồi. Cho nên lúa đã chín rục mà tôi chỉ tìm được… một người, họ đòi đến 150.000đ/công và chỉ cắt thả trên ruộng mà không gom”.

Cánh đồng xã An Ninh kế bên cũng đang vào mùa thu hoạch rộ lúa đông xuân. Đồng ruộng bao la màu vàng rực của lúa chín nhưng xa xa chỉ thấy lác đác vài người gặt lúa. Ông Trịnh Đình Châu ở ấp Kinh Mới (xã An Ninh, huyện Mỹ Tú) có 7 héc ta lúa nhưng tìm hơn mười ngày mà chỉ được sáu nhân công, ông phải “huy động” hết vợ con, dâu, rể cùng ra đồng nhưng cũng gặt không xuể vì những ngày này nắng nóng làm lúa chín rất nhanh. Thu hoạch chậm lúa rụng hạt, ngã rạp xuống mặt ruộng càng trở nên khó gặt.

Ông Châu thuê nhân công gặt với giá lên đến 80.000đ/công. Nhiều người nói giá này vẫn còn rẻ nhưng ông Châu cho biết đây là giá “trên trời”, vì thợ gặt chỉ cắt lúa để thí trên đồng, ông phải thuê thêm người gom cột lại thành bó và vác lúa sau khi suốt lên bờ với giá 90.000đ/công. Với giá này cộng thêm tiền suốt, ông Châu phải chi trên 2 triệu đồng/ha lúa khi thu hoạch.

  • Đặt cọc: Cũng chưa chắc

Đi vòng qua khu vực Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Long Mỹ (Hậu Giang), Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu)…, chúng tôi thấy rất nhiều xóm làng đìu hiu vì rất nhiều lao động nông thôn rời bỏ đồng ruộng để đi làm phụ hồ, công nhân ở các khu công nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản…

Đây chính là nguyên nhân làm cho nguồn lao động tại địa phương khan hiếm khi đến mùa lúa chín. Anh Nguyễn Văn Trinh ở xã Long Tân (huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) cho biết vài năm trước khi chuẩn bị thu hoạch lúa đông xuân là lao động ở những nơi thu hoạch lúa đổ xô về đây nhưng năm nay chỉ thấy lác đác vài ba người. Anh nói: “Thợ cắt lúa bây giờ khó tính lắm, phải dặn trước và cho họ ứng tiền từ lúc mới sạ lúa nhưng đến lúc thu hoạch rộ, thiếu nhân công phải đành bấm bụng trả thêm tiền thì họ mới chịu cắt, nếu không sẽ bỏ qua đồng khác.

Năm nay công cắt lúa lên đến 1,2 – 1,3 triệu đồng/ha, đồng nào lúa bị ngã thì công gặt từ 1,5 – 1,7 triệu đồng/ha, cao hơn năm ngoái từ 300.000 – 400.000đ/ha. Nếu không có người nhà thì phải thuê người gom lúa tốn thêm 200.000đ/ha”. Bên huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), thấy lúa đỏ đuôi, nông dân chạy đi kiếm thợ gặt địa phương nhưng tìm mãi không ra. Thấy được một vài người từ Kiên Giang qua, ông Trần Văn Hào ở xã Châu Thới mừng ra mặt.

Ông cho biết do sợ nông dân trong xóm “giành” nên ông phải gọi thợ gặt vào cho ở chung nhà, bao cơm nước và “dằn” trước 100% tiền công để khỏi phải “đỏ mắt” chạy tìm nhân công cho 3 héc ta lúa đang sắp đến ngày thu hoạch. Ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), mặc dù lúa đang trổ đòng, gần hai tuần nữa mới thu hoạch nhưng nông dân đã bắt đầu đi tìm thợ gặt để đặt cọc trước vì sợ đến ngày lúa chín sẽ không tìm được người.

Ông Hồ Quang Cua – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng – cho biết không riêng gì Sóc Trăng mà các tỉnh khu vực ĐBSCL đều rơi vào tình trạng thiếu thợ gặt vào mùa thu hoạch rộ. Nguyên nhân là hiện nay có quá nhiều lao động nông thôn rời quê lên thị xã, thành phố tìm việc làm. Nhiều năm qua, các tỉnh ĐBSCL liên tục tổ chức các hội thảo với chủ đề tăng cường cơ giới trong thu hoạch lúa nhưng xem ra chưa thật sự hiệu quả.

HỒNG DÂN

Tin cùng chuyên mục