Ấn tượng Tây Bắc

Không còn nỗi lo
Ấn tượng Tây Bắc

Tôi có việc riêng ở Sơn La. Nghĩ đến chặng đường đi, nhất là đoạn từ Hà Nội lên thấy ngại vô cùng vì lâu nay, nghe nói lên vùng đó, đường sá khó đi lắm, phương tiện vận tải cũng không thuận… Hỏi thăm thông tin từ nhiều người, được biết dạo này đường sá thông thoáng, xe cộ nhiều và thoải mái. Nghe thế, nhưng chưa thật yên lòng...

Cây đào Tô Hiệu. Ảnh: C.T.V.

Cây đào Tô Hiệu. Ảnh: C.T.V.

Không còn nỗi lo

Xuống máy bay ở Nội Bài,  chúng tôi đón taxi đến Bến xe Mỹ Đình để thăm dò xe lên Sơn La. Bến xe thời đổi mới khác hẳn trước đây, xe đi các địa phương xuất bến suốt cả ngày lẫn đêm nên phòng vé cũng mở cửa bán vé liên tục. Cô nhân viên bán vé giảng giải khá cặn kẽ giá vé của xe to, xe trung, xe nhỏ và nhắc nhở: Các bác đi chuyến 7 giờ thì 7 giờ kém 15 có mặt nhé. Đi ra sân đón khách lối này này…

Sáng hôm sau, chúng tôi ra bến sớm. Xe chạy chuyến 7 giờ đã chờ sẵn. Đó là xe giường nằm của Công ty Hải Vân. Hành lý to, nhỏ, nặng nhẹ của khách đều được để ở khoang gầm xe; khi lên cửa xe, mỗi khách được nhà xe đưa cho một túi ni lông để dựng giày, dép rồi chỉ chỗ cho một cách nhã nhặn.

Quốc lộ 6 Hà Nội - Sơn La với nhiều cung đường có chất lượng kỹ thuật không đồng đều, nhưng nhìn chung không đến nỗi tồi; mặt khác trên xe có chỗ cho khách ngồi hoặc nằm khá thoải mái, có màn hình ở phía trước để xem phim, nghe ca nhạc… nên hầu như không ai kêu ca, phàn nàn gì. Qua mấy điểm dừng chân ở Kỳ Sơn (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La)… xe dừng lại để khách ăn sáng, ăn trưa; các nhà hàng đều chuẩn bị cho mỗi hành khách một đôi dép xốp để đi tạm; đồ ăn ở các quán đều khá ngon và không đắt; chủ quán không ép buộc theo kiểu “cơm tù” như trước nữa…

Trên xe, tôi làm quen với một hành khách. Bà cho biết quê ở Hà Đông, năm nay đã ở tuổi 79, có cô con gái út lấy chồng rồi sinh sống ở Sơn La. Ngày cô út lấy chồng, ai cũng ái ngại vì đường sá xa xôi, biết khi nào mẹ con, bà cháu mới gặp nhau… Thế nhưng, mấy năm gần đây, do đường thông, xe thuận, nên cứ dịp tết, hè, lễ hội… con, cháu bà đều về thăm; còn bà, mỗi năm, lên thăm con, cháu vài lần. Bà cứ nói mãi rằng bây giờ đi xe thuận tiện lắm, già thế này nhưng không mệt mỏi gì đâu...

Xong việc ở Sơn La, tôi đi Điện Biên. Đường từ Sơn La lên Điện Biên dài gần 200km, tuy có quanh co hơn, nhưng mặt đường cũng rộng và tốt. Ngồi trên xe, một bạn đồng hành giới thiệu cho tôi biết là xe đang đi trên cung đường đèo lịch sử Pha Đin nhưng đường đã mở rộng, dốc đã hạ nên xe vẫn bon bon; phần đường bên địa phận Điện Biên đã mở theo tuyến mới nên xe không phải leo lên đỉnh đèo nữa.

Thấy đi bằng ô tô khách không đến nỗi quá vất vả, nên xong việc ở Điện Biên, đa số trong chúng tôi lại thay đổi kế hoạch, không về Hà Nội bằng máy bay như dự định ban đầu, mà cùng đi ô tô để vừa để kiểm nghiệm lại thực tế, vừa để tiết kiệm. Chiếc xe 44 giường nằm của Nhà xe Cường Lệ (Điện Biên) đầy khách, xuất bến lúc 7 giờ tối. Khách lên xe nhộn nhạo một lúc rồi… giường ai, người ấy ngủ. Nửa đêm xe dừng ở Thuận Châu (Sơn La), nhà xe “đãi” khách một bữa cơm khá thịnh soạn với thịt gà luộc, giò thủ, rau cải xào…; ai có nhu cầu còn có chai rượu trắng nữa. Nghe nói giá một phần ăn chỉ 50.000 đồng, đương nhiên trong tiền vé xe mình đã trả rồi, nhưng như thế cũng thấy ấm lòng. Ăn xong, hành khách lên xe, lại nhốn nháo một chút, rồi lại lăn ra ngủ; khi tỉnh dậy xe đã vào Đại lộ Thăng Long… Khi đến Bến xe Mỹ Đình, đồng hồ mới chỉ gần 7 giờ sáng.

Bây giờ nỗi lo đường sá lên Tây Bắc trong tôi không còn nữa. Nếu có điều kiện, tôi lại lên thăm Sơn La, Điện Biên… Ngại gì!

Miền đất của những di tích lịch sử

Nói đến Sơn La, Điện Biên, nhiều người nghĩ ngay đến miền đất có nhiều di tích lịch sử, như ngục Sơn La, Chiến trường Điện Biên Phủ… những “địa chỉ đỏ” nổi tiếng khắp thế giới. Với những lớp người như tôi (năm nay bước sang tuổi 56) thì những bài học “Cây đào Tô Hiệu”, bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” hoặc khúc hát “Giải phóng Điện Biên”… đã được học từ cấp 1. Ấy thế, ước ao mãi, phải đến hôm nay mới được đến tận nơi. Bởi thế, khi giải quyết xong việc riêng, địa điểm thăm thú đầu tiên của chúng tôi ở Sơn La là Khu di tích Nhà ngục Sơn La. Ở Điện Biên cũng vậy, chúng tôi đã giành nhiều thời gian đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ, tiếp đó tham quan các địa điểm lịch sử, bảo tàng…

Vì đã được học, đọc, nghe đến thuộc nằm lòng những địa danh, nhân vật, diễn biến sự kiện… nên dù lần đầu đến, nhưng hầu như chúng tôi không quá ngỡ ngàng. Điều gây ấn tượng nhất là ở các khu di tích này có rất nhiều em nhỏ cũng thuộc nằm lòng các sự kiện và tự nguyện làm “hướng dẫn viên không chuyên”, giúp du khách hiểu tường tận thêm nhiều tình tiết.

Khi đến thăm Khu di tích Nhà ngục Sơn La, chúng tôi được một em trai tên Đinh Việt Anh, người dân tộc Mường, 13 tuổi, học sinh lớp 7 đi theo và giới thiệu khá ngọn ngành về xuất sứ cây đào Tô Hiệu, nơi đồng chí Tô Hiệu bị biệt giam, bể chứa nước để thủ tiêu tù nhân… Nhiều lúc cậu bé còn cao hứng làm thay chị nhân viên hướng dẫn hoặc bổ sung cho những nội dung mà chị giới thiệu quá vắn tắt. Khi chuẩn bị ra về, tôi hỏi: Làm sao cháu biết những điều này? Việt Anh nói: Nhà cháu ở gần đây, lúc nào rảnh, cháu đều lên đây chơi, đi theo các đoàn. Được nghe nhiều lần các cô, các chị hướng dẫn viên giới thiệu cho khách nên thuộc. Cháu kính phục ông Tô Hiệu và các ông cán bộ cách mạng ở đây và căm ghét bọn thực dân lắm…

Ở quần thể Mường Phăng thuộc Khu Di tích lịch sử Điện Biên Phủ cũng có nhiều đứa trẻ nhiệt tình như vậy. Những cậu bé người Thái, người Mán… chỉ mới 12, 13 tuổi đi bán dạo thảo dược, nhưng cũng thuộc “như cháo chảy” diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và làm “hướng dẫn viên” miễn phí, đồng thời cũng bày tỏ thái độ về các đối tượng tương tự như cháu Đinh Việt Anh ở Sơn La.

Thật thú vị khi ở miền đất có nhiều di tích lịch sử này đã, đang và sẽ có những lớp trẻ biết, hiểu và tôn trọng những giá trị tinh thần to lớn mà thế hệ cha, anh đã không tiếc tuổi xuân tạo nên.

Nơi giao hòa bản sắc văn hóa

Những ngày ở Sơn La, Điện Biên, chúng tôi có dịp tham gia nhiều hoạt động xã hội như dự đám cưới, đi chợ,  dự liên hoan văn hóa thể thao, xem biểu diễn văn nghệ ngoài trời, thăm các di tích lịch sử, công trình xây dựng… Đến đâu cũng thấy ở nơi này, văn hóa các dân tộc hòa quyện với nhau. Ở Sơn La, chúng tôi có dịp dạo chợ trung tâm thành phố. Chợ có nhiều hàng hóa bản địa như thổ cẩm, thảo dược, thực phẩm tươi sống.

Chúng tôi ghé lại một quầy bán thổ cẩm có cô chủ quán còn trẻ, trang phục khá “mốt”, ăn nói dịu dàng. Khi tôi hỏi: Cháu ở đâu lên đây buôn bán? Cô bé cười: “Quê cháu ở đây, cháu người dân tộc Thái”. Anh bạn đồng nghiệp là “thổ dân” dẫn chúng tôi đi xác nhận cô chủ này nói đúng và cung cấp thêm thông tin: Ở chợ này, nếu chỉ nhìn bề ngồi, khó phân biệt người Kinh hay người Thái, người Mông, người Mường lắm vì họ vóc dáng như nhau, trang phục giống nhau, trao đổi với nhau cùng một thứ ngôn ngữ. Người Kinh biết nói tiếng người Thái, người Thái nói sỏi tiếng Kinh…

Ở Điện Biên, một bữa đi ăn sáng, chúng tôi được bạn đồng nghiệp đưa tới một quán phở “Mèo”. Anh lái xe trên đường đi nói như vậy cho vui chứ tên quán không phải thế. Đó là một căn nhà tầng khá đẹp. Hai bên vách, chủ quán treo la liệt các loại vũ khí thô sơ như ná, lao, khiên và rất nhiều nhạc cụ dân tộc, trong đó chủ yếu là khèn của người Mông. Ông chủ quán mặc áo người Mông, vợ cũng mặc áo, váy của người Mông… Đến khi vui chuyện hỏi thăm, té ra ông ta là người Kinh quê ở Nam Định. Ông kể: “Tôi đi bộ đội, đóng quân ở vùng người Mông. Ở với người Mông mãi thành quen và thích phong cách sống của người Mông. Về hưu, làm thêm chút đỉnh cho vui. Không còn được mặc quân phục nữa thì tôi mặc đồ của người Mông. Không phải để “làm hàng” đâu mà vì yêu thích thật sự. Món ăn của người Mông cũng độc đáo lắm. Nếu các anh có dịp quay lại, tôi “đạo diễn” cho thưởng thức vài món…”. Thì ra, quán phở “Mèo” là cái tên ám chỉ nói đến ông chủ quán người Kinh thích trang trí trong nhà, trên người màu sắc của người Mông.

Nói thế không có nghĩa các dân tộc ở đây đã bỏ hết bản sắc riêng của mình. Trong đời sống hàng ngày, nhất là trong lễ hội, có lúc, có nơi, người Thái, người Mông, người Mường… ở Sơn La, Điện Biên vẫn mặc trang phục riêng của dân tộc mình. Phụ nữ Thái đã có chồng vẫn búi tóc “tằng cẩu” trên đầu, kể cả đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; phụ nữ Mường vẫn áo trắng, váy đen, thắt lưng xanh, đỏ...

Chỉ có mấy ngày “cưỡi ngựa, xem hoa”, nhưng những gì “mắt thấy, tai nghe” đã giúp tôi khẳng định rằng, Tây Bắc có một cộng đồng người đã sống trong sự giao hòa để cùng phát triển, nhưng họ cũng luôn có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng vốn có của dân tộc mình. 

Tây Bắc trên đường phát triển

Đem câu chuyện về giao thông từ Hà Nội lên vùng Tây Bắc khá thuận tiện nói với những người quen và bạn đồng nghiệp ở Sơn La, Điện Biên, chúng tôi đều được nghe họ trả lời giống nhau: Từ ngày Nhà nước đầu tư các công trình quốc gia ở đây, Tây Bắc đã có điều kiện phát triển và thật sự đang phát triển mạnh mẽ… Trong đó có những công trình quốc gia như 3 dự án trên sông Đà, là thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu. Chính từ những công trình lớn, hàng loạt cơ sở hạ tầng, ngành nghề và cả những lĩnh vực xã hội của các tỉnh Tây Bắc nằm ở phía Nam Sông Đà cũng đang phát triển.

Những điều tai nghe, mắt thấy đã mách bảo tôi rằng hôm qua, hôm nay và cả những ngày mai nữa, Tây Bắc đang cùng cả nước trên đường phát triển.

Bùi Đức Thịnh

Tin cùng chuyên mục