Quyền lực ngầm trong thế giới ảo

Thiệt đơn, thiệt kép
Quyền lực ngầm trong thế giới ảo

Đầu tháng 3, cộng đồng mạng xã hội Facebook xôn xao với câu chuyện một thiếu nữ có nickname Thúy Kami bị “tố” thu về gần 700 triệu đồng nhờ mua bán mỹ phẩm “dỏm”. Ngay lập tức, có hàng chục hội “anti” được lập ra nhằm kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay loại mỹ phẩm trên. Chuyện chưa kịp lắng xuống, thì tiếp đó, đến lượt sữa dê Danlait bị “ném đá” dữ dội vì có ý kiến cho rằng loại sữa này không đảm bảo vi chất… Chuyện này tiếp nối chuyện kia khiến nhiều người hoài nghi: có hay không một nhóm người đứng sau các mạng xã hội lôi kéo dư luận để thực hiện mục đích nào đó?

Công nghệ số - lợi hay hại tùy người sử dụng. Ảnh: Mai Hải

Công nghệ số - lợi hay hại tùy người sử dụng. Ảnh: Mai Hải

Thiệt đơn, thiệt kép

Đến thời điểm này, vụ việc liên quan đến sữa dê Danlait (do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối) bị người tiêu dùng tố không đảm bảo vi chất đã được các cơ quan chức năng công bố. Cụ thể, tại buổi họp báo chiều 23-4, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Lê Văn Giang cho biết Công ty Mạnh Cầm đã vi phạm trong việc ghi nhãn phụ sản phẩm, chỉ ghi là “sữa dê Danlait” mà thiếu từ “thực phẩm bổ sung”. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi đến cho thấy chất lượng sản phẩm Danlait phù hợp với công bố của doanh nghiệp trên nhãn mác.

Như vậy, những thông tin liên quan đến vụ việc này được người tiêu dùng đưa lên diễn đàn suốt thời gian qua là thiếu cơ sở và sai sự thật. Thế nhưng, sự việc chưa dừng lại ở đó, khi mới đây, ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm, bộc bạch: “Công ty đang trên bờ vực phá sản... Trong khi đó, thành viên của Công ty Mạnh Cầm còn bị nhiều nickname trên diễn đàn dọa dẫm, lăng mạ với những lời nói tục tĩu, thậm chí còn dọa giết…”.

Thực ra, những hành vi bêu xấu, hạ uy tín đối thủ kinh doanh trên mạng xã hội, diễn đàn không phải mới. Cách đây gần 2 năm, Công ty TNHH Cơ khí ô tô Phạm Gia đã bị đối thủ kinh doanh cùng lĩnh vực tung bài sai sự thật lên mạng xã hội nhằm bêu xấu và hạ danh dự, uy tín. Cụ thể, một cá nhân đã viết bài phản ánh chế độ hậu mãi sau bán hàng của công ty không đúng như cam kết ban đầu. Sau đó, cá nhân này đã cho đăng bài viết lên diễn đàn Otosaigon.com (một trang web thuộc Công ty cổ phần Ô tô Xuyên Việt, quận Phú Nhuận, TPHCM). Trước sự việc đó, Công ty Ô tô Phạm Gia đã gửi đơn khiếu nại lên Sở TT-TT TPHCM. Kết quả, Công ty Ô tô Xuyên Việt cũng chỉ bị phạt 25 triệu đồng vì lý do “hoạt động khi chưa được Bộ TT-TT cấp giấy phép”. Đồng thời bắt buộc gỡ bỏ bài viết không đúng sự thật, đăng lời xin lỗi công khai. Dù diễn đàn đăng lời xin lỗi nhưng những thiệt hại đã xảy ra đối với Phạm Gia không hề nhỏ. Ngoài việc mất khá nhiều kinh phí quảng bá và xây dựng lại thương hiệu, doanh số của doanh nghiệp cũng giảm còn 35% sau khi bị diễn đàn bêu xấu.

Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với Công ty nệm Kymdan. Khi đó, đơn vị này đã bị một cá nhân có nickname Duong Thuy viết bài với chủ đề “Chất lượng đệm Kymdan không tốt như quảng cáo”, đồng thời đăng lên diễn đàn www.yeutretho.com.

Các diễn đàn có tiếp tay?

Sự việc cô giáo Thủy dạy văn Trường THPT Lômônôxốp (chấm 8 điểm cho bài văn của một học sinh mắc lỗi hiểu sai “canh gà Thọ Xương” thành một món ăn canh gà ở Hồ Tây) đã cho thấy chuyện bắt nạt, xúc phạm nhau trên mạng xã hội đang diễn ra như cơm bữa. Nghiêm trọng hơn, chuyện dùng sức mạnh dư luận để bắt nạt, lấn áp tinh thần của một ai đó không còn đơn giản là các video clip “offline” như trước. Thay vào đó, với sự bùng nổ mạng xã hội, hình thức bắt nạt đang dần chuyển sang “online” một cách rất rõ ràng. Một cuộc khảo sát nhỏ của Yahoo! Việt Nam gần đây cho thấy, hơn 14% người Việt trẻ đã và đang là nạn nhân của hội chứng này dưới các mức độ khác nhau. Còn tại Mỹ, số lượng nạn nhân với độ tuổi từ 12 - 18 chiếm tới 43%, trong đó không ít người đã chọn hình thức tự kết liễu đời mình vì không chịu nổi những áp lực.

Nhiều chuyên gia tâm lý thừa nhận, ở độ tuổi vị thành niên, giới trẻ có xu hướng nổi loạn. Càng bị bó hẹp trong gia đình, các em càng có xu hướng tìm đến các diễn đàn, mạng xã hội để thể hiện cái tôi của mình. Trong trường hợp này, những hành động kiểu bôi xấu, dằn mặt, đánh hội đồng, làm cho bỏ ghét… chính là sự biểu hiện rõ nhất. Nhưng điều đáng nói, nếu các diễn đàn, mạng xã hội có sự kiểm soát tốt, những câu chuyện đáng buồn vừa kể trên không thể xảy ra.

Ngày càng nhiều các “hội phát cuồng” có nội dung xấu xuất hiện trên các trang mạng xã hội.

Ngày càng nhiều các “hội phát cuồng” có nội dung xấu xuất hiện trên các trang mạng xã hội.

Một bạn trẻ có nickname hungvy, hiện là quản trị một diễn đàn mạng khẳng định, chuyện làm ngơ của các ông chủ diễn đàn là thật. Và mục đích đằng sau của sự im lặng này vì kinh tế. Cụ thể, bạn trẻ này cho biết các diễn đàn, mạng xã hội đang sống bằng tiền quảng cáo. Càng nhiều người truy cập vào trang, họ càng có tiền. Vì thế, nhiều diễn đàn đã thỏa mãn xu hướng của một bộ phận giới trẻ bằng những thông tin giật gân, bịa đặt; có khi đó là những video clip cảnh giường chiếu, gợi dục; hấp dẫn hơn là các cảnh “người lớn” của học sinh trường này, sinh viên trường nọ… Đặc biệt, gần đây, thông qua mạng xã hội lớn là facebook, hình thức “mua fan bán like” đang là phương pháp câu người dùng nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Nhiều Fanpage đã huy động được lượng người dùng đến cả trăm ngàn người chỉ trong chưa đầy 2 tháng. Điều mà các Fanpage trước đây phải mất ít nhất từ 3 - 4 năm. Theo tìm hiểu, hiện các ông chủ của Fanpage phải trả một số tiền nhất định cho các lập trình viên web hoặc bất cứ ai có khả năng tạo ra các ứng dụng nhằm “câu like”. Người sử dụng muốn sử dụng ứng dụng thì phải “like” page, từ đó các Fanpage đã có một lượng người dùng khủng một cách hợp pháp. Thông thường, một khách hàng muốn Fanpage của mình có 700.000 “like” sẽ phải chạy nhiều ứng dụng song song trong khoảng thời gian 2 tháng và số tiền phải trả vào khoảng trên 80 triệu đồng. Như vậy, mỗi lần người dùng nhấn nút “like”, nghĩa là họ đã làm giàu cho các đối tượng bán “like” ít nhất là 200 đồng.

Quản lý lỏng lẻo

Trước tình trạng gia tăng các hành vi bêu xấu, hạ uy tín doanh nghiệp trên mạng xã hội như vừa kể trên, từ năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 14, quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử (bao gồm diễn đàn, mạng xã hội và các web điện tử khác) trên Internet. Theo đó, cấm tạo trang thông tin điện tử giả mạo cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Mọi hành vi sai phạm đều phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, thông tư cũng quy định người quản lý TTĐT tổng hợp phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam, đồng thời đã tốt nghiệp đại học.

Thế nhưng trên thực tế, trong số gần 1.000 trang tin điện tử, mạng xã hội trực tuyến đang hoạt động, có không ít trang giả mạo, không có giấy đăng ký hoặc có trang chủ ở nước ngoài. Mới đây, Sở TT-TT Long An đã yêu cầu 17 trang thông tin điện tử tổng hợp và 2 trang mạng xã hội trực tuyến trên địa bàn tỉnh phải tháo dỡ nội dung do hoạt động khi chưa được cấp phép của Bộ TT-TT. Luật sư Nguyễn Khoa Nhân, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng: “Tùy theo mức độ thiệt hại của doanh nghiệp mà cá nhân có hành vi bêu xấu phải bị xử phạt hành chính đến hình sự. Tuy nhiên, luật quy định doanh nghiệp trong trường hợp này phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại. Nhưng thường chứng minh thiệt hại uy tín, danh dự rất khó. Khi chứng minh được thì có khi doanh số kinh doanh cũng bị sụt giảm thê thảm”.

Đồng quan điểm đó, ông Đào Kim Phú, Trưởng đại diện phía Nam Cục Quản lý phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) khẳng định: “Việc lợi dụng các mạng xã hội, các blog và diễn đàn mở để nói xấu cá nhân, doanh nghiệp là có thật và đang có chiều hướng gia tăng. Đây là thực trạng đã tồn tại kéo dài trong suốt thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cộng đồng mạng. Luật đã có chế tài cụ thể, các địa phương phải là đơn vị thực thi. Vì vậy, để đẩy lùi tình trạng này, cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện các trường hợp sai phạm để xử lý nghiêm. Để tăng tính răn đe, cần phải quy định thêm mức chế tài bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động Internet hoặc rút tên miền đã cấp phép…”.

* Theo khảo sát gần đây nhất của WeAreSocial, trong số 30,8 triệu người sử dụng Internet ở Việt Nam có trên 8,5 triệu người dùng facebook và đây là mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam cuối năm 2012. Tính trung bình, ở Việt Nam, cứ 3 giây lại có người đăng ký dịch vụ facebook.


* Chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2006 nhưng các diễn đàn, mạng xã hội đang phát triển chóng mặt. Nhiều mạng xã hội của Việt Nam đang thu hút đến hàng chục triệu thành viên đăng ký tham gia như go, zing me, tamtay… Tại sao chúng lại phát triển mau lẹ như vậy? Trước hết, mạng xã hội thỏa mãn được nhu cầu giao tiếp, tìm tòi thông tin của giới trẻ. Đồng thời, giới trẻ có thể phản hồi theo ý kiến cá nhân mình mà không sợ vấp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè hay xã hội. Thế nhưng, các diễn đàn hay mạng xã hội đang dần trở thành nơi giới trẻ bày tỏ cảm xúc, nơi mà “hỉ, nộ, ái, ố” đều có thể bộc phát bằng những câu nói thiếu văn hóa, dung tục. Chưa kể, một bộ phận giới trẻ còn tạo lập ra các “hội anti fan”, “hội những người ghét…”, “hội khó đỡ vì…” để tìm kiếm sự hậu thuẫn của các thành viên khác trên diễn đàn.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục