Ước mơ vàng từ cây ca cao

Ước mơ vàng từ cây ca cao

Ông Đoàn Minh Sương, một nông dân trồng ca cao xen trong vườn dừa tại ấp An Phú, xã An Khánh (Châu Thành, Bến Tre) tâm sự: “Tôi là thương binh. Sau ngày giải phóng, cũng trên mảnh vườn này, tôi đốn hết cây này lại trồng cây kia. Tất cả đều không khá nổi! Từ năm 2000 đến nay, may nhờ có cây ca cao…”.

Ca cao Việt Nam: Chất lượng hàng đầu châu Á

Ước mơ vàng từ cây ca cao ảnh 1

Trạm thu mua hạt ca cao của Công ty TNHH Ca Cao ED & F MAN Việt Nam tại xã An Khánh.

Chương trình phát triển cây ca cao tại Bến Tre do Trường ĐH Nông Lâm TPHCM hỗ trợ bắt đầu từ năm 2000. Lúc đó, chính Tiến sĩ Nông học Nguyễn Hồng Đức Phước (Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) là người đến chuyển giao kỹ thuật trồng cây ca cao giống mới xen trong vườn dừa cho bà con nông dân tại xã An Khánh (Châu Thành).

Là người rất gắn bó với chương trình phát triển cây ca cao tại Việt Nam, Tiến sĩ Phước khẳng định: “Cây ca cao không trồng được tại các tỉnh phía Bắc. Trong thời gian 1980-1990, ca cao được trồng nhiều ở các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, do không nối kết được với thị trường thế giới, nên ca cao dần dần bị chặt bỏ để trồng các loại cây ăn trái khác.

Hiện nay, tại Đắc Lắc, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre... là những nơi đã trồng lại ca cao và hiện phát triển tốt. Riêng Bến Tre, sở dĩ có sự chọn lựa để đầu tư trồng cây ca cao tại đây vì Trường ĐH Nông Lâm TPHCM muốn khẳng định, ca cao phát triển rất tốt trong vườn dừa bởi ca cao rất thích bóng mát. Những vườn dừa trên đất Bến Tre là điều kiện tự nhiên lý tưởng mà không phải nơi nào cũng có”…

Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam cho biết, 8 dòng ca cao lai vô tính nhập nội: TD1, TD2, TD3, TD5, TD6, TD8, TD10, TD14 và 5 cây đầu dòng: TC5, TC7, TC11, TC12, TC13 đã được Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công nhận để có thể nhân giống và trồng rộng rãi ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.

Tiến sĩ Phước nhấn mạnh: “So với các cây khác như cây cà phê, cây điều... thì cây ca cao trồng trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay có bước đi bài bản ngay từ đầu. Với lần này, việc xác định bộ giống gốc để làm cây đầu dòng, bộ tiêu chuẩn chất lượng hạt ca cao đã được thông qua”.

Theo Ban quản lý dự án ca cao Bến Tre, đến nay toàn tỉnh hiện có 3.000 ha ca cao, trong đó có khoảng 1.900 ha trồng xen trong vườn dừa, 1.095 trồng xen trong vườn cây ăn trái. Số diện tích ca cao đang cho trái là 1.000 ha, năng suất bình quân 1-2,5 tấn/ha. Sau gần 8 năm phát triển, mở rộng diện tích, hạt ca cao trồng tại Bến Tre được Công ty Mastefood kiểm nghiệm đạt chất lượng tốt với các chỉ số 86% lên men hoàn toàn, cảm quan tốt, vị hơi chua.

Gần đây, Tập đoàn Cargill tại Việt Nam cũng đã đưa mẫu ca cao trồng ở Bến Tre đi phân tích tại Mỹ, cho thấy chất lượng rất tốt với hàm lượng béo đạt 55% - 56%. Từ kết quả trên, có thể khẳng định chất lượng hạt ca cao trồng tại VN nói chung và riêng Bến Tre đạt loại hàng đầu châu Á.

Nhiều mô hình thuyết phục

Từ năm 2004-2006, được sự tài trợ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ qua tổ chức ACDI/VOCA, Bến Tre đã hình thành hệ thống trồng và thu mua, sơ chế tại địa phương. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre Nguyễn Trung Chương cho biết, “bà đỡ” cho cây ca cao trồng tại Bến Tre còn phải kể đến Chương trình phát triển cây ca cao bền vững từ Dự án Success Alliance của Tổ chức ACDI/VOCA.

Dự án này không những đã giúp Bến Tre đào tạo cán bộ kỹ thuật mà còn tập huấn cho hàng ngàn nông dân tỉnh nhà. Đây là lực lượng nông dân tiên phong, đã trở thành nòng cốt, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế vườn.

Với dự án trên, trước nhất là cách tổ chức triển khai để khôi phục và phát triển lại ca cao mang tính khoa học và hiệu quả cao. Tạo được niềm tin cho nông dân. Góp phần tăng cường nguồn nhân lực cho cộng đồng. Xây dựng thành công quy trình sản xuất ca cao khép kín từ khâu quản lý sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác đến quy trình sơ chế lên men, tạo cầu nối giữa nông dân với các công ty thu mua.

Đến nay, với nỗ lực lớn của Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, Dự án phát triển ca cao tại Bến Tre đã thành lập được 137 câu lạc bộ với 5.800 nông dân tham gia. Hình thành 14 vườn mẫu, 18 điểm trình diễn, 8 điểm chế biến lên men. Chuyển giao kỹ thuật cho 7 vườn ươm giống.

Từ đó đã trồng mới 1.580 ha ca cao với hệ thống canh tác đúng kỹ thuật, được quốc tế công nhận. Đặc biệt, các mô hình phát triển cây ca cao tại Bến Tre đã trở nên thuyết phục, là nơi nghiên cứu học tập của nhiều nơi.

Từ năm 2000, ông Đoàn Minh Sương, một hộ trồng dừa tại ấp An Phú, An Khánh (Châu Thành), đã nhận trồng xen 400 cây ca cao giống do Trường ĐH Nông Lâm TPHCM hỗ trợ, ông nói: “Tôi là thương binh. Sau ngày giải phóng, cũng trên mảnh vườn này, tôi đốn hết cây này lại trồng cây kia. Tất cả đều không khá nổi!.. Từ năm 2000 đến nay, may nhờ cây ca cao “tái xuất giang hồ”, giá hạt ca cao luôn ổn định ở mức từ 25.000 đồng/kg trở lên nên tôi có thu nhập tương đối khá”.

Theo tính toán của ông Sương, 1 ha vườn dừa chỉ thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm nhưng nếu trồng xen thêm ca cao, thu nhập tăng lên 50 triệu đồng/ha/năm.

Đầu ra rộng mở

Ước mơ vàng từ cây ca cao ảnh 2

Niềm vui thu hoạch ca cao.

Những năm trước đây, nông dân chưa mạnh dạn trồng ca cao vì cho rằng ca cao chưa có đầu ra ổn định, nhưng nay đã khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng trạm thu mua hạt ca cao của Công ty TNHH Ca Cao ED & F Man Việt Nam đặt tại xã An Khánh (Châu Thành) cho biết: “Hiện trạm đã mở rộng gần 40 điểm thu mua hạt ca cao tại huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Chợ Lách và thị xã Bến Tre. Công ty Cargill (Hoa Kỳ) cũng có hàng chục điểm thu mua hạt ca cao đặt tại các huyện trên.

Cuộc cạnh tranh thu mua hạt ca cao tại Bến Tre cứ nóng lên dần và vào tháng 3-2008, hạt ca cao đã thực sự lên cơn sốt với giá ở ngưỡng cửa 40.000 đồng/kg hạt, tăng gần gấp 2 lần so với 3 năm trước đây. Nguyên do hạt ca cao có giá, nông dân trồng ca cao đang có lãi cao vì sản lượng hạt hiện cung không đủ cầu cho các nhà máy chế biến”.

Một tin vui khác đối với nông dân đang và sắp trồng ca cao là vào tháng 2-2008, Bến Tre đã cấp giấy phép đầu tư cho Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến ca cao tại khu công nghiệp Giao Long. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư là 584 tỷ đồng, công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào tháng 8-2008.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh: “Dự án trồng 10.000 ha ca cao tại Bến Tre đang được đẩy mạnh theo chiều hướng thuận lợi. Từ thành công bước đầu, Bến Tre sẽ tận dụng mọi nguồn lực để nhân rộng các mô hình đã có đến 66 xã của huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày và Bình Đại, với khoảng 11.400 hộ tham gia. Trong đó Châu Thành nâng lên 2.500 ha, Giồng Trôm 3.000 ha, Mỏ Cày 3.000 ha, Bình Đại 1.500 ha. Dự kiến năm 2008 toàn tỉnh trồng thêm 3.000 ha, năm 2009 trồng 3.000 ha và năm 2010 trồng 1.078 ha”.

Để mở rộng diện tích trồng ca cao tại Bến Tre, những biện pháp sau đây đang được ngành nông nghiệp và nông dân hết sức chú trọng: quản lý chặt chẽ việc sản xuất và cung cấp giống. Hướng dẫn nông dân tiếp cận các giống có năng suất, chất lượng cao. Tiếp tục chính sách hỗ trợ 40% kinh phí cho cây giống và hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Xây dựng quy chế quản lý chất lượng hạt ca cao. Liên kết, tiếp cận thị trường giữa nông dân và các công ty chế biến để tạo đầu ra ổn định. 

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục