“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” - Bài 1: Chuyện “tam nông” ở vùng đất ông Thoại

Hội nghị “Diên Hồng” nơi rốn lũ
“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” - Bài 1: Chuyện “tam nông” ở vùng đất ông Thoại

Huyện Thoại Sơn là vùng đất do ông Thoại Ngọc Hầu đi khai hoang phá thạch mà có. Chúng tôi đi qua con kênh Thoại Hà mà ngày xưa ông đã đào để đưa nước vào vùng đất hoang hóa cho dân làm ruộng để sang viếng tượng ông Thoại dưới chân núi Sập, trước khi về vùng “lẫm lúa” An Giang. 

Nếu huyện Chợ Mới được ví như “vương quốc màu” thì huyện Thoại Sơn là “vương quốc lúa” của An Giang. Mùa này ở An Giang đang là mùa nước nổi. Trên đường vào Thoại Sơn những con đường đê nước lấp xấp hai bên bờ mà chỉ cần cơn mưa to là nước tràn trắng mặt đê.

Nhưng đến vùng đất thuộc huyện Thoại Sơn thì mọi thứ đều khô ráo. “Vùng này xưa là núi sao mà nhà cửa khô ran vậy?”, tôi hỏi. Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, Đoàn Minh Triết, cười. Và câu chuyện “nước ôm đê, đê ôm lúa” của anh bắt đầu dẫn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang thích thú khác.

Hội nghị “Diên Hồng” nơi rốn lũ

Đứng trên “nóc núi Sập” mùa nước nổi chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa của 6 chữ “nước ôm đê, đê ôm lúa” mà Thoại Sơn đã làm. Nước trắng xóa mênh mông ôm lấy một vùng lúa xanh mơn mởn của vụ 3 ở Thoại Sơn với những ngôi nhà ngói đỏ và những cây cầu bé tí bắc ngang những con rạch chảy xiết.

Thoại Sơn là vùng trũng của Tứ giác Long Xuyên lại ở đầu nguồn nên thường bị lũ uy hiếp và chụp đồng. Khi nhìn những cánh đồng lúa bị lũ dìm trắng trong tháng 8, tháng 9 hàng năm, nhìn cảnh dân ngất xỉu nằm “xếp lớp” trong trạm xá vì nghèo trắng tay bởi lũ thì lãnh đạo tỉnh, huyện đã trăn trở rất nhiều để nghĩ phương án cứu dân vùng trũng Thoại Sơn bằng đê bao.

Năm 1988, Thoại Sơn bắt đầu cuộc “cách mạng thủy lợi” và chính thức giã từ làm 1 vụ lúa lệ thuộc vào nước trời. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Văn Hơn và Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thận lập nhiều đoàn công tác đi thực địa nhiều lần, nhiều vùng và cuối cùng Tỉnh ủy ra Nghị quyết 02 về tam nông và chọn xã Tây Phú, xã vùng sâu vùng xa huyện Thoại Sơn làm thí điểm.

Năm 1990, Thoại Sơn đã đào xong 52 con kênh cấp 2 và 350 tuyến kênh nội đồng, đường nội thị, đường liên xã, liên ấp được làm “nhanh vù vù” vì dân không những không đòi bồi thường khi đất nhà được trưng dụng để làm đường, làm trạm xá, trường học mà còn tự nguyện đóng góp chi phí.

Tuyến đê bao kiểm soát lũ triệt để dài 750km với 350km đường bê tông được làm với thỏa thuận ký kết giữa dân và chính quyền là 5/5. Tuyến đê làm xong, lập tức năng suất để chuyển từ 1 vụ lúa nước nổi sang 2 vụ lúa/năm.

Năm 1991, Thoại Sơn chuyển sang làm 3 vụ lúa/năm với mô hình đa canh linh hoạt (làm lúa xen với trồng màu, nuôi tôm, cá đồng trên ruộng lúa...) năng suất tăng từ 400.000 tấn/năm lên 600.000 tấn/năm. Trẻ đến tuổi đều đến lớp và Thoại Sơn không chỉ phổ cập cấp 2 mà đang nỗ lực phổ cập cấp 3 và số cháu vào đại học năm sau luôn cao hơn năm trước.

“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” - Bài 1: Chuyện “tam nông” ở vùng đất ông Thoại ảnh 1

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Đức bên kho lúa 120 tấn.

Những năm 1991, 150km đường nội huyện được gắn đèn chiếu sáng trưng. Sinh hoạt ban đêm của dân Thoại Sơn phong phú hẳn lên. Người ngoài huyện đến Thoại Sơn ban đêm đã ngỡ mình đi lạc ở TP Long Xuyên vì ở huyện “nhà quê” sao mà đèn đuốc sáng trưng, nhạc hát ì xèo khắp phố.

Năm 2000, cơn lũ kinh hoàng ập đến, tràn qua tuyến đê bao và phủ trắng đất Thoại Sơn. Lúa chết, trẻ em lại chết vì lũ, cuộc sống dân Thoại Sơn lại lao đao vì lũ.

Chính quyền họp dân và trong hội nghị ấy mọi người đều đồng lòng phải làm 300 cống hở, 500 cống tròn để điều tiết thủy lợi với tỷ lệ góp vốn 6/4. 40% chi phí làm cống của huyện dự định là được trích lại từ thuế nông nghiệp.

Đùng một cái, thuế nông nghiệp được bãi bỏ, thế là 150 tỷ đồng trở thành món nợ khổng lồ không của riêng ai trong huyện Thoại Sơn. Lại họp dân và huyện “xin ý kiến” nhân dân cho thu một số khoản tiền để trả nợ cống. Cả huyện từ lãnh đạo đến dân đồng lòng thắt lưng buộc bụng để trả nợ.

Nhưng từ hàng trăm chiếc cống ấy, sản lượng lúa tăng, tôm càng xanh, cá đồng trúng mùa ào ào. Đời sống nông dân khá lên thấy rõ trên những dãy nhà tường, trên số lượng xe gắn máy tăng nhanh và trên hàng loạt thuyền, canô bằng nhựa composit chạy “xanh cả mặt nước” (các chiếc thuyền bằng composit đều màu xanh).

Trước 1990, dân Thoại cứ đến tháng 8-9 lo ngay ngáy vì sợ lũ sẽ nhấn chìm tất cả ruộng lúa. Trẻ con chỉ cần cha mẹ sơ sểnh một chút là chết trong nước lũ. Bây giờ thì chuyện nước lên nước xuống không còn tùy trời nữa mà tùy sự điều tiết của hàng trăm cống hộp trên tuyến đê bao vừa xây dựng.

Đầu năm 2008, huyện Thoại Sơn đã trả hết nợ.

Bây giờ, người nông dân Thoại Sơn chính thức làm chủ cuộc sống ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

Ly nông bất ly hương

Câu chuyện của chúng tôi dừng lại và bất ngờ rẽ  sang chuyện tích tụ ruộng đất khi một người dân đến liên hệ công việc ở huyện gọi điện thoại di động cho một người xịt thuốc thuê trên đồng lúa nhà anh. Hỏi ra mới biết chuyện tích tụ ruộng đất ở Thoại Sơn có từ lâu. Chuyện bắt đầu từ khi nhà nước có chủ trương chia lại ruộng đất cho nông dân, theo định mức 3 công/người.

Khi ấy, nỗ lực lắm thì nông dân cũng chỉ đủ ăn và ráng cho con đi học. Một số nông dân làm ăn giỏi đã mua lại ruộng của số nông dân làm ăn không khá. Việc tích tụ ruộng đất dù không công khai nhưng đã diễn tiến âm thầm từ hàng chục năm qua.

Như chuyện anh nông dân Nguyễn Hữu Đức, biệt danh Hai Ù ở xã Định Mỹ. Xuất thân từ người đi cày thuê, với vốn đầu tay là 4 con bò. Hai Đức cặm cụi đi cày, ai mướn bao nhiêu anh cày “cái rụp” một buổi là xong. Thuở đó, người ở kênh Thoại Hà có đôi bò cày ngày 5 công là hay.

Riêng Hai Ù nhờ chịu cực, cày luôn “buổi đứng” (giữa trưa) đến sẩm tối nên được 15 công! Dân có bò đi cày mướn cũng “ngả nón” chào anh Hai! Chí thú làm ăn, trời lại cho sức khỏe hơn người nên công việc người ta làm cả buổi, còn anh Đức chỉ làm ù một cái là xong, từ đấy, anh có tên Hai Ù.

Cha mẹ vợ cho vợ chồng anh 5 công ruộng làm vốn. Chỉ vài năm sau, vợ chồng Hai Ù mua thêm 2 công khác, gần đường đê. Cứ thế, bây giờ thì vợ chồng anh Hai Ù đã có trong tay 14ha ruộng với năng suất cao nhất vùng.

Vụ lúa hè-thu vừa rồi, giá lúa xuống còn 4.000 đồng/kg, anh Hai Ù không thèm bán, anh nói tỉnh rụi: “Tui ví (cất) 120 tấn lúa chừng nào được giá thì bán”. Con cái học đại học, anh đang cho thằng lớn học lái xe hơi để nhà mua cái xe ô tô riêng đi tỉnh cho dễ. Dân của xã Định Mỹ nhà nào cũng có ít nhất 1 xe gắn máy, 1 điện thoại di động và truyền hình màu.

Anh Dương Ngọc Lắm, CT UBND xã Định Mỹ định dẫn chúng tôi đi tham quan các hộ có diện tích đất tích tụ trên 10ha nhưng chúng tôi đành xin thôi vì để đi hết các hộ có trên 10ha ruộng,chúng tôi phải đi đến ngày hôm sau mới hết!

“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” - Bài 1: Chuyện “tam nông” ở vùng đất ông Thoại ảnh 2

Nông dân xã An Bình huyện Thoại Sơn truy cập thông tin trên internet. Ảnh: THÁI BẰNG

“Người có diện tích đất sản xuất lớn sẽ có điều kiện đưa khoa học kỹ thuật canh tác như chương trình “3 giảm, 3 tăng”, áp dụng IPM vào đồng ruộng. Trình độ canh tác, kinh nghiệm sản xuất chắc chắn sẽ cao hơn người ít đất” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn - Đoàn Minh Triết nói thế.

UBND huyện Thoại Sơn đã tính đến chuyện thí điểm cho người có diện tích đất sản xuất lớn thuê những mảnh ruộng nhỏ kế bên để tạo ô ruộng lớn, có thế mới đưa cơ giới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào ruộng được.

Đây được xem là một “ý tưởng” liên kết mới, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn với các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ở Thoại Sơn.

“Người nông dân nghèo bị đẩy ra khỏi ruộng họ làm gì sống và không lẽ sau khi ly nông họ sẽ phải ly hương ?”, thay vì tranh cãi, PCT Đoàn Minh Triết kể chuyện tích tụ ruộng đất ở Thoại Sơn.

“Miếng ruộng nào cũng nhỏ xíu xiu làm sao đưa máy móc vào được. Thuê đất, người ta thuê luôn cả chủ đất, thế là ngoài tiền cho thuê đất, chủ đất vẫn làm bằng ấy công việc hàng ngày nhưng những nông dân vẫn làm công việc hàng ngày trên chính đất mình mà vẫn có tiền công, con cái họ thì bung ra đi làm ở các nhà máy. Thu nhập tăng thấy rõ mà đời sống lại ổn định không sợ mất mùa đến nỗi phải bán đất. Đất mình vẫn là của mình mà”, PCT huyện Đoàn Minh Triết chấm dứt phần “phản biện” của mình bằng câu nói chắc nịch: “Dân Thoại Sơn ly nông nhưng không ly hương”.

Trên đường về, chúng tôi ghé xã An Bình để thăm những nông dân @ của Thoại Sơn. Mưa trắng trời mà trong quán cà phê có tên “Khuyến nông @” (cặp bên hông UBND xã) một nhóm nông dân đang truy cập internet tìm hiểu về các biện pháp canh tác tiên tiến và thăm dò giá lúa.

Anh Bảy, một nông dân thực hiện thao tác trên máy vi tính cũng rất nghề đã chỉ cho mọi người xem thông tin mới nhất về giá lúa và đọc to các cảnh báo để nhận biết về phân bón giả cho mọi người cùng nghe.

Ông Út Sơ (Lê Văn Sở, ấp Sơn Hiệp, xã An Bình) đã gần bước vào tuổi thất thập “cổ lai hy”, nhà có hơn 10 mẫu đất cũng thường xuyên đến đây để ghi chép các thông tin về chống rầy nâu, phòng ngừa bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trên lúa.

Hình ảnh những ông già bới tóc củ tỏi như Út Sở đã quen thuộc ở quán cà phê Khuyến nông @! Phải chăng chuyện cho “người giàu” thuê đất trồng lúa là một hướng đi cần thiết của Thoại Sơn!?

Phạm Thục – Cao Phong - Minh Trường

Thông tin liên quan

- Bài 2: Cà Mau Ngọt – mặn đôi bờ

- Bài 3: Cà Mau: Ưu tư còn lại của câu chuyện lúa - tôm

- Bài 4: Củ Chi và chuyện bên dòng kênh Đông

Tin cùng chuyên mục