Tiếng chuông tri ân

Tiếng chuông tri ân

Ngày 27-7 hàng năm, ngày tri ân những liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đều tổ chức dâng hương ở các nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi thương binh, gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Những việc làm đầy tình nghĩa ấy đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng của người Việt Nam ta.

Suốt mấy chục năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với người có công và thường xuyên bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Đến nay, đã hình thành một hệ thống chính sách mà các nội dung đều gắn liền với việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội, có liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của hàng triệu người có công. Chính sách đối với những người có công còn sống đã cơ bản hoàn thiện. Nhưng đối với những liệt sĩ chưa tìm thấy phần mộ thì chúng ta vẫn còn cảm thấy thiếu một điều gì đó rất thiêng liêng…

Cúng vàng vào đúc chuông đền thờ liệt sĩ Long Khốt.
Cúng vàng vào đúc chuông đền thờ liệt sĩ Long Khốt.

Những liệt sĩ đã tìm được hài cốt (kể cả chưa rõ tên) đều được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ, được xây dựng đàng hoàng, được chăm sóc chu đáo. Đối với những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, hiện nay quân đội ta vẫn đang tổ chức các đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt các anh từ các chiến trường đưa về quy tập tại các nghĩa trang.

Một số cựu chiến binh cũng đã trở lại các chiến trường tìm đồng đội. Mặc dù cả nước đã có nhiều cố gắng, song đây là công việc rất khó khăn khiến chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với những liệt sĩ đã hy sinh vì nghĩa lớn.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nơi chiến trường ác liệt năm xưa, đâu đó vẫn còn hàng chục, hàng trăm liệt sĩ đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh, chúng ta vẫn chưa tìm được hài cốt. Chỉ một đơn vị, đó là Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, trong kháng chiến chống Mỹ đã có gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, đến nay vẫn còn hơn 500 liệt sĩ nằm lại dưới sông Lòng Tàu không sao tìm thấy được.

Hay ở dưới chân núi Chùa (Hà Nam) đã tìm được hơn 200 hài cốt liệt sĩ chưa rõ tên, nhưng còn bao nhiêu hài cốt liệt sĩ nữa nằm lại trong khe núi Chùa ấy thì không ai biết. Ở Củ Chi, ở Tây Nguyên, ở miền Đông Nam bộ… lâu lâu lại có tin tìm thấy hài cốt các anh.

Máu đào của các anh đã thấm sâu vào lòng đất, thân thể các anh đã biến thành đất đai của Tổ quốc, cho màu cờ thêm đỏ thắm, cho đồng ruộng xanh tươi… nhưng linh hồn các anh vẫn ở lại nơi chiến trường xưa…

Vừa qua, một số cựu chiến binh đã trở lại nơi chiến trường xưa như Khu tam giác sắt, Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Tây Ninh… tổ chức lao động sản xuất, biến những cánh rừng hoang thành trang trại, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để tri ân những đồng chí, đồng đội, bạn bè đã ngã xuống, họ đã xây dựng những đền thờ liệt sĩ, hàng ngày thắp hương cho các anh. Có nơi, không có điều kiện sản xuất, họ rủ nhau xây dựng đền thờ để hàng năm có điều kiện trở lại thăm đồng đội cũ.

Ông Trình Tự Kha và ông Trần Thế Tuyển, cựu chiến binh Trung đoàn 174 Quân giải phóng miền Nam, nói với chúng tôi: Vào năm 1972, đơn vị 174 chiến đấu ở vùng Long Khốt, gần biên giới Campuchia (nay thuộc huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An). Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt, hàng trăm đồng đội của các ông đã ngã xuống nơi đây, đến nay vẫn chưa tìm được hết hài cốt.

Để tri ân đồng đội, vừa qua hai ông đã vận động anh em, bạn bè, đồng đội và được sự ủng hộ của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành do cựu chiến binh, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm làm chủ tịch HĐQT, sự giúp đỡ của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Công ty cổ phần Du lịch Golf Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam, Bộ chỉ huy Biên phòng Long An, Đồn biên phòng Long Khốt… huy động được gần 500 triệu đồng để xây dựng đền thờ liệt sĩ ngay tại trận địa Long Khốt năm xưa.

Các ông cũng đã đặt cơ sở đúc chuông truyền thống Đại Hạnh thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đúc quả chuông nặng 150kg để treo tại đền thờ liệt sĩ Long Khốt.

Ngay ngày khởi công đúc chuông, gia đình cựu chiến binh Hoàng Minh Sơn đã ủng hộ 3 lượng vàng 9999… Trên quả chuông tạc 4 câu thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển:

“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

 Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia

 Ngàn năm mãi mãi ngân nga

 Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng người”.

Tại lễ đúc chuông, ông Trình Tự Kha cho biết thêm, các ông sẽ cố gắng hoàn thành công trình để bạn bè, đồng chí, đồng đội về tổ chức khánh thành đền thờ liệt sĩ Long Khốt vào đúng Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 năm nay.

Đền thờ liệt sĩ Long Khốt là công trình tâm linh đáp ứng được nguyện vọng của các ông để tri ân những đồng đội đã khuất.

Rồi đây tiếng chuông sẽ vang vọng, bay xa làm ấm cả một vùng biên giới như một lời hiệu triệu thỉnh mời linh hồn những người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước khi đồng đội về thăm…

Tôi đã gặp nhiều cựu chiến binh, nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ, họ đều cho rằng những chính sách đối với người có công, thương binh, liệt sĩ là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Trong sâu thẳm của lòng mình, về tâm linh, họ đều có một nguyện vọng thiết tha, đó là ở những nơi chiến trường ác liệt năm xưa, có nhiều liệt sĩ, nhất là ở những nơi hẻo lánh, rừng núi hoang vu, nơi các anh còn nằm lại, ngoài xây dựng bia tưởng niệm, Nhà nước hoặc các tổ chức, các doanh nghiệp nên xây dựng một đền thờ liệt sĩ, không cần to, nhưng có một quả chuông để mỗi khi có đồng đội trở lại, hoặc có thân nhân liệt sĩ, du khách hành hương họ dóng lên hồi chuông để mời các anh trở về với đồng đội.

Tiếng chuông ngân vang, vẳng đưa theo chiều gió là một âm thanh tâm linh gọi hồn dân tộc, làm cho con người nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương, đất nước, không những thế còn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng lịch sử, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, ra sức học tập, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông đất nước.

Nhiều người cũng nói với tôi, các cơ quan chức năng nghiên cứu, nên chăng cả nước thống nhất chọn một giờ nào đó trong ngày 27-7 (ngày Thương binh liệt sĩ) để tất cả các nhà ga, bến cảng cùng kéo một hồi còi dài, các nghĩa trang, các đền thờ liệt sĩ cùng dóng lên một hồi chuông tri ân.

Suy nghĩ ấy theo chúng tôi có thể thực hiện được, bởi lẽ việc chăm sóc, thăm viếng, dâng hương ở các nghĩa trang liệt sĩ vào ngày 27-7 hàng năm của lãnh đạo, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức và nhân dân các địa phương trong cả nước đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Nếu như trong ngày 27-7 ấy ta thống nhất được giờ để cùng cất lên một hồi chuông, tất cả đều kính cẩn dâng hương cho những người đã khuất. Tiếng chuông hòa trong khói hương nghi ngút, phảng phất mùi hoa trong bầu không khí tĩnh lặng, trầm mặc bên những cây nến lung linh huyền ảo, con người cảm thấy nhẹ nhàng, trầm tĩnh, nhân ái, sống tình cảm, độ lượng, trách nhiệm hơn đó là nét đặc thù của người Việt Nam ta.

Làm được vậy vừa đáp ứng nguyện vọng của những người còn sống, vừa tri ân những người đã khuất để các anh ấm lòng nơi chín suối, để hương hồn các anh mãi mãi trong vòng tay đồng chí, đồng đội, đồng bào…

BÙI NGỌC NỘI

Tin cùng chuyên mục