Cho đi, cuộc đời sẽ trẻ mãi…

Hơn 20 năm trước, ông cùng đồng nghiệp mải miết vận động từng đơn vị máu. Bây giờ, ông lại miệt mài đi tìm tài trợ giúp bệnh nhân từ 6 đến 21 tuổi bị các chứng bệnh tim bẩm sinh. Người đàn ông hơn 60 tuổi có dáng vẻ gầy gầy ấy, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, mái tóc vẫn đen lắm. Với ông, “cuộc đời sẽ phơi phới khi chúng ta tự nguyện cho đi…”.
Cho đi, cuộc đời sẽ trẻ mãi…

Hơn 20 năm trước, ông cùng đồng nghiệp mải miết vận động từng đơn vị máu. Bây giờ, ông lại miệt mài đi tìm tài trợ giúp bệnh nhân từ 6 đến 21 tuổi bị các chứng bệnh tim bẩm sinh. Người đàn ông hơn 60 tuổi có dáng vẻ gầy gầy ấy, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, mái tóc vẫn đen lắm. Với ông, “cuộc đời sẽ phơi phới khi chúng ta tự nguyện cho đi…”.

Nhân ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4, mời bạn đọc cùng chúng tôi điểm lại “hành trình máu” của ông...

“Của để dành”

Nửa đêm một ngày hè năm 1998. Một du khách người Đức bị tai nạn giao thông. Vị khách nước ngoài được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời. Tuy nhiên, các bác sĩ (BS) cho biết, bệnh nhân này thuộc nhóm máu hiếm (Rh–). Bệnh viện không có loại máu này, phải làm sao bây giờ?

 
Cho đi, cuộc đời sẽ trẻ mãi… ảnh 1

Máu và chế phẩm từ máu không thể thiếu trong việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: H.C.

Điện thoại lập tức đổ về Phòng Hiến máu nhân đạo - Hội Chữ thập đỏ TP, nơi BS Huỳnh Tấn Mẫm phụ trách. Nhận xong điện thoại, BS Mẫm chau mày, trán rịn mồ hôi. Làm sao bây giờ? Sau một thoáng suy nghĩ, BS Mẫm bất chợt “a lên” một tiếng. “Hùng! Đúng rồi! Hùng – Giám đốc Trung tâm Thể dục - Thể thao quận 1”. Vậy là cũng ngay lập tức, BS Mẫm gọi điện thoại đến “cầu cứu” người đàn ông tên Hùng – khi đó cũng là thành viên hiến máu dự bị, người có cùng nhóm máu hiếm với bệnh nhân người Đức.

“Vào giờ đó, chung cư nơi anh Hùng ở đã đóng cửa. Mẹ anh Hùng lại đang ngủ ở phòng trước, sợ đánh thức mẹ dậy nếu đi ngang qua phòng của bà nên anh đã leo rào đi qua Phòng Hiến máu nhân đạo. Người phụ trách lấy máu đêm đó ngạc nhiên trước một hình ảnh vừa quen vừa lạ khi tiếp nhận 2 đơn vị máu từ một người tình nguyện mặc quần đùi, ở trần”, BS Mẫm khẽ cười.

Rồi BS Mẫm kể về một trường hợp khác. “Quá lâu rồi nên không còn nhớ được tên, chỉ nhớ là người đàn ông ấy ở Phú Nhuận và làm trong lĩnh vực sản xuất cao su. Đó là một bệnh nhân may mắn thoát chết sau ca mổ sỏi thận tại Bệnh viện Bình Dân hồi giữa năm 2000”, BS Mẫm nói.

“Bệnh nhân cũng thuộc nhóm máu B (Rh–). Lúc ấy, Bệnh viện Bình Dân báo tin: nếu không có máu truyền thì bệnh nhân chắc chắn sẽ chết, bởi vì cứ truyền máu thường vào là bị tan hết. Máu thường không sử dụng được, huyết áp bệnh nhân ngày càng tụt. Chúng tôi tìm kiếm được một số người trong nước nhưng vẫn không đủ máu vì bệnh nhân cần đến 12 đơn vị máu. Vậy nên mọi người bàn nhau và quyết định đưa tin lên mạng về một trường hợp máu hiếm cần cấp cứu. Gần như ngay lập tức, có phản hồi từ Singapore và Hàn Quốc. May mắn, hôm đó, Hàn Quốc có đường bay thẳng từ Seoul đến Tân Sơn Nhất – TPHCM. 12 giờ khuya, tôi cấp tốc ra sân bay nhận 5 đơn vị máu”, BS Mẫm kể.

Một kỷ niệm khác khiến BS Mẫm càng nhận ra ý nghĩa lớn lao của công việc mình làm. Đó là trường hợp xảy đến với một sản phụ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Sản phụ này bị băng huyết sau sinh. Máu ra dữ dội. Các BS nhận định, nếu bệnh nhân không được tiếp đủ 20 đơn vị máu kịp thời thì sẽ tử vong. Tuy nhiên, để có được 20 đơn vị máu ngay trong đêm là một việc không dễ dàng. Nhận được yêu cầu chi viện, ngay lập tức, máy điện thoại tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo nóng lên. Bằng đủ mọi cách, cuối cùng, trung tâm cũng huy động được 20 anh chị em thuộc đủ thành phần. Và may mắn đã mỉm cười với số phận người sản phụ ấy…

10 năm làm công tác vận động hiến máu nhân đạo (1994-2004), “của để dành” của BS Huỳnh Tấn Mẫm là những thẻ hiến máu đã được cấp mã vạch, một đội ngũ y bác sĩ lấy máu kinh nghiệm và lành nghề, câu lạc bộ hiến máu dự bị và câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm. Trên hết, đó là khoảng thời gian để lại cho BS Huỳnh Tấn Mẫm nhiều hoài niệm sâu sắc.

Khi mới khởi động, các bệnh viện trên toàn TPHCM có nhu cầu khoảng 200.000 đơn vị máu, chương trình vận động hiến máu nhân đạo chỉ có thể cung cấp khoảng 50.000 đơn vị. Nhóm máu hiếm lại càng quý hơn nữa, với 2 - 3 người /10.000 dân.

Điều đó càng khiến BS Mẫm ấp ủ ý định thành lập câu lạc bộ máu hiếm và câu lạc bộ máu hiếm người nước ngoài. Tiếc thay, ý tưởng này phải ngừng lại khi ông về hưu vào năm 2004.

Cho đi là để nhận về...

Những năm đầu của thập niên 90, khi thế giới và Việt Nam “bàng hoàng” trước “cơn đại hồng thủy” HIV/AIDS, giới chuyên môn còn phát hiện rất nhiều loại virus, cũ lẫn mới - từ virus gây bệnh giang mai, sốt rét, đến virus gây viêm gan siêu vi B, virus gây viêm gan siêu vi C… - đang có xu hướng tấn công lan rộng trong cộng đồng.

Cho đi, cuộc đời sẽ trẻ mãi… ảnh 2

Hiện nay, số người tham gia hiến máu nhân đạo tại TPHCM vẫn cao nhất so với cả nước. Ảnh: TR.NG.

Các BS nhận thấy tình hình này đe dọa đến lượng máu sạch để ứng cứu cho người bệnh. Vì vậy, ý tưởng triển khai cuộc vận động hiến máu toàn dân đã được ngành y tế đề xuất lên UBND TPHCM. Và ngày 3-12-1994, phong trào hiến máu nhân đạo đã chính thức được phát động cùng với sự ra đời của Phòng Hiến máu nhân đạo, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TPHCM (ở địa chỉ 201 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1), do BS Huỳnh Tấn Mẫm phụ trách. Rồi BS Mẫm được Hội Chữ thập đỏ cử đi Nhật 2 tháng để tập huấn về chương trình huyết học và vận động hiến máu.

Kể từ đó, phong trào hiến máu nhân đạo tại TP phát triển rất nhanh. Và đến ngày 4-1-1999, Phòng Hiến máu nhân đạo đã được UBND TP nâng cấp thành Trung tâm Hiến máu nhân đạo (Quyết định số 34). Thành quả tiếp theo là chỉ hơn một năm sau đó, ngày 7-4-2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg “Về việc vận động và khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện”, chính thức lấy ngày 7-4 hàng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.

“Thoạt tiên, nhiều người nghĩ vận động hiến máu rất khó, nên chỉ đặt chỉ tiêu 500 đơn vị máu/năm, một đơn vị lúc đó là 250ml máu. Nghĩa là mỗi một phường, một năm đưa lên 2 người. Nhưng chỉ một tuần sau khi phát động, hơn 500 người đã tình nguyện tham gia hiến máu. Năm đầu tiên chúng tôi đạt 10.682 đơn vị máu, góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu của thành phố”, BS Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo - Hội Chữ thập đỏ TPHCM, nhớ lại.

Trong 10 năm, 1994-2004, BS Huỳnh Tấn Mẫm cùng với đồng nghiệp đi vận động được gần 400.000 đơn vị máu. Một phần ông đã chuyển hiến máu tại chỗ thành hiến máu lưu động, nhờ vận động được tiền từ Câu lạc bộ Golf TPHCM để trang bị thêm 5 xe, cùng với 1 xe được đầu tư từ kinh phí của Nhà nước, họ đã đi khắp nơi, từ trường học cho tới các xí nghiệp trên mọi miền Tổ quốc.

Với ông, “hiến máu nhân đạo” hay “hiến máu tình nguyện” đều mang ý nghĩa như nhau. Hiến máu chính là tấm lòng của người cho vì hoàn cảnh ngặt nghèo của bệnh nhân. Liên hiệp quốc đã quy định về việc hiến máu rằng, “người hiến máu phải là người tình nguyện, và không nhận một khoản thù lao nào hết, ngoại trừ một bữa ăn nhẹ và chi phí đi lại theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới”.

Điều làm ông day dứt từ lúc nghỉ hưu đến bây giờ là nhiều người đã dần đánh mất đi ý nghĩa của hai chữ “tình nguyện”.

“Đầu tiên, từ không có gì, chúng tôi phải tự tìm tòi, sáng chế ra thẻ hiến máu, logo của Trung tâm Hiến máu nhân đạo, xe hiến máu nhân đạo, thậm chí, hướng dẫn rèn luyện nhóm làm việc có chuyên môn, kỹ năng giao tiếp tốt, tinh thần đồng đội… Sau đó, với những chính sách khuyến khích vận động hiến máu của Bộ Y tế, nhiều người dần đánh mất ý nghĩa của hai chữ “tình nguyện”. Phần khác, chất lượng máu sẽ kém đi. Bởi vì, người ta sẽ có khuynh hướng cho máu nhiều hơn”, BS Mẫm trăn trở.

Giờ đây, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục đeo đuổi ước vọng của mình. Ông đã tham gia và làm Chủ tịch Chi hội Thiện Tâm, trực thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, để dành thời gian cuối đời đi vận động, ủng hộ chi phí phẫu thuật, hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo từ 6 - 21 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh.

Cho đi, cuộc đời sẽ trẻ mãi… ảnh 3

Hương Cát

Tin cùng chuyên mục