Xanh lại vùng “đất chết”

Bài 1: Trở lại A So
Xanh lại vùng “đất chết”

Bài 1: Trở lại A So

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của cuộc chiến vẫn còn hiện hữu trên những vùng đất xưa kia vốn được mệnh danh là đất chết A So, A Lưới, Thừa Thiên - Huế; vùng đất cát trắng Hải Lăng, Quảng Trị… Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm, người dân nơi đây đã tìm cách hồi sinh những “vùng đất chết” ngày xưa ấy.

Tháng 3-2009, chúng tôi có dịp trở lại sân bay A So (xã Đông Sơn, A Lưới, Thừa Thiên - Huế). Đại úy Đào Đức Cửu - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn tươi cười bảo: “Sau bao nhiêu năm vùng đất này không một cây gì có thể sống sót thì nay hàng rào bồ kết đã bắt đầu lên xanh. Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch còn quy hoạch, xây dựng lại sân bay A So thành một địa điểm tham quan du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Hơn nữa, hàng chục hộ dân của Đông Sơn đã bắt đầu trồng lại rừng quanh khu vực này. A So bắt đầu hồi sinh.

Ký ức một thời

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đông Sơn là hành lang của Đoàn vận tải 559 bộ đội Trường Sơn nên Mỹ ra sức tàn phá cung đường này nhằm ngăn chặn những chuyến hàng chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Trong chiến dịch Ranch Hand (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải xuống 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa 170kg dioxin) trên cả nước, trong đó riêng A Lưới là 432.812 lít (chứa 11kg dioxin) khiến môi trường nơi đây bị hủy diệt nặng nề.

Những hố bom xé toạc mảnh đất A So là chứng tích lịch sử còn lại cho vùng đất chịu nhiều đau thương này

Những hố bom xé toạc mảnh đất A So là chứng tích lịch sử còn lại cho vùng đất chịu nhiều đau thương này

Hôm vào A So, con đường đất ngày nào đã được trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường, một vài thửa ruộng đã lên xanh. Khi đi ngang qua sân bay A So để đến trụ sở UBND xã, chúng tôi không khỏi rùng mình khi gió vẫn còn đưa một thứ mùi hăng hắc xộc vào mũi. Đại úy Cửu bảo: “Nó (mùi hóa chất - PV) vẫn còn đâu đó trên vùng đất này”.

Chẳng thế mà Tổ chức UB 10-80 và Hatfield Consultants Canada từng cảnh báo: “Tại khu vực trung tâm sân bay A So, dư lượng dioxin không chỉ tồn tại trên người, trong đất đai mà tồn tại cả trong cả gà, vịt, cá... và cao gấp nhiều lần mức cho phép”.

Trong ký ức của nhiều người, A So vẫn là nỗi ám ảnh. Ông Ngọc Hữu Đa - Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn cho biết, năm 1991, khi đưa dân từ xã Hồng Thủy lên định cư ở A So, lực lượng bộ đội đã tháo gỡ hàng ngàn đầu đạn, san ủi hàng trăm hố bom cho bà con có đất làm nhà.

Hiện bây giờ, tại khu sân bay A So, hầm chỉ huy của Mỹ vẫn còn, chỉ có điều cửa hầm đã sập vì quá lâu ngày. Xung quanh khu vực này, thỉnh thoảng bà con vẫn tìm ra một vài vỏ đạn nằm lẫn trong đất. Theo thống kế, hiện quanh khu vực A So có hơn 50 trường hợp nhận trợ cấp vì nhiễm chất độc da cam (con số thực tế cao hơn nhiều).

Đại úy Cửu cho biết thêm: “Hằng năm có hàng chục đoàn khách du lịch quốc tế tìm về A So, trong đó có rất nhiều người lính Mỹ từng tham chiến tại chiến trường này. Họ đã cho chúng tôi xem những bức ảnh mà các cánh rừng chỉ trơ còn thân cây, những chiếc máy bay mang từng thùng chất độc rải xuống vùng đất này… Ngoài ra, có rất nhiều đoàn khách Nhật Bản đến đây để chia sẻ với bà con trước những nỗi đau thể xác mà di chứng da cam còn để lại trên thân thể”.

10.000 cây - 1 khởi đầu

Ngày 15-1-2009, Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên và Phát triển cộng đồng - Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới đã phối hợp cùng người dân địa phương vừa tổ chức trồng lại 10.000 cây bồ kết ở sân bay A So.

“Đây là lần thứ 3 A So trồng lại cây bồ kết. Hai lần trước cây đều chết khi chưa kịp bén rễ do một phần đất còn nhiễm độc nặng, chưa kể do trồng dàn trải nên bị trâu, bò ăn. Lần này rút kinh nghiệm, chúng tôi trồng theo phương thức cuốn chiếu, trồng đến đâu, rào chắn đến đó nên cây bồ kết con hiện phát triển rất tốt, một sự khởi đầu mới cho vùng đất này”, đại úy Cửu vui mừng khoe.

Một tin mừng khác lại đến với bà con trong xã. Đó là, theo ông Đa, mới đây, sau khi khảo sát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã lên kế hoạch quy hoạch 4ha đất tại khu vực sân bay. Trong đó, sẽ khôi phục lại đường bay, hầm chỉ huy, công trình quân sự và cả nhà trưng bày hình ảnh A So - Đông Sơn nhằm tạo thành một địa điểm du lịch trên đường Hồ Chí Minh. Khi đó, A So sẽ thành điểm đến cho nhiều du khách. Để góp phần thực hiện dự án đó, nhiều bà con quanh khu vực A So đã và đang nỗ lực trồng lại những cánh rừng.

Bài 2: Biến sỏi đá thành rừng

Nơi núi rừng xa xôi thuộc thung lũng A So có một người nuôi giấc mộng biến những cánh rừng nhiễm độc thành những khu rừng xanh thắm. Đó là Hồ Văn Tôi, năm nay vừa 26 tuổi.

Hồ Văn Tôi (người ngồi ở hàng đầu tiên, từ bên trái qua) đang theo học đại học tại chức chuyên ngành quản lý đất đai tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện

Hồ Văn Tôi (người ngồi ở hàng đầu tiên, từ bên trái qua) đang theo học đại học tại chức chuyên ngành quản lý đất đai tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện

Vườn ươm “cây khắc nghiệt”

Ngồi trước mặt tôi là một thanh niên dáng người mảnh khảnh, nước da trắng trẻo chứ không có chút gì của dáng vẻ con trai miền ngược. “Ngày tôi cắm sổ lương thuê người trồng rừng, người trong làng chỉ thương hại cho tôi. Đất rừng ở vùng Đông Sơn này nhiễm chất độc, ngay cả cây rừng còn chết rụi lá huống hồ chi trồng rừng làm kinh tế. Để làm cái điều không tưởng đó, tôi đã ươm một vườn cây giống cho riêng mình. Và tôi gọi đó là vườn ươm “cây khắc nghiệt”, Tôi chia sẻ bí quyết trồng rừng trên vùng đất Đông Sơn.

Năm 2004, khởi nghiệp trồng rừng, những tháng đầu Tôi bỏ công đi vào sâu vào phía trong đất rừng, xắn từng xe đất chở về nhà, dùng hạt keo ươm cây giống nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt khoảng 1/10. Những cây con hiếm hoi đó được Tôi đưa vào túi ni lông, tiếp tục ươm trước khi đưa ra vùng đồi vừa mới khai hoang để trồng.

Tôi kể tiếp: “Khi đưa ra vùng đồi, gặp nắng trên đầu, chất độc dưới đất, cây chết rất nhiều. Trước tình thế đó, tôi quyết định lấy đất ngay tại chỗ về ươm cây giống. Mặc dù tỷ lệ sống rất thấp nhưng do đã sống được ở môi trường khắc nghiệt ngay từ đầu nên khi đưa ra đất đồi, nầm xanh mới đã chịu thích nghi và sống được”.

Với phương pháp ươm đó, 100% cây giống của Tôi ươm đều lên xanh trên vùng đất Đông Sơn này. Chẳng thế mà cây giống của Tôi luôn có giá cao hơn, khoảng 1.000đ/cây, trong khi giá thị trường chỉ có 250-300đ/cây.

Không học chuyên ngành lâm nghiệp nhưng những kiến thức về cây rừng của Tôi thật đáng nể. “Nếu chọn tràm làm cây chủ lực sẽ rất dễ gãy đổ khi gió to vì tràm giòn. Mà vùng này là thung lũng, hứng chịu mọi hướng gió nên trồng tràm sẽ không hiệu quả. Trồng cao su mặc dù hiệu quả lớn nhưng đất ở đây không phù hợp, lại không có vốn ban đầu nên tôi tạm quên cây cao su.

Vì vậy, keo tai tượng là giải pháp cuối cùng của tôi cho vùng đất chết này. Thông thường, rừng người ta trồng chỉ mất 7-8 năm là khai thác, còn nơi đây phải 10-12 năm mới đưa vào khai thác. Lý do là cây rừng nơi đây “mất sức” do sự khắc nghiệt của đất đá và thời tiết”, Tôi phân tích một cách rành rẽ.

Tiền tỷ trên đồi bom

Sinh năm 1983, là anh cả trong một gia đình người dân tộc Pa Cô, bố mất sớm nên Tôi phải gánh vác luôn chuyện gia đình. Năm 2004, tốt nghiệp THPT tại trường dân tộc nội trú tỉnh, Tôi xin vào làm nhân viên văn phòng UBND xã Đông Sơn. Sau khi công tác một thời gian, Tôi đã có một quyết định “liều mạng” đối với nhiều người là cắm cuốn sổ lương vay 15 triệu đồng để thực hiện giấc mơ trồng rừng của mình.

“Đất đai ở đây bạt ngàn mà người dân vẫn nghèo nên tôi quyết định phải làm một điều gì đó. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy đất Đông Sơn ngoài trồng rừng ra không thể phát triển thêm mô hình nào được cả. Thế là bắt tay vào làm thôi. Sau khi tôi trồng, người dân mới bắt đầu làm theo, đến nay đã có cả trăm hộ trồng rừng rồi”, Tôi nở nụ cười thật tươi cho biết.

Để nâng cao kiến thức, Tôi hiện đang theo học đại học tại chức chuyên ngành quản lý đất đai tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện. Với Tôi, giấc mơ “thêm kiến thức” mới là khát vọng cháy bỏng. Ngoài giờ học ở trường, Tôi thường xuyên đọc sách, lướt web để tìm tài liệu về cách phòng trừ bệnh cho keo, cách trồng xen canh để lấy ngắn nuôi dài…

Tuy hiện nay vẫn đang nợ ngân hàng khoảng 200 triệu đồng nhưng khi có người gạ bán rừng để thoát khỏi nợ nần, Tôi đã từ chối thẳng: “Nếu tôi bán rừng bây giờ thì bao nhiêu công bỏ ra để san đồi, lấp hố bom sẽ đổ sông đổ biển hết. Chưa kể, người dân thấy mình bán họ cũng bán theo thì sau này lấy đâu ra những cánh rừng nữa chứ”.

Hiện Tôi có khoảng 50ha rừng trồng từ năm 2004. Theo tính toán, với 1ha trồng keo với mật độ từ 1.500 đến 2.000 cây khi thu hoạch sẽ thu được từ 70-100 triệu đồng. Tính ra, gia tài của anh chàng “liều mạng” này chẳng ít chút nào.

Không chỉ lo cho cánh rừng của mình, Tôi còn sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh đế phát triển mô hình này. Những người làm thuê nếu có ý định trồng rừng Tôi sẵn sàng giúp giống và kỹ thuật. “Ngó cậu Tôi trẻ rứa chứ kinh nghiệm trồng rừng khiếp lắm, đất mô cậu cũng nghiên cứu để trồng cho phù hợp cả. Ví như đất Hồng Hạ thì trồng rừng keo cho năng suất cao, đất Nhâm thì trồng cà phê, còn đất Hồng Thủy thì trồng chuối… Cứ mỗi loại đất lại hợp với một loại cây. Đến nay, cậu ấy đã cho chúng tôi khoảng mười mấy ngàn cây giống của cậu ươm rồi đó”, chị Hồ Thị Liên nhà ở thôn Loa, Đông Sơn cho biết.

Ông Ngọc Hữu Đa - Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn, khẳng định: “Nếu mà cậu Tôi không mở đường trồng rừng thì có lẽ còn rất lâu đất trên đây mới được phủ xanh”.

Bài 3: Vua rừng miền “đất chết”

(SGGP-12G).- Về Hải Lăng (Quảng Trị) những ngày này, dễ nhận ra một màu xanh bạt ngàn của rừng. Những hàng cây phi lao, keo lá tràm… cứ thẳng vút trên miền cát trắng đầy kiêu hãnh, như minh chứng cho sự sống bất diệt của chính những người con nơi đây, những con người luôn biết vượt lên sự hủy diệt của chiến tranh, khắc nghiệt của thời tiết để làm cho vùng “đất chết” ấy hồi sinh từ màu xanh của cây rừng. Người “khai sinh” những cánh rừng ở miền đất này là ông Nguyễn Đình Thả, 54 tuổi, ở thôn Mỹ Thủy xã Hải An huyện Hải Lăng.

Xanh những cánh rừng trên miền cát bay

Tiếp chúng tôi, ông Thả kể chuyện người, chuyện đời một hồi rồi cũng quanh quẩn trở lại với chuyện cây, chuyện rừng. Với ông, đó dường như là một phần đã ăn sâu vào máu thịt. Những cánh rừng tràm che chắn gió bão và hơn thế, có lẽ đó còn chính là tương lai sung túc cho cả đại gia đình ông. “Hơn 10 năm qua, tui trồng gần 500ha rừng keo lá tràm (khoảng 2.500 cây/ha) trên tổng số 1.200ha đất cát hoang của xã. Năm nay, tôi sẽ tiếp tục trồng mới thêm hơn 50ha nữa” - ông Thả khoe. 

Trồng lại những hàng tràm, ông Thả hy vọng sau này rừng lại xanh trên những vùng cát trắng quê ông...

Trồng lại những hàng tràm, ông Thả hy vọng sau này rừng lại xanh trên những vùng cát trắng quê ông...

Những năm vừa mới kết thúc chiến tranh, làng mạc ven biển các xã Hải An, Hải Khê chỉ một màu cát trắng. Những hố bom sâu hoắm, tồn dư chất độc hóa học, rồi những quả đạn chưa phát nổ còn ẩn sâu trong từng thửa đất luôn là nỗi lo, nỗi ám ảnh người dân ngôi làng nghèo khó ấy.

“Tui nghĩ, cứ tình hình này người dân quê tui khó mà yên tâm làm ăn. Vậy là tui đánh liều bàn với một số anh em trong làng phải trồng rừng trên để ngăn cát, ngăn gió… Có như thế mới tạo điều kiện để người dân sinh sống, làm ăn ổn định được. Nói thì nói vậy, chứ thực ra lúc đó đâu dễ dàng thực hiện ngay được. Không vốn, không kinh nghiệm nên mãi vẫn chưa làm được” - ông Thả tâm sự.

Cũng dễ hiểu, bởi để trồng được rừng, trước hết phải có vốn, rồi chuyện san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn lúc ấy còn gặp rất nhiều khó khăn nên ông cứ tâm huyết thế thôi mà chưa triển khai vào thực tế được.

Mãi đến năm 1996, ông Thả tham gia lớp tập huấn trồng rừng trên cát do Tổ chức PLAN tài trợ. Sau mấy tuần tập huấn, ông mang về làng một đống tài liệu cùng với những kinh nghiệm học hỏi được và bắt tay ngay vào việc trồng rừng. Những cây giống keo lá tràm được hỗ trợ đầu tiên được ông trồng ngay ở quả đồi gần nhà phát triển tốt đã tiếp thêm cho ông niềm tin. Thế là bắt tay vào làm đại trà, mỗi ngày ông cùng với một số người trong thôn cơm đùm muối mắm ra đồng cát trồng cây đến tối mịt mới về nhà. Kể từ đó, chuyện ông “vua rừng” trên cát được biết đến như là người mở đường cho việc phủ xanh những miền “đất chết”. 

Nhưng để có được những cánh rừng xanh như hôm nay, ông Thả phải trải qua muôn vàn khó khăn từ thiếu vốn đến vấn đề kỹ thuật trồng rừng. Đáng nói hơn, không ít lần cuốc đất trồng cây trúng phải “tử thần” là những qua bom bi chưa nổ khiến ông không khỏi chùn bước.

Tuy nhiên, không thể bỏ dở dang tâm huyết của mình nên ông cứ thế cần mẫn tìm cách khắc phục. “Ở những đồi cao, phải biết trồng cây mới sống, ban đầu mình trồng cây xung quanh chân đồi, sau vài tháng khi cây sống thì mình mới đào hố trên đỉnh đồi và bứng những cây bên dưới lên trồng. Nói không phải khoe chứ tui trồng tỷ lệ cây sống đạt đến 80%” - ông Thả nói.

Cứ như vậy, những quả đồi cát trắng dần phủ một màu xanh tươi tốt. Thời gian thắm thoắt trôi, “công dã tràng xe cát” cũng đã được đền đáp xứng đáng với tổng diện tích rừng keo lá tràm lên đến gần 500ha, kéo dài từ xã Hải An đến các xã giáp ranh như Triệu Lăng, Hải Khê, Hải Ba, Hải Quế…

Từ người lính đến “vua rừng”

Năm 1978, anh Thả tròn 22 tuổi, cũng là lúc anh tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 ở miền Nam. Sau mấy tháng huấn luyện anh cùng đơn vị lên đường sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ. Ròng rã trong hai năm trời, anh hành quân hết Kôngpôngchàm, Kôngpôngthom lại đến Xiêm Riệp rồi Phnôm Pênh..., đôi khi cái chết cận kề trong gang tấc. 3 năm sau anh xuất ngũ trở về quê nhà, làm Phó Công an xã, rồi làm kế toán ở UBND xã và đến nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải An.

Hơn ai hết, ông hiểu rõ vùng đất quê nghèo, cằn cỗi này chỉ có cây keo lá tràm mới đem lại được sự hồi sinh. Chính lẽ đó, ông đã tiên phong làm cho giống cây này bén duyên với vùng “đất chết”. Khi nói về những cánh rừng hiện đã phủ xanh một vùng đất rộng lớn ở đây, ông rất đỗi tự hào.

Tuy vậy, với ông, việc trồng rừng chỉ mới bắt đầu. “Sắp tới tui sẽ tiếp tục trồng thêm nhiều nữa, trồng đến khi mô hết đất “chết” mới thôi. Nếu xã tui hết đất tui sẽ xin đất các nơi khác để trồng...” - ông Thả quả quyết. Tiếng đồn về tài nghệ trồng rừng của ông lan xa nên đã có nhiều người ở tận những miền quê của các tỉnh bạn như Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh… đến nhà ông học tập.

Chia tay chúng tôi khi trời đã xế trưa, dưới cái nắng chói chang, ông vẫn miệt mài vun đất cho những cây keo vừa mới trồng trước tết. Ông bảo rằng ông trồng cây không để cho riêng mình mà là trồng cho quê hương, cho con cháu mai sau được hưởng màu xanh, thứ màu xanh mà suốt đời ông ước mơ theo đuổi.

Bài 4: Đưa lúa nước lên... đồi

(SGGP-12G).- Khi bắt tay canh tác trên vùng lau lách Bình Thành, thương binh Cao Thanh Sơn (Phú Tuyên, Bình Thành, Thừa Thiên-Huế) chỉ dám nghĩ làm sao thoát được cái đói của mùa giáp hạt. Nhưng rồi với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, người cựu chiến binh ấy đã đem lại cái no, cái ấm và cả ánh sáng văn hóa cho vùng rừng núi hoang vu này.

Lúa nước xanh trên vùng đồi

Xanh lại vùng “đất chết” ảnh 4

Ông Cao Thanh sơn bên ruộng lúa nước trên đồi Bình Thành

“Bây giờ đường sá rộng rãi, lại thêm điện đường sáng trưng chứ hơn 20 năm về trước, ban ngày đi ra đường còn sợ huống hồ ban đêm”, vừa nói ông Cao Thanh Sơn vừa dẫn tôi băng qua 2 ngọn đồi, 3 con dốc lên thăm ruộng lúa nước của ông.

Hơn 20 năm trước, khi ông đặt chân lên Bình Thành toàn một vùng lau lách, ông không khỏi ngán ngẩm. “Hoang vu đến độ ban đêm nghe tiếng heo rừng sột soạt quanh nhà mà không dám xuống bắt vì lỡ có chuyện chi thì không ai cứu ai được. Nhà người dân ở cách nhau cả ngọn đồi lận. Định rời bỏ nơi này vào Tây Nguyên nhưng rồi nghĩ nơi nào cũng vậy, phải làm thì mới biết có sống được hay không chứ”, ông tâm sự.

Sinh ở Quảng Bình, năm 1970 ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi. Và trong một trận càn của địch, ông đã suýt thiệt mạng. Trở về từ chiến trường với nhiều vết thương trên thân thể, không đầu hàng số phận, tay trắng ông lên vùng đồi lập nghiệp. Những tháng đầu cày đất đến chảy máu tay nhưng khi trồng bắp thì hạt không đều; trồng lúa rẫy hạt mẩy, ngon cơm nhưng năng suất thấp không đủ ăn cho mùa giáp hạt. “Đói thì đầu gối phải bò, tui quyết định làm liều: Đào đồi, lấy đất thịt trồng lúa nước”.

Từ đó, mỗi ngày, một người đàn ông trung niên, đầu đội nón vải, tay vác rựa, hông đeo nắm cơm đi lên đồi từ 4g sáng đến tối mịt mới về. “Đào đá, đổ đất một mình. Vỡ ruộng cũng một mình. Ròng rã ba tháng trời khoảnh đất đầu tiên mới xong. Xong đất nhưng không có nước, mà trồng lúa nước không có nước thì lấy gì mà trồng? Tui phải khuân đá, đào con mương dẫn thủy nhập điền, sau này con mương mà tui dẫn nước đã trở thành con mương chung của cả làng”, ông kể, đôi mắt của lão nông tuổi 60 sáng bừng.    

“Hồi mới gieo vụ đầu tiên, đêm nào tui cũng ra canh ruộng nhưng chỉ một đêm ở nhà chăm con ốm sáng ra mạ trong ruộng đã bị heo rừng phá nát. Công sức của mấy tháng trời đội gió, dầm mưa đổ sông đổ biển. Nghĩ lại đến giờ vẫn còn ấm ức”, ông tâm sự.

Bắt đầu gieo cấy lại, đặt bẫy heo rừng, phát quang tạo hành lang ngăn heo, thức - ngủ nhiều đêm cùng lúa. Cuối cùng cũng đến ngày thu hoạch, ông chở lúa về trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm. “Bà con thấy tui làm được mới tin, chứ những hôm đầu tui làm, vận động bà con mãi vẫn không có ai làm theo”, ông cười hả hê. Vậy là lúa nước đã trổ bông, cho hạt trên đỉnh Bình Thành trong sự nỗ lực không ngừng của người thương binh Cao Thanh Sơn.

Ánh sáng vùng đồi

Lên trên này mấy năm, khổ nhất là không có điện, có người bạn quê ở Nghệ An mách với ông rằng: “Đi chợ Thanh Hóa tìm mua loại tua-bin 0,5kg mang về, đào đập ngăn dòng nước dẫn, kéo dây là nhà mày có điện ngay”.

Nghe lời, ông khăn gói lên đường đi học mô hình lắp ráp tua-bin điện mà người bạn hướng dẫn. Và ông đã làm được, điện đã sáng lên giữa vùng đồi trong sự ngỡ ngàng, vui mừng của bà con. Đó là vào khoảng năm 1993. Từ đó, bà con nhờ ông mua tua-bin về “làm điện” cho cả xóm. “Bây giờ đã có điện lưới quốc gia nhưng nhiều gia đình vẫn giữ tua-bin cũ như vật kỷ niệm của một thời đói khổ”, ông cho biết.

Nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay, Bình Thành vẫn là một trong 5 xã khó khăn của huyện Hương Trà. Kinh tế phát triển rất chậm vì bị ngăn cách đồi. Trong tình hình đó, người ta càng thấy quý thêm hình ảnh hằng ngày, có một người lính mặc bộ quân phục bạc màu, chạy xe băng qua bao ngọn đồi, đến với bản làng người Cơ Tu dạy họ cách nuôi cá nước ngọt, trồng tiêu, trồng lúa nước...

Những kinh nghiệm học được từ cuộc sống, ông sẵn sàng san sẻ với mọi người. Anh Đinh Lực, người cùng thôn, nói: “Bác Sơn không kể ngày hay đêm, xa hay gần, lúc mô có ai cần là bác đi ngay”. Chị Nguyễn Thị Út, ở thôn Bồ Hòn, cho biết thêm: “Nhờ cán bộ Sơn dạy đào ao nuôi cá nên nhà mình đã có hai ao rồi đó”.

Thùy Uyên - Hoàng Phương
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục