Dòng sông và những nhịp cầu

Con sông Hàn như chia đôi TP Đà Nẵng làm hai mảnh. Mảnh bờ Tây phố xá thênh thang; mảnh bờ đông xác xơ nghèo nàn đến tội. Nhưng, chuyện ấy nay đã thành dĩ vãng. Đà Nẵng bây giờ, bờ đông cũng thênh thang phố xá…
Dòng sông và những nhịp cầu

Con sông Hàn như chia đôi TP Đà Nẵng làm hai mảnh. Mảnh bờ Tây phố xá thênh thang; mảnh bờ đông xác xơ nghèo nàn đến tội. Nhưng, chuyện ấy nay đã thành dĩ vãng. Đà Nẵng bây giờ, bờ đông cũng thênh thang phố xá…

Cầu Rồng hướng ra biển lớn, niềm tự hào của người dân Đà Nẵng sau 16 năm xây dựng thành phố.

Cầu Rồng hướng ra biển lớn, niềm tự hào của người dân Đà Nẵng sau 16 năm xây dựng thành phố.

1. Dòng sông Hàn như dải lụa nằm vắt vẻo từ hướng Tây Nam xuôi về phía Đông Bắc rồi đổ ra cửa Hàn. Con sông là nơi hội tụ của 3 dòng sông trước khi đổ ra biển lớn. Con sông Yên (hạ lưu dòng Vu Gia) nhập chung với sông Túy Loan tại Hòa Vang, đến Cẩm Lệ lại nhập thêm một nhánh sông từ Vĩnh Điện (thuộc hệ thống sông Thu Bồn) và tạo thành sông Hàn. Đã tự bao giờ, dòng sông Hàn cứ thơ mộng, êm đềm, chẳng bao giờ phẫn nộ như những dòng sông khác ở miền Trung. Dù mùa mưa hay nắng, dòng sông Hàn cứ êm đềm những cánh bèo trôi xuôi ra biển lớn.

Quê tôi tít phía Tây Hòa Vang, cực Tây thành phố, nơi có dòng sông Yên xanh mát. Ngày còn nhỏ, tôi cùng chúng bạn trốn nhà ra bến đò An Trạch tắm sông, rồi xin quá giang đò dọc của gia đình bạn đi từ sông Yên xuôi xuống sông Hàn. Đoạn sông chỉ chừng mươi cây số. Nhưng với chúng tôi, cái tư duy trẻ con “tầm nhìn chưa vượt lũy tre làng” ngày ấy, lần đầu tiên ngồi trên con đò dọc xuôi từ quê ra phố nhiều cảm giác đến khó tả. Khác với dòng sông quê tôi, dọc hai bờ sông Hàn, một bên là phố xá nhộn nhịp, một bên nghèo xơ chẳng khác lắm quê tôi. Ngày đó, tôi chẳng thể hiểu tại sao hai bờ sông Hàn, một bên phố xá giàu có, một bên lại nghèo nàn…

Rồi tôi đi học, ra phố sinh sống. Ước một lần ngược phố về quê bằng đường sông, dù đường ô tô về quê tôi đã phẳng lì và rộng lớn, chẳng còn dốc dương như ngày trước. Năm 2008, sau 4 năm đi làm, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình, ngược sông Hàn về sông Yên bằng thuyền máy. Cái cảm giác vẫn mới nguyên như ngày nào. Chỉ có khác, lần này, hai bên bờ sông Hàn cũng đã… giàu có như nhau. Bức tranh “dòng sông tương phản hai bờ phố - quê” ngày nào được thay bằng “bức tranh phố xá thênh thang”, với gam màu sáng, với những tòa nhà chọc trời, dọc hai bên bờ sông Hàn.

2. Phía bờ Đông sông Hàn, chỉ cách đây 16 năm thôi, ngày Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ là một vùng đất hoang sơ và nghèo nàn. Ngày đó, dọc bờ Đông sông Hàn là mớ nhà chồ ộp ẹp, lộn xộn, nghèo nàn và lạc hậu.

Ngày trước giải phóng, chính quyền Sài Gòn chia phía bờ Tây sông Hàn là Quận Nhứt (Nhất), Quận Nhì (Hải Châu, Thanh Khê bây giờ) và bờ Đông là Quận Ba (Sơn Trà và một phần Ngũ Hành Sơn ngày nay). Bên bờ Tây là đô thị lớn thứ 2 miền Nam nhưng phía bên kia bờ Đông là miền biển nghèo xác xơ. Cho đến năm 1997, hai bên bờ Đông - Tây sông Hàn vẫn còn bức tranh tương phản với hai gam màu sáng - tối rõ rệt. Phương tiện duy nhất để nối hai bên bờ sông ngày ấy là đò ngang và con phà cũ nát. Đò ngang cách trở, cuộc sống con người miền biển khốn khó theo. Cái “tương phản phố - quê” ấy không biết tự bao giờ đã đi vào câu ca của người Đà Nẵng như lời ai oán: “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn, thấy xanh xanh tàu lá/Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn, phố xá thênh thang”.

Cầu quay sông Hàn, niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Khôi

Cầu quay sông Hàn, niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Khôi

Mãi đến cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, dọc bờ Đông sông Hàn vẫn lằng nhằng lịt nhịt những dãy nhà chồ tạm bợ, rách nát và lạc hậu. Đời sống người dân ba bữa vẫn trông chờ vào mớ cá tôm nơi dòng sông. Vì thế, người đời ác miệng đặt câu ca: “Con gái Quận Ba không bằng bà già Quận Nhứt”. Cái địa danh “Quận Ba” trải qua nhiều thế hệ và dường như gắn với bao sự khốn khó của vùng đất bờ Đông. Cái địa danh ấy gắn với sự chia cắt Đông - Tây, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Đến nỗi, ngày nay, dù đã phát triển, miền biển nghèo xơ xác ngày nào đã thành phố, thành phường với những tòa nhà chọc trời, dù tên đất được thay bằng cái tên mỹ miều: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… nhưng với người dân, vùng đất ấy vẫn cứ là “Quận Ba”. Thậm chí, khi một người “Quận Ba” qua phía bờ Tây về, ai hỏi “đi đâu?” vẫn cứ thản nhiên trả lời “đi Đà Nẵng”, dù nơi họ đang ở đã là Đà Nẵng đấy thôi.

3. Kể từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (29-3-1997), Đà Nẵng như một chàng trai trẻ với bao điều ước vọng và với… hai bàn tay trắng. Rồi thành phố chuyển mình, bỗng chốc trở thành một “đại công trường”. Rồi đường sá được mở rộng, những khu đô thị mới bắt đầu được xây dựng dọc hai bên bờ sông Hàn. Cùng với đó, xuất hiện những chiếc cầu được bắc qua sông Hàn, khơi sáng vùng đất đầy tiềm năng nhưng không ít khốn khó.

Năm 1998, sau khi tách tỉnh được một năm, TP Đà Nẵng đã đứng ra vận động nhân dân đóng góp xây dựng cầu quay sông Hàn, thay thế cho cái bến phà cũ kỹ, lạc hậu và rập rình hiểm nguy. Cầu quay sông Hàn, biểu tượng của TP Đà Nẵng, ra đời không chỉ giải quyết những bức bách về giao thông mà còn là chiếc cầu đưa vùng đất “Quận Ba” thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu. Ngày 29-3-2000, đúng sau 25 năm ngày giải phóng thành phố, nhịp cầu quay sông Hàn, chiếc cầu được xây bằng sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng, chính thức được khánh thành nối liền hai bờ Đông - Tây trong niềm hân hoan khôn xiết. Chiếc cầu quay sông Hàn dù không mang đến niềm vui trọn vẹn bởi chuyện “hậu kỳ”, song với người dân Đà Nẵng, chiếc cầu ấy vẫn xứng đáng là biểu tượng của thành phố bởi đó là nhịp cầu của sự đồng thuận, là bước ngoặt để đưa TP Đà Nẵng vươn lên. Sau dấu ấn “cầu quay sông Hàn”, nhiều nhịp cầu bắc qua sông Hàn cứ lần lượt mọc lên. Nào cầu Cẩm Lệ, cầu Tuyên Sơn, cầu dây võng Thuận Phước… chấm dứt nhiều thế kỷ người Đà Nẵng sống trong sự chia cắt của sông Hàn.

Một tháng 3 nữa lại về, sau 38 năm kể từ ngày giải phóng, dòng sông Hàn vẫn vẻ hiền hòa như năm xưa nhưng thêm phần lộng lẫy bởi sự trang hoàng của ánh sáng phố phường. Sông Hàn nay lại được điểm tô bởi ba nhịp cầu mới, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Tri Phương. Ba chiếc cầu này được khánh thành đúng vào ngày kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, 29-3-2013. Đến nay, 9 cây cầu bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng, như những chiếc lược ngà điểm tô trên suối tóc người thiếu nữ. Và, dọc hai bờ sông Hàn với những khu đô thị mới, những con đường “5 sao” và những tòa nhà chọc trời.

Sau 16 năm tái lập, Đà Nẵng bỗng chốc trở thành một thành phố trẻ năng động và đầy hấp lực. Cả nước dõi theo sự phát triển của Đà Nẵng. Đặc biệt, vùng đất khốn khó ngày nào nay đã thay da đổi thịt, như “nàng công chúa ngủ quên” được đánh thức. “Quận Ba” đã khoác lên mình xiêm y mới, đi bên cạnh chàng hoàng tử đầy hào hoa “Quận Nhất”. Với bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn và đặc biệt là “bãi biển đẹp nhất hành tinh”, bờ Đông sông Hàn trở thành một thành phố mới, sóng đôi cùng người anh em bờ Tây. Đà Nẵng đang bay lên, hướng ra biển lớn, như chính mong ước của người đi xây cầu Rồng, cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hàn, với đầu Rồng hướng về phía biển Đông.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục