A Ma Ben và hành trình tỷ phú

A Ma Ben và hành trình tỷ phú

Vào những năm 1990, giá cà phê trên thị trường tăng cao, người dân Tây Nguyên đua nhau tăng diện tích trồng cà phê khiến cây cao su dù đã đến thời điểm thu hoạch cũng bị chặt bỏ vì giá quá thấp. A Ma Ben, một người dân tộc Ê đê có đến 85ha cây cao su nhưng A Ma Ben vẫn quyết định không chặt bỏ. Giờ đây, đất đã không phụ lòng người.

Thử thách
 

A Ma Ben và hành trình tỷ phú ảnh 1
A Ma Ben bên chiếc ô tô mới mua

Theo chân anh Ngô Minh Thành (Phó Chủ tịch UBND xã Cư Bao, huyện K Rông Búc, tỉnh Đak Lak), chúng tôi băng qua những cánh rừng cao su xanh mơn mởn vừa qua mùa thay lá mới. Sau 30 phút vững tay lái, chúng tôi đến một cái lều khá rộng ở giữa rừng cao su.

Lúc này, anh Thành mới bảo: “Đây là cái lều mà A Ma Ben dựng lên để cho công nhân ăn cơm và nghỉ ngơi sau giờ làm. Còn muốn đi hết rừng cao su của A Ma Ben thì các chú phải đi bằng ngần ấy quãng đường nữa”. Chúng tôi dựng xe trước cổng trại. Một người đàn ông khoảng chừng 50 tuổi, dáng người thấp, làn da đen sậm và rắn chắc bước ra. Anh Thành chào “Bố” rồi giới thiệu cho chúng tôi biết đó chính là A Ma Ben.

Rót chén chè xanh mời chúng tôi, A Ma Ben bắt đầu kể về câu chuyện làm giàu của mình: “Năm 1989, nhận chủ trương trồng cây cao su tiểu điền của Công ty Cao su Đak Lak, gia đình tôi lúc ấy đã có 6ha cà phê nhưng vẫn mạnh dạn nhận thêm 85ha đất để trồng cao su. Nhiều người trong buôn cho rằng gia đình tôi “tham lam không đúng, nhận nhiều rồi làm không nổi đâu, cuối cùng bỏ phí tiền của cho mà xem”.

“Khó khăn nhất là vào những năm giá cà phê lên cao tận đỉnh nhưng giá cao su lại “ngã ngựa” (12.000đ/kg, năm 1997), vườn cao su của tôi mới cho thu hoạch nên năng suất không cao, tiền bán mủ cao su không đủ trả lương cho công nhân. Tôi phải xuống tận Quảng Ngãi để thuê người lên cạo mủ.

Nhiều đêm tôi suy nghĩ mãi mà không ngủ được. Giữ lại vườn cao su hay bán đi cho xong? Bán thì rồi đây cà phê xuống giá và cao su lại lên giá thì sao? Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi quyết định vẫn giữ lại vườn bằng cách lấy tiền thu được từ cây cà phê đem đầu tư cho cây cao su”, A Ma Ben kể tiếp.
 
Gia đình A Ma Ben vào thời điểm này có tới 10 miệng ăn, hai vợ chồng và 8 đứa con đang đến tuổi ăn, tuổi học nhưng chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ 6ha cà phê. May mà giai đoạn đó giá cà phê cao nên gia đình A Ma Ben không phải bị đói.
 
Làm từ thiện giữa buôn nghèo

Giờ đây đã trở thành một “tỷ phú cao su”, thu nhập đến vài tỷ đồng mỗi năm nhưng A Ma Ben chẳng bao giờ quên những ngày tháng gian nan mà mình đã từng trải. Do đó, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho 60 công nhân (chủ yếu là người đồng bào dân tộc Ê đê ở cùng buôn) có thu nhập ổn định từ 2,5-2,7 triệu đồng/tháng, có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm hàng năm, A Ma Ben còn là người đi đầu trong công tác từ thiện.

A Ma Ben đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cùng với xã và nhân dân làm đường giao thông, xây dựng nhà tình nghĩa, làm nhà bia, nhà đại đoàn kết… Ngoài ra, A Ma Ben còn thường xuyên giúp đỡ người dân trong thôn bằng nhiều cách khác nhau như: mua heo giống tặng cho bà con, ủng hộ gạo cho các hộ nghèo khi mất mùa, giáp hạt, cho người nghèo vay không lấy lãi…

Ông Y Bót, một nông dân nghèo sống ở buôn K rum, xã Cư Bao được tặng căn nhà trị giá 29 triệu đồng từ tiền đóng góp của A Ma Ben, nói trong xúc động: “Cả đời tôi làm lụng vất vả, nuôi cho các con ăn không bị đói đã là khó lắm rồi, việc mơ đến một ngôi nhà to, đẹp như thế này thì chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Bây giờ không phải sống trong những căn nhà tạm bợ như trước tôi vui lắm”.

Hoàng Trung Ngọc

Tin cùng chuyên mục