Tỷ phú… rác

Biến rác thành tiền
Tỷ phú… rác

(SGGP-12G).- Đầu thập niên 80, người ta thấy ở vùng Việt Yên - Bắc Giang có một chàng trai đen nhẻm, dáng người thấp, suốt ngày lang thang đi nhặt rác bán để kiếm tiền  nuôi mẹ già, vợ và con thơ. Và bây giờ, chàng trai ấy là ông chủ HTX VSMT Đồng Lợi, nắm trong tay số vốn hàng chục tỷ đồng.

Cầm bằng cử nhân đi… nhặt rác

Quê ở Bắc Giang, nhưng sinh ra tại Thái Nguyên nên bố mẹ đặt cho cái tên Thái. Đó là lời đầu tiên mà ông tâm sự với tôi. Học rất giỏi các môn tự nhiên, nhưng lại thi vào khoa Văn của ĐH Sư phạm Hà Nội sau khi xuất ngũ. Năm 1980, tốt nghiệp khoa Văn loại xuất sắc, chàng cử nhân Đỗ Văn Thái đáng lẽ sẽ yên tâm đứng trên bục giảng. Nhưng đau đớn thay, cuộc đời chàng cử nhân trẻ đã rẽ sang một con đường khác do hoàn cảnh gia đình. Anh kể lại với tôi  bằng  giọng xót xa: “Hồi ấy, hoàn cảnh gia đình tôi quá bi đát, cha mất, mẹ già ốm yếu, vợ cũng yếu lại thêm 3 đứa con thơ... nên tôi phải về củng cố hậu phương”.

Anh Thái bên những sản phẩm dép nhựa được tái sinh từ rác thải

Anh Thái bên những sản phẩm dép nhựa được tái sinh từ rác thải

Nhà nghèo, lại không có nghề gì khác, anh chỉ còn biết tìm đến một nghề “đi nhặt rác bán” là có thể kiếm ra tiền ngay. Những ngày ấy, trên chiếc xe đạp cà tàng, anh rong ruổi khắp các ngả đường, xó chợ để nhặt bất kể thứ gì người ta vứt đi mang về nhà rồi phân lọai rác để bán. Nhớ lại những ngày cơ cực đó, anh kể: “Ngày ấy, tôi cứ thấy cái gì cảm thấy bán, dùng được là nhặt về. Thậm chí có những thứ được nhặt  từ các  khu vệ sinh công cộng, cả  rác rưởi của người nông dân vứt bỏ lại ở bờ ruộng nữa”. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đè lên đôi vai gầy yếu của anh suốt mấy năm.

Biến rác thành tiền

Với công việc đi nhặt rác bán, dù anh có làm quần quật cả ngày vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhưng bằng tính kiên nhẫn, tiết kiệm, đến những năm cuối thập niên 80, anh vẫn để dành một ít tiền từ mồ hôi, nước mắt của mình. Chính tại thời điểm đó, trong người đàn ông nhỏ bé này đã manh nha một ý tưởng, một quyết tâm biến rác thải thành sản phẩm có ích cho xã hội, bắt rác biến thành tiền. Với sự đồng lòng, ủng hộ của gia đình, anh bắt đầu mở các điểm thu mua rác thải, rồi đi khắp nơi từ Bắc vào Nam để học những công nghệ sản xuất dép nhựa, nhựa tổng hợp PVC, túi ni lông... Công việc làm ăn phất lên từ đó...

Năm 1999, anh đề nghị với các cấp chính quyền địa phương cho xây dựng HTX Vệ sinh môi trường (VSMT) ngay trong xã. Hơn 3 năm sau, Hợp tác xã VSMT Đồng Lợi chính thức được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Tôi hỏi anh vì sao lại lấy tên HTX VSMT Đồng Lợi?. “Bởi đơn giản tên đó có nghĩa là sinh lợi cho cộng đồng”, anh đáp. Tại  huyện Việt Yên - Bắc Giang những năm trước vẫn được cảnh bảo như một điểm nóng về nạn ô nhiễm môi trường. Nhưng từ khi có cái HTX VSMT Đồng Lợi thì bao nhiêu rác thải trong vùng đều được thu gom về đây. Bằng sự sáng tạo, cần mẫn của vợ chồng anh, những thứ tưởng như gây họa cho xã hội kia lại được tái sinh làm lợi cho đời.

Một tấm lòng vàng

Đi lên từ gian khó, với đôi bàn tay trắng để trở thành ông vua xử lý rác có trong tay số vốn cả chục tỷ đồng, anh luôn tâm niệm: Sẽ giúp lại đời nếu một mai mình thành đạt. Chính vì vậy, HTX hiện nay đã trở thành mái nhà chung, nơi bao dung, che chở cho bao cuộc đời bất hạnh, đau thương. Trong HTX, có 16 em bị nhiễm chất độc da cam ở khắp mọi nơi được nhận về nuôi, học nghề. Ngoài ra, còn hơn 20 em khác bị khuyết tật  cũng đang học nghề và làm việc trực tiếp ở đây.

Anh Thái không chỉ giúp những em nhỏ thiệt thòi này một mái nhà, mà anh còn cho các em một nghề để lao động nuôi sống bản thân. Với một em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam, mỗi tháng được trợ cấp 800.000 - 900.000đ tiền học nghề. Tổng cộng, mỗi tháng anh chi khoảng 30 triệu đồng tiền ăn, ở, quần áo, thuê thầy dạy nghề... cho những em nhỏ thiệt thòi. Sau khi các em học xong nghề, lại nhận luôn vào làm ở HTX với mức lương từ 1- 1,5 triệu đồng tùy theo tay nghề, năng lực.

Tâm sự với chúng tôi, anh Thái khiêm tốn: “Việc làm đó chỉ vì một chữ Tình Thương viết hoa theo đúng nghĩa của nó. Các cháu  cũng có hoàn cảnh như tôi  trước đây, thậm chí có cháu còn không được hoàn hảo như mình về mặt thể xác và tâm hồn... Chúng đáng thương và tội nghiệp lắm!”.

Hiện nay, với đội ngũ công nhân hơn 50 người, mỗi ngày HTX  VSMT Đồng Lợi sản xuất ra được từ 1.800 đến 2.000 đôi giày, dép, hàng chục tấn nhựa tổng hợp, bao bì nhựa. Cho đến thời điểm này,  HTX đã có bạn hàng ở khắp 3 miền và xuất khẩu sang cả Lào, Campuchia...

Hải Dương

Tin cùng chuyên mục