Cuối năm, chống buôn lậu ở Long An: Nơi chìm, nơi nổi

Mộc Hóa “chìm”
Cuối năm, chống buôn lậu ở Long An: Nơi chìm, nơi nổi

Cách TPHCM chỉ vài chục km, nhưng tỉnh Long An lại có đường biên giới dài trên 137km, trong đó biên giới đường bộ hơn 104km, biên giới đường sông hơn 33km. Đối diện biên giới Long An là hai tỉnh Svây Riêng và tỉnh Prây Ven của Campuchia. Tình hình buôn lậu ở vùng biên giới Long An đang rơi vào trạng thái nơi nổi, nơi chìm.

Mộc Hóa “chìm”

Mộc Hóa từ lâu nổi tiếng là địa bàn có đến hàng trăm đối tượng chuyên đi vác mướn cho trùm buôn lậu với hai mặt hàng chủ lực là thuốc lá và rượu ngoại. Trùm buôn lậu có nhiều cấp. Trùm nhỏ là dân địa phương thường tổ chức hẳn một đường dây cõng mướn hàng lậu thì trùm lớn trên TPHCM “chỉ đạo” đường dây chuyên đi hàng lậu bằng xe gắn máy, xuồng máy.

Cuối năm, chống buôn lậu ở Long An: Nơi chìm, nơi nổi ảnh 1

Dân buôn lậu đưa hàng từ xuồng máy lên bờ để vận chuyển
vào sâu trong nội địa.


Thế nhưng, lần này lên Mộc Hóa, thật ngỡ ngàng khi Trung tá Nguyễn Văn Chung, lãnh đạo Đồn biên phòng 877 Bình Hiệp, một trong những đồn có cửa khẩu lớn nhất của Long An, tuyên bố buôn lậu năm nay không đáng kể. Cả năm 2008, đồn này chỉ bắt có 4 vụ, trong khi những năm trước lên đến hơn chục vụ.

Lý do buôn lậu năm 2008 giảm, theo Trung tá Nguyễn Văn Chung, do buôn lậu không còn lời như nhiều năm trước đó. Mặt khác, đời sống vật chất, tinh thần của nguời dân vùng biên xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa đã cải thiện nhiều so với trước.

Nếu như năm 2006 cả xã có khoảng 50 người chuyên cõng hàng lậu qua biên giới thì đến nay chỉ còn 7 người. Số tiền họ kiếm được nhờ vào cõng hàng lậu qua biên giới chưa tới 30.000đ/ngày. Cứ vận chuyển trơn tru 1 cây thuốc lá ngoại từ bên kia chợ trời của Campuchia về đến chợ Mộc Hóa khoảng 10km được trả 500đ đến 1.000đ tùy loại. “Mỗi ngày, một người đi trót lọt nhiều lắm được 50 cây là giỏi lắm”, Trung tá Chung khẳng định như thế.

Đức Huệ “nổi”

Nếu như Đồn biên phòng 877 Bình Hiệp khẳng định tình hình buôn lậu ở Mộc Hóa, đang giảm xuống mức thấp nhất thì Đồn biên phòng 865 Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ thừa nhận buôn lậu ở Đức Huệ đang tăng lên so với các đồn khác trong tỉnh Long An. Vì sao vậy?

 Năm 2008, Bộ đội Biên phòng Long An đã bắt giữ 34 vụ buôn lậu, thu giữ gồm: 9.500 gói thuốc lá ngoại các loại, 60 chai rượu ngoại, 17 chiếc điện thoại di động, 2.700 lít xăng, dầu, 1.068 hộp thuốc tân dược, 10.750 USD, 145 con trâu, bò và một số mặt hàng khác... trị giá tổng hàng hóa buôn lậu hơn 1 tỷ đồng.

Tại Đồn biên phòng 865, Trung tá Nguyễn Văn Lùng, Đồn trưởng, cho biết nếu chuyển hàng lậu từ bên kia Campuchia về TPHCM qua đường biên giới huyện Đức Huệ sẽ gần hơn vài chục km, đồng nghĩa rằng giảm được nhiều rủi ro. Nên ở Đức Huệ, giới buôn lậu tung người tăng cường vận chuyển hàng lậu với các mặt hàng thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, trong đó thuốc lá là chủ yếu.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Lùng, con đường của hàng lậu bắt đầu từ quốc lộ 1 của Campuchia xuống huyện Chanh Tia, sau đó tập kết hàng ở Sóc Nóc rồi vận chuyển ra sát biên giới với Long An. Từ Sóc Nóc, hàng lậu được chất lên xuồng máy mũi nhọn, nổ máy chạy tổng lực khoảng 10km ra đến điểm nhận hàng ngay trên sông Vàm Cỏ Đông. Tại điểm hẹn này, hàng lậu được đưa lên ghe lớn, được ngụy trang kín rồi đưa về TPHCM tiêu thụ.

Mặc dù, lực lượng biên phòng Đồn 865 biết rõ được đường đi, nước bước của giới buôn lậu và đã mật phục rất nhiều lần, nhưng bắt được hàng lậu thật không đơn giản. Việc chỉ huy buôn lậu của trùm buôn lậu đã đạt mức chuyên nghiệp với phương tiện hỗ trợ hiện đại như máy bộ đàm, điện thoại di động. Đặc biệt, người được thuê chở hàng lậu khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang, chúng không bỏ chạy như các năm trước mà ngược lại tổ chức thành nhóm đông hàng chục người tấn công lấy lại hàng.

Không những thế, giới buôn lậu còn cả gan đặt vấn đề mua chuộc lực lượng để được tha mỗi khi đánh hàng qua biên giới. Khi mua chuộc không được, giới buôn lậu liền thuê người canh gác ngay trước lối ra vào của bộ đội biên phòng. Người này có nhiệm vụ khi thấy người và xe từ trong đồn chạy ra, theo hướng nào là thông báo bằng điện thoại di động cho đồng bọn ngay lập tức.

Bộ chỉ huy biên phòng nói gì?

Trao đổi về công tác chống buôn lậu của lực lượng biên phòng Long An, lãnh đạo Bộ Chỉ huy biên phòng Long An cho biết, năm 2008, quy mô hoạt động buôn lậu không lớn, lượng hàng lậu vận chuyển qua biên giới từng vụ không nhiều, giá trị không cao nhưng hoạt động diễn ra hằng ngày và thường xuyên.

Năm 2009, Bộ đội Biên phòng Long An xây dựng kế hoạch tiếp tục tổ chức tuần tra, kiểm soát, mật phục, ngăn chặn trên tuyến biên giới đường sông và các tuyến đường, hướng, địa bàn, khu vực trọng điểm ở tuyến Đức Huệ, Mộc Hóa. Làm tốt công tác điều tra, sưu tra đối tượng buôn lậu, theo dõi quản lý chặt chẽ số đối tượng có tổ chức đường dây buôn lậu chuyên nghiệp, số chủ mưu, cầm đầu để có đối sách phù hợp với từng loại đối tượng. Đi sâu sử dụng biện pháp trinh sát để lập án đấu tranh, đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Đại tá Nguyễn Văn Muộn, Trưởng phòng Trinh sát thuộc Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Long An cho biết, mỗi ngày lượng hàng lậu được vận chuyển về các chợ trời biên giới đối diện với Long An từ 7 đến 10 tấn. Hàng hóa chủ yếu là thuốc lá ngoại, điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, đồ gia dụng. Tất cả số hàng trên đều được các đối tượng buôn lậu tìm cách vận chuyển nhập lậu qua biên giới đưa vào TPHCM để tiêu thụ. 

Đáng chú ý nhất là trong 6 tháng cuối năm 2008 nổi lên tình hình buôn bán, vận chuyển trâu, bò nhập lậu qua biên giới trái phép. Số trâu, bò này được các đối tượng buôn lậu vận chuyển từ Thái Lan qua Campuchia đưa vào Việt Nam để giết mổ tiêu thụ trong dịp tết.

Theo Đại tá Muộn, qua điều tra biên giới Long An có trên 60 đối tượng buôn lậu, trong đó có khoảng 15 đối tượng chuyên nghiệp bỏ tiền ra thuê mướn dân biên giới mang vác hàng lậu. Số còn lại buôn bán nhỏ lẻ, phần lớn là dân nghèo không có công ăn việc làm.

Qua trao đổi với Bộ đội Biên phòng Long An, rõ ràng công tác phòng chống buôn lậu ở Long An còn nhiều gay go, nếu nơi này tình hình buôn lậu chìm xuống thì nơi khác lại nổi lên. Tuần tra, mật phục cũng chẳng qua là biện pháp ngăn chặn trước mắt. Về lâu dài, để không còn xảy ra tình trạng buôn lậu thì đương nhiên giá cả hàng hóa hai bên không còn chênh lệch lớn.

Từ biên giới về trên con đường đất đỏ lầy lội, ngồi trên xe lắc lư theo từng ổ voi do cơn mưa lớn trái mùa để lại, chúng tôi nhớ câu nói bộc bạch chân tình của một lão nông sống gần 80 năm ở xã biên giới Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ: “Nếu buôn lậu không còn lời thì ai thèm đi?”. 

Nguyễn Bình Tây

Tin cùng chuyên mục