Dắt bò vượt Trường Sơn lập nghiệp

Suốt 2 ngày 2 đêm, hai vợ chồng nghèo người Hrê (huyện Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi) này dắt bò đi bộ vượt dãy Trường Sơn để lên Kon Tum lập nghiệp. Bây giờ thì họ đã bớt nghèo…
Dắt bò vượt Trường Sơn lập nghiệp

Suốt 2 ngày 2 đêm, hai vợ chồng nghèo người Hrê (huyện Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi) này dắt bò đi bộ vượt dãy Trường Sơn để lên Kon Tum lập nghiệp. Bây giờ thì họ đã bớt nghèo…

  • Lập nghiệp từ một đôi bò

Cơ ngơi của anh Đinh Xuân Đợi rộng gần 10ha, toạ lạc tại thung lũng làng Măng Cành xã Đăk Long huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), bốn phía được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn cây lá và cách thác Đăk Ke đang tung bọt trắng xóa gần 2km. Khuôn viên được chủ nhân thiết kế khá chi tiết, nơi này là màu xanh như trải lụa của giống keo lá tràm; ruộng lúa nước tốt bời bời trĩu hạt. Bên kia sườn đồi có 10 con bò đang mải mê gặm cỏ, trong chuồng là đàn heo vài chục con bụng căng tròn, béo nục...

Khi ông mặt trời vừa khuất dần sau núi, đàn bò vào chuồng, anh Đợi cắt một ôm lá sắn thật to, rải xuống hồ cá, chỉ hơn 1 tiếng, bó lá sắn chỉ còn trơ lại những cành... “Đàn cá dưới ao này mùa trước bán được trên 4 triệu đồng - vừa lau giọt mồ hôi còn đọng trên trán, chị Đinh Thị Rỡi, vợ anh Đợi, vừa nói với khách.

Cuộc “cách mạng” bắt bò cày ruộng

Cuộc “cách mạng” bắt bò cày ruộng

Vừa từ cánh đồng lúa trở về, châm điếu thuốc, trầm ngâm trong giây lát, anh Đợi nói “Kể chuyện xưa nghe buồn lắm. Mà có xưa thì mới có nay. Nhờ ngày xưa khổ cực nên vợ chồng lăn lộn, cố gắng làm ăn mới có được như ngày hôm nay. Nhìn lên thì gia đình cũng không bằng người, nhưng như thế này là được rồi phải không chú? Mỗi năm gia đình trừ mọi chi phí, ăn uống thì còn dư ra khoảng 60-70 triệu đồng. Ở nơi có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo thì gia đình tôi như vậy là được rồi”.

Rít hơi thuốc, anh Đợi nói tiếp: “Gia đình tôi ở xã Sơn Hạ huyện Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2000, chuyện không may đến với chị gái tôi, lúc đó đang làm cấp dưỡng tại Trường Dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy. Chồng chị qua đời, nên hai vợ chồng tôi cùng lên Kon Tum sống để có chị, có em. Hơn nữa, ở xã Sơn Hạ “đất chật người đông”…

Ngày rời quê, vợ chồng chỉ có một cặp bò, đưa từ Quang Ngãi lên theo. Nhưng tôi biết đất đai ở Tây Nguyên bạt ngàn, biết tính toán và chịu khó làm ăn là được. Thế là vợ chồng dắt bò, mò mẫm tìm đường lên Tây Nguyên. Lúc đó vào khoảng tháng 7-2001, trời mưa tầm tã, vợ chồng ướt run cầm cập, vượt qua đèo Violăk dựng đứng, đến được nơi này phải mất 2 ngày, 2 đêm. Tôi dắt dây thừng, Rỡi cầm roi đuổi bò, lưng đeo... lủm củm nồi niêu, đường thì xa, dốc dựng đứng lởm chởm đá, đôi bàn chân túa máu...

  • Cuộc “cách mạng” dùng bò cày ruộng!

Đồng bào các dân tộc thiểu số Rơ Mâm, Kdong cư trú ở vùng đông Trường Sơn thuộc huyện Kon Plông từ bao đời nay chưa hề biết sử dụng trâu, bò để cày bừa ruộng. Họ có thói quen nuôi trâu rất nhiều vì phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, nhưng không phải để cày bừa mà dùng để... cúng Yàng trong những dịp lễ hội như mừng nhà rông, lễ hội ăn trâu, mừng giọt nước...

Cũng từ bao đời nay, muốn làm ruộng nước thì bà con lùa cả đàn trâu, bò xuống… giẫm ruộng, khi ruộng sục bùn rồi mới gieo hạt. Bởi thế, hôm anh Đinh Xuân Đợi dùng đôi bò cày những đường cày đầu tiên trên nương rẫy của mình, hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Kon Tu Rằng, làng Măng Cành thuộc xã Đăk Long kéo ra xem đông nghịt.

Già làng A Dũng lúc đầu phản đối lắm “Này Đợi! Dân tộc ở đây nuôi con trâu, con bò cốt để nó đi chơi và làm thịt cúng Yàng. Bây giờ mày buộc dây thừng bắt nó làm việc thay người, như vậy tội nghiệp nó lắm! Dân làng mà bị “con ma” quấy quả bắt ốm đau, mất màu thì chúng tôi sẽ không tha tội cho mày đó nghe…”.

Thế nhưng khi chứng kiến anh Đợi bắt bò cày ruộng, già làng A Dũng lại tấm tắc khen: “Thằng Đợi giỏi thiệt! Nó điều khiển được con bò cày thẳng tắp. Một đường cày bằng một ngày cuốc tay…”, rồi ông nói lớn “Lũ làng ơi! phải học cách làm của thằng Đợi thôi…”. Thế là lần lượt người dân trong làng Măng Cành, Tu Rằng đến tìm anh Đợi học và làm theo. Mùa gặt này, A Nôi - nguyên là giáo viên dạy tiểu học, trú tại làng Tu Rằng - là người tự nguyện làm học trò đầu tiên nhờ “thầy” Đợi hướng dẫn cách thức cày, bừa bằng bò!

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nuôi gia súc, nhưng không biết tận dụng phân chuồng để chăm sóc cây trồng. Họ quan niệm rằng, dùng phân chuồng bón lúa, sẽ làm bẩn “mẹ lúa”, nên có tội với Yàng, Yàng sẽ phạt. Thế là gia đình anh Đợi đi tiên phong làm chuồng trại có mái che để chăn thả gia súc và tận dụng nguồn phân chuồng chăm bón cây trồng. Đàn bò anh Đợi ngày càng phát triển, lúa lên xanh mơn mởn, cho mùa màng bội thu, đàn gia súc mỗi ngày một phát triển, gia đình có của ăn, của để, lại không bị Giàng phạt, nên người dân trong làng lần lượt đến xem và làm theo.

Nhờ biết thâm canh, lúa của anh Đợi tốt bời bời

Nhờ biết thâm canh, lúa của anh Đợi tốt bời bời

  • Cuộc sống sung túc

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Tú - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kon Plông - cho biết: “Anh Đinh Xuân Đợi là người dân tộc thiểu số Hrê, đã không tự ti, mặc cảm, tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, không ỷ lại sự bao cấp của Nhà nước. Mô hình canh tác nương rẫy kết hợp với trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc của gia đình anh Đợi đã được nhiều bà con dân tộc Rơ Mâm, Kdong làng Măng Cành, Tu Rằng đến học tập. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh Đợi, rồi đây xã Đăk Long sẽ xuất hiện nhiều người sản xuất giỏi, làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo như anh Đợi”. 

HÙNG SƠN

Tin cùng chuyên mục