Cuộc hội ngộ ở “Thủ đô kháng chiến”

Cuộc hội ngộ ở “Thủ đô kháng chiến”

Trong kháng chiến chống Mỹ, trên đất Tây Ninh có căn cứ Trung ương Cục miền Nam và các căn cứ của Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam... Chính vì vậy, Tây Ninh được vinh danh là “Thủ đô kháng chiến”. Năm 2010 rất nhiều cuộc hội ngộ của các “nhân chứng lịch sử” một thời công tác, chiến đấu, phục vụ tại các căn cứ trong thời kỳ “máu và lửa” từ 1960 đến ngày đại thắng để nhớ lại một thời hào hùng. Rất nhiều gương mặt quen thuộc, nhưng chiến công của họ chưa sách báo nào nói hết.

Thành tích của Ban Binh vận Trung ương ghi nhận công lao của 145 anh hùng, liệt sĩ; 376 thương binh; 203 người bị địch lưu đày khổ sai; 809 gia đình cơ sở nội tuyến khoác trên mình “trang phục” Mỹ-ngụy nhưng vẫn luôn đau đáu niềm tin, sáng ngời bản chất cách mạng. Trong cuộc hội ngộ của hơn 200 cán bộ, chiến sĩ nguyên là thành viên của Ban Binh vận trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, họ bồi hồi ôn lại truyền thống hào hùng. Đội quân “sống trong lòng địch” nay người còn sống, người đã ra đi mãi mãi, nhưng chiến công của họ mãi âm vang trong bản hùng ca của cả dân tộc. Tại buổi hội ngộ, nhiều người được nhắc đến tên tuổi và chiến công hiển hách khi đang khoác trên mình bộ đồ “lính ngụy” nhưng họ đã đem lại chiến công cho cách mạng.

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lực (Bảy Lực).

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lực (Bảy Lực).

 Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lực (Bảy Lực) được cách mạng “cài” vào hàng ngũ địch với quân hàm hạ sĩ. Ngày 7-2-1966 trong trận càn Johnson City, Bảy Lực đã dùng vũ khí của địch bất ngờ từ trong lòng địch nổ súng tiêu diệt 50 lính Mỹ, bắn cháy 3 xe bọc thép, chiếm giữ 1 xe bọc thép của giặc, tự lái xe đem giao cho cách mạng. Sau giải phóng miền Nam, Bảy Lực công tác tại Công an TPHCM và nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.

Đồng chí Trương Nhật Quang (Tư Quang) được bố trí vào lực lượng địch, được chúng cho đi học Trường sĩ quan Thủ Đức, rồi đi tu nghiệp tại Malaysia. Tư Quang đã từng bước “leo cao” trong đội hình quân địch tới chức vụ tiểu đoàn trưởng; cách mạng bố trí thêm lực lượng hỗ trợ Tư Quang, để thành lập Chi bộ Đảng bí mật trong hàng ngũ địch. Ngày 16-8-1968, Tư Quang và Chi bộ Đảng đã lãnh đạo “từ trong đánh ra” phối hợp lực lượng của ta bên ngoài đánh vào, tiêu diệt gọn 5 đại đội lính ngụy tại trại Ba Chúc và đồn Phổ Đà tỉnh Bến Tre. Sau giải phóng, đồng chí Tư Quang được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có chức Phó Chủ tịch UBND quận 6 TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Văn Thôn (Hai Thôn) được cách mạng cài vào làm lính quân giới tại sân bay Biên Hòa; trong 2 năm 1972 và 1973, Hai Thôn đã bí mật gây ra 4 vụ nổ bom tại sân bay Biên Hòa như những vụ tai nạn ngẫu nhiên, tiêu diệt 2 tên Mỹ, làm bị thương 61 tên khác; phá hủy 150 quả bom, làm hư hại 70 máy bay chiến đấu của Mỹ-ngụy. Tháng 7-1973, Hai Thôn bị giặc nghi ngờ, bắt đày đi Côn Đảo. Sau giải phóng, Hai Thôn về làm công tác quản lý tại Khu công nghiệp Tân Bình.

Trong cuộc “hội ngộ” còn nhiều tên tuổi, nhiều chiến công thầm lặng, hiển hách được nhắc đến như phi công Nguyễn Thành Trung lái máy bay ném bom xuống Dinh Độc Lập; anh hùng Lê Quang Ninh lãnh đạo cả tiểu đoàn lính ngụy gần 300 người đảo ngũ trở về với cách mạng; thiếu úy sĩ quan ngụy Phùng Văn Mười làm nội ứng cho cuộc binh biến tại trung đoàn thiết xa ngụy ở Gò Đậu, Bình Dương...

Chị Nguyễn Thị Mát (bên phải, đội nón).

Chị Nguyễn Thị Mát (bên phải, đội nón).

Cuộc “Hội ngộ 50 năm” của 130 cán bộ, chiến sĩ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và các cơ quan thuộc Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam diễn ra tại Suối Chò, Tây Ninh vào những ngày cuối năm 2010. Bao kỷ niệm hào hùng, bao điều để nhớ, để thương trong những năm tháng hào hùng, có máu, có lửa và cả hoa rừng. Nay mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng tư, nhưng ai nấy đều đau đáu một nỗi lòng “nhớ người, nhớ rừng, nhớ những đêm lửa trại, những tiếng chim kêu, những đóa lan rừng”.

Mọi người lặng đi khi nhắc đến chị Lan Anh, con gái cụ Huỳnh Tấn Phát. Lan Anh là nữ sinh Sài Gòn, theo cha ra căn cứ kháng chiến. Tổ chức bố trí cho Lan Anh ra Hà Nội tiếp tục học tập, nhưng chị kiên quyết xin được ở lại. Trong một lần đi công tác, Lan Anh bị địch bắn bị thương và chúng bắt chị đưa lên máy bay trực thăng đưa về Sài Gòn. Lợi dụng sơ hở của địch, Lan Anh đã buông mình từ trên máy bay xuống đất, “thà hy sinh chứ nhất quyết không chịu sa vào tay giặc”. Tấm gương hy sinh anh dũng của Lan Anh đã khích lệ bao trái tim nhiệt huyết, quyết một lòng đóng góp công sức đánh đuổi giặc giải phóng quê hương.

Cụ Nguyễn Tấn Lực (Sáu Lực) nay đã 83 tuổi nhưng còn khá khỏe mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn. Từ năm 1961 đến 1975, cụ Lực làm thư ký riêng cho đồng chí Võ Chí Công (nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước giai đoạn 1987-1992). Cụ Lực bồi hồi nhớ lại: “Bác Công là người rất sâu sát, bác luôn luôn bám sát thực tế, gần gũi, thân mật với cán bộ, chiến sĩ, thích ra tận chiến trường, muốn tận mắt chứng kiến mọi diễn biến”. Cụ Lực từ một chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật tại nước Lào, tháng 6-1959 về nước, được điều về Tây Ninh, sau đó được phân công làm thư ký cho đồng chí Võ Chí Công. Năm 1964, cụ Lực xây dựng gia đình, lấy vợ cũng là cán bộ công tác tại căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hiện nay cả 2 cụ nghỉ hưu; tuy tuổi cao nhưng cụ Lực vẫn tham gia làm tổ trưởng tổ dân phố 30, khu phố 3, phường 13 quận 3.

Chị Nguyễn Thị Mát, sinh năm 1943, từ năm 1965 đến 1975 làm “chị nuôi” tại căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chị Mát cùng vài người nữa được giao nhiệm vụ chăm lo việc ăn uống cho đồng chí Nguyễn Hữu Thọ. Nay chị Mát đã về sống với nghề làm ruộng tại Long An, kinh tế gia đình còn rất khó khăn, nhưng năm nào Ban liên lạc tổ chức “về nguồn” chị đều hào hứng tham gia.

NGUYỄN KHẮC LUÂN (xã Suối Đá, DMC, Tây Ninh)

Tin cùng chuyên mục