Về Trà Vinh vui lễ Đolta!

“Sức bật 135”
Về Trà Vinh vui lễ Đolta!

Từ ngày 28 đến 30-9, cùng với 1,2 triệu đồng bào Khmer Nam bộ, bà con Khmer ở tỉnh Trà Vinh nô nức đón lễ Đolta (Pithi Sêne Đolta). Đây là lễ lớn thứ hai sau Tết Chol Chnăm Thmây (vào năm mới). Lễ Đolta năm nay, đồng bào Khmer Trà Vinh phấn chấn trong niềm vui “lúa được mùa, đậu phộng trúng giá”…

“Sức bật 135”

Mừng lễ Sêne Đolta năm nay, hơn 300.000 người Khmer ở Trà Vinh có nhiều niềm vui mới. Tỷ lệ hộ nghèo giữa 2 mùa Đolta (tròn 1 năm) được kéo giảm xuống hơn 4%. Tại buổi họp mặt 400 đại biểu là cán bộ người Khmer tiêu biểu, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với nước, đại diện Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức ở các chùa Khmer trong tỉnh mừng lễ hội cổ truyền Sêne Đolta.

Ông Thạch Dư, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, phấn khởi cho biết kết quả chuyển biến đời sống của đồng bào Khmer: “Từ đầu năm đến nay, tỉnh Trà Vinh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư trên 23 tỷ đồng, xây dựng 83 công trình cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh đã giải ngân 3 tỷ đồng cho gần 900 hộ đồng bào dân tộc vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống…”.

Về Trà Vinh vui lễ Đolta! ảnh 1

Niềm vui trúng mùa đậu phộng của đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh.

Năm 1992, khi mới tách ra khỏi tỉnh Cửu Long, tỉnh Trà Vinh đối mặt với nhiều khó khăn bởi hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi. Được sự đầu tư của Chương trình 135, đến nay các xã có đông đồng bào Khmer đều có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, một số khu vực có thể sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm; các xã đều có điện sử dụng, hệ thống trường lớp được kiên cố hóa... Hiện Trà Vinh có 95% hộ được sử dụng điện và 87% hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Về ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), nơi có 99% bà con là người Khmer, chúng tôi được “già làng” Thạch Sane kể về chuyện sản xuất và đời sống sau 2 năm thực hiện mô hình “4 nhà cùng nhau ra đồng” trong niềm phấn chấn: “Nhiều thế hệ đi qua, nông dân trồng lúa ở đây chưa bao giờ đạt năng suất hơn 5 tấn/ha. Vậy mà bây giờ, 4 vụ lúa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo mô hình “4 nhà cùng nhau ra đồng” đều thắng lớn, năng suất đạt bình quân 6,3 đến 6,5 tấn/ha, nhiều hộ thâm canh giỏi đạt năng suất 7,99 tấn/ha, thu nhập người dân tăng 1,5 lần so trước năm 2006. Chỉ với 110ha sản xuất theo mô hình “né rầy”, 4 vụ liền nông dân Cầu Tre thu lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng. Một kết quả tưởng chừng trong mơ”.

Rồi “già làng” Thạch Sane khẳng định chắc nịch với chúng tôi: “Không lâu đâu, người Khmer Cầu Tre sẽ thoát nghèo!”.

Nhà tình thương - đất tình thương

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 31.678 hộ Khmer được trợ giúp về nhà ở với mức 5,5 triệu đồng/nhà (Chương trình 134); trong đó, 5.500 hộ sau khi nhận nhà còn được trợ giúp mỗi hộ hai con bò sinh sản, có giá trị 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên ổn định cuộc sống. Riêng 338 hộ Khmer nghèo cầm cố đất được trợ giúp 872 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để chuộc 112ha đất. Tỉnh cũng vận động hơn 1.000 hộ cho 1.400 hộ Khmer mượn 660ha đất để sản xuất...

Vợ chồng nông dân Thạch Sa Rây và Thạch Thị Anh, hộ nghèo nhất ấp Nô Lựa B (xã  Nhị Trường, huyện Cầu Ngang), sau 3 năm “an cư lạc nghiệp” trong ngôi nhà tình thương do nhà nước cấp đang tất bật mở rộng nhà để đón Đolta 2008.

Anh Thạch Sa Rây không giấu niềm vui: “Có được hôm nay là nhờ nhà nước hỗ trợ. Từ 2 con bò cái ban đầu nay đã được thêm 5 con. Bán 5 con bò được 20 triệu đồng, cộng thêm tiền tích lũy từ nghề mua bán củi, vợ chồng tôi mở rộng mái ấm tình thương”. Vợ anh kể tiếp: “Lúc trước nghèo đi mua 2 - 3 lon gạo thiếu, người ta không bán vì sợ không có tiền trả. Tủi thân vợ chồng tằn tiện, mót mái làm ăn và được nhà nước giúp đỡ, giờ thì đuổi nghèo rồi” .

Cùng với chính sách trao nhà tình thương, trợ giống, trợ vốn, trợ giá của nhà nước, phong trào “Lá lành đùm lá rách”, cho mượn đất sản xuất giúp nhau thoát nghèo trong cộng đồng Kinh – Khmer lan tỏa rộng khắp. Câu chuyện thoát nghèo của anh Thạch Hương, ấp Sóc Chuối (xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang) là một điển hình.

Anh Thạch Hương bồi hồi kể: “Lập gia đình năm 1985, cha mẹ hai bên nghèo không để lại một cục đất. Vợ chồng làm thuê, làm mướn suốt năm mà đến ngày tết, ngày Đolta không đủ tiền làm một mâm cơm đàng hoàng để cúng ông bà. Thấy gia cảnh tôi nghèo, năm 2006 nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng nuôi bò, năm 2007 nhà nước cấp cho nhà tình thương. Cảm động hơn là nhờ ông Phạm Hữu Đê, người cùng ấp, tốt bụng cho mượn 8 công đất sản xuất đậu phộng 2 năm liền. Trúng đậu, bò trúng giá, giờ thì tôi mua được 2 công đất sản xuất, 1 xe gắn máy. Gia đình hết nghèo rồi”.

Đình Cảnh

Tin cùng chuyên mục