Trải nghiệm Bình Ba

Để lại phía sau cảnh ồn ào phố thị, nhóm chúng tôi quyết định chọn Bình Ba đi tour trong những ngày hè. Việc chọn phương tiện di chuyển cũng “ồn ào” không kém khi có thành viên muốn sử dụng mô tô, người đòi đi máy bay… cuối cùng gút lại tiện nhất là xe giường nằm. Nhưng chọn hãng xe nào: “Chị Trang (xe Phương Trang) hay anh Linh (xe Mai Linh hoặc Hà Linh)?”.
Trải nghiệm Bình Ba

Để lại phía sau cảnh ồn ào phố thị, nhóm chúng tôi quyết định chọn Bình Ba đi tour trong những ngày hè. Việc chọn phương tiện di chuyển cũng “ồn ào” không kém khi có thành viên muốn sử dụng mô tô, người đòi đi máy bay… cuối cùng gút lại tiện nhất là xe giường nằm. Nhưng chọn hãng xe nào: “Chị Trang (xe Phương Trang) hay anh Linh (xe Mai Linh hoặc Hà Linh)?”.

Du khách lặn biển và vui chơi ở bãi Nhà Cũ

“Chị Trang” cũng… delay

Đêm ấy, Sài Gòn chợt đổ mưa tầm tã nhưng chúng tôi vẫn đến trước điểm hẹn đón khách ở khu phố Tây trước nửa giờ. Tuy nhiên, gần đến giờ khởi hành như ghi trong vé thì trên loa phóng thanh của hãng xe phát đi thông báo: “Quý khách đi tuyến Cam Ranh, Nha Trang xuất phát lúc 22 giờ vui lòng thông cảm! Vì lý do kỹ thuật nên xe sẽ khởi hành trễ từ 30 đến 45 phút”. Nhiều hành khách ồ lên: “Xe khách mà cũng delay chẳng khác nào đi máy bay!”, rồi mọi người cùng tỏa ra khu phố Tây tìm món ăn tối trong khi chờ đợi.

Xuất bến đã trễ giờ nhưng khi ra khỏi đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, xe lại “lủi” vào đường tỉnh lộ xuyên giữa rừng cao su vừa nhỏ hẹp, lại đầy “ổ gà, ổ voi” nên chạy rất chậm và tuy nằm giường nhưng hành khách cũng chao đảo vì dằn xốc. Đến khu nhà dân thưa thớt, xe dừng lại giao dịch gì đó vài phút rồi mới thẳng tiến vào trung tâm huyện Long Khánh để trở ra quốc lộ 1. Bây giờ chúng tôi mới cảm nhận được vì sao hãng xe của “chị Trang” bị “ném đá” không ít trên những trang mạng xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, chưa tới 5 giờ nhưng trời đã sáng trắng và hai bên đường cây cỏ héo úa, đồng ruộng khô cằn. Hạn hán đã gây nhiều thiệt hại nên trung tuần tháng 6 vừa rồi, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã buộc phải công bố tình trạng hạn hán là thiên tai ở tỉnh này. Đoạn quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh cũng đang được thi công mở rộng nên lòng đường hiện tại bị… thu hẹp bởi rào chắn. Bỗng có âm thanh “xoảng” của tiếng kính vỡ ở phía cuối xe. Hành khách nháo nhào: “Xe bị ném đá”, “Không phải! có va chạm với xe sau”. Hai phụ nữ trẻ có 2 con nhỏ chừng 3-4 tuổi nằm giường trên phía đuôi xe cùng la lớn: “Dừng xe. Con tui bị chảy máu rồi!”. Qua khỏi cầu Bầu Ấu (thuộc xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) xe tấp vô lề, phía sau xe khách Đức Tâm mang biển số 17K - 9739 chở khách đi Hà Nội cũng nối đuôi dừng lại. Tài xế hai xe cùng nhiều hành khách xuống quan sát. Xe Phương Trang bị vỡ toàn bộ tấm kính lớn phía cuối bên phải, xe khách mang biển số Thái Bình bể kính chiếu hậu phía trước bên trái. Thì ra, khi đến gần cầu Bầu Ấu, xe Phương Trang vượt trái qua mặt xe Đức Tâm nhưng chưa qua hết khoảng cách an toàn đã lấy lái vào trong nên đuôi xe “cạ” vào kính chiếu hậu của xe Đức Tâm. Xem lại thì kính vỡ không làm 2 cháu bé bị thương nhưng đầu tóc của 2 đứa nhỏ dính đầy mảnh vụn li ti của kính và rất khó gỡ ra từng miếng một. Bị thương nhẹ nhiều chỗ ở đôi chân chính là hai người mẹ của bé vì đều mặc… quần shorts. Trong lúc đó, tài xế hai bên tranh luận: “Xe anh không chịu nhường hết đường”, “Bên trong có rào chắn, tôi không thể bẻ lái vào được”, tài xế xe kia cãi lại rồi đòi bồi thường chiếc kính chiếu hậu 15 triệu đồng. Cuộc thương lượng kéo dài gần 1 giờ chẳng đi đến đâu (bác tài xe Phương Trang muốn bồi thường 5 triệu đồng vì cả hai nhà xe đều mua bảo hiểm nên chi phí bảo hiểm lo), trong khi hành khách sốt ruột. Nhóm chúng tôi cũng bị nhân viên của Tùng “râu” (chủ tour du lịch trên đảo Bình Ba) hối thúc liên tục vì tàu ra đảo sắp khởi hành. Cũng may, phụ xe Phương Trang đồng ý gửi nhóm chúng tôi lên xe chạy sau (cũng của hãng này) ra bến xe Cam Ranh. Thế là từ giường nằm phải chịu khó ngồi bệt xuống sàn xe đi hơn 20km mới tới Cam Ranh và lên xe trung chuyển ra khu vực cảng Ba Ngòi đến bến tàu Đá Bạc để lên ca nô ra đảo.

Phía dưới là bãi Hòn Rùa

Khám phá thiên nhiên

Bình Ba là một đảo nhỏ diện tích trên 3km² thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; cách TP Nha Trang khoảng 60 km về phía Nam, cách bến tàu Đá Bạc từ 15-20 phút đi ca nô cao tốc hoặc trên dưới 1 giờ nếu sử dụng tàu khách vỏ gỗ (tùy điều kiện thời tiết). Hướng dẫn viên Võ Minh Thắng cho biết, dân trên đảo chỉ hơn 1.000 hộ (khoảng 5.000 dân) nhưng vào cao điểm tháng 6 mùa hè hay nghỉ lễ kéo dài ngày, nơi đây phải đón lượng khách gấp đôi số dân. Nhà nghỉ, khách sạn không còn phòng, du khách phải nằm võng nghỉ lưng trên các nhà bè nuôi tôm cá hoặc ngủ lều ngoài bãi biển.

Ca nô tấp vào nhà bè của Tùng “râu” để lên bờ và ông chủ trẻ này (34 tuổi) “phân phối” cho nhóm chúng tôi cứ 2 người 1 xe máy cùng 1 nón bảo hiểm. Hỏi sao có 1 nón? Tùng “râu” nhỏ nhẹ đáp lời: “Ở đây công an chỉ phạt người cầm lái không đội nón”. Bố trí cả nhóm vào một nhà nghỉ 3 phòng (có máy lạnh riêng nhưng nhà vệ sinh sử dụng chung với chủ nhà), Tùng “râu” mời qua quán cơm bên cạnh (cũng của chủ nhà trọ) ăn sáng “bao no” với món… bánh mì ốp la và uống nước thoải mái. Chị Uyên - trưởng nhóm hỏi: “Ủa, hai món kia đâu?”. Tùng “râu” vừa lăng xăng phụ chủ quán dọn bàn vừa trả lời: “Tại anh chị ra trễ nên 2 món bánh căn mực sữa và bánh canh chả cá hết rồi, thông cảm nhé!”.

 

* Trải nghiệm nét hoang sơ ở Bình Ba cũng có nhiều thú vị khác với đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhưng khách đi tour đến đây cần lưu ý sự mập mờ trên các trang mạng quảng cáo của chủ tour. Họ chỉ bao phương tiện đưa đi tham quan đảo, còn khi di chuyển bằng tàu hoặc ca nô từ cảng Đá Bạc vào đảo và ngược trở vào bờ, du khách phải trả thêm chi phí này. Thực đơn đãi mỗi khách 1 con tôm hùm 400g nhưng lúc bày ra thì 2 người/con vì biết khách ăn không hết…

 

Một chiếc ca nô khác đưa chúng tôi đến điểm tham quan đầu tiên là bãi Nhà Cũ để tắm và lặn biển xem san hô. Sở dĩ có địa danh này, theo Bá Hổ (cũng là nhân viên của “Tùng râu”), vài trăm năm trước có 5 gia đình từ Bình Định vượt biển vào đây dựng nhà lập nghiệp. Sau đó, do vịnh Cam Ranh trở thành khu quân sự nên họ phải dọn đi từ trước năm 1975 và hiện nay một đơn vị biên phòng đang đóng quân tại đây, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi tên bãi Nhà Cũ. Khách riêng của Tùng “râu” tại đây khá đông và ông chủ trẻ đến bằng đường bộ đem theo hũ cá bò da khô cùng túi dâu rừng để chúng tôi làm “mồi” lai rai với thùng bia mang theo. Tuy nhiên, chưa được nửa thùng thì có anh biên phòng đến “nhắc nhở” không được… nhậu nên chúng tôi “nhổ neo” trực chỉ bãi Hòn Rùa. Bãi này ít ai tắm, chủ yếu đến lặn biển vì san hô ở đây rất đa dạng, nhiều màu sắc, nước biển trong xanh; chỉ cần mặc áo phao, đeo kính lặn rồi nằm úp mặt xuống biển đã thấy “rừng” san hô và nhiều loại cá bơi đan xen chỉ chừng 1m. Đã hơn 1 giờ trưa nhưng bầu trời Bình Ba không nắng, có lẽ do ảnh hưởng phần nào của bão số 1 ngoài biển Đông. Hướng dẫn viên Võ Minh Thắng đưa chúng tôi trở lại nhà bè dùng bữa trưa với 6 món hải sản. Do bơi lặn nhiều nên ai cũng đói bụng, món nào đem ra hết nhanh món đó. Đến món “lẩu chua cá mú”, bị khách khiếu nại sao mỗi tô chỉ có cái đầu cá nhỏ bằng nửa bàn tay, Tùng “râu” cười khì rồi bù lại bằng 2 đĩa ốc mặt trăng.

5 giờ chiều, chúng tôi bị “lôi” ra khỏi nhà nghỉ, lên xe máy tự lái ra bãi Nồm (đặt theo tên gió vì còn có bãi Chướng ở mặt bên kia núi). Bên trái bãi Nồm là nơi dân địa phương và du khách tắm biển, còn bên phải có nhiều tảng đá lớn, nhỏ “mọc” lên gần bờ, tiếp cận với đường vào Hang Động. Trước cửa hang có một nhà hàng án ngữ và đầu tư làm cầu bằng tre nối liền những tảng đá bên trong hang nên du khách muốn tham quan Hang Động phải nộp phí 15.000 đồng/người cho nhân viên nhà hàng.

Rời bãi Nồm, men theo con đường mòn đầy cây và hoa dại sẽ đến bãi Chướng. Do cách xa nhà dân nên bãi Chướng còn rất hoang sơ nhưng hấp dẫn du khách không phải bởi cát mịn như bãi Nồm, mà bởi những vỏ ốc ngũ sắc rất đẹp, từng khối đá nhấp nhô dưới ghềnh, tung bọt trắng xóa, những vách đá dựng đứng cùng một số hang động gợi trí tò mò. Người thích mạo hiểm, có thể men theo sườn núi khám phá các di tích đã hoang phế như ụ đại pháo, lô cốt phòng thủ… nguyên là khu vực đồn trú của quân Pháp trước đây, hay trèo lên những chóp đá cao ngắm sóng, thưởng thức vẻ đẹp của núi và biển lúc hoàng hôn, hoặc khám phá vẻ đẹp của san hô cùng nhiều loài sò, ốc, hến, đá cuội…

Phố ẩm thực

Về đêm, bãi Nồm trở thành phố ẩm thực, đèn điện sáng rực kéo dài từ dãy nhà hàng bên kia đường xuống tận bãi biển đối diện. Tùng “râu” cũng có một nhà hàng tại đây nhưng bên trong vắng tanh vì đã bày nhiều dãy bàn ghế để tiếp các đoàn khách đi tour của mình ăn tối trên bãi biển. Thực đơn buổi tối cũng có 6 món hải sản (khác 6 món ăn trưa), đặc biệt có món tôm hùm vốn nổi tiếng qua câu: “Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh” khi nói về các món ngon vật lạ ở tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, không biết vô tình hay chủ ý, buổi chiều toàn bố trí khách đi leo núi nên ai cũng mệt bơ phờ, uống nước (miễn phí) đến đầy bụng nên khi những món đặc sản sau cùng được dọn ra như “cháo hàu sữa”, “mực lá hấp đá cuội” thì không ai còn nuốt nổi. Trong nhóm chúng tôi có nhiều nam thanh nữ tú “ăn khỏe” và “nghiện” hải sản nhưng cũng chào thua.

Tùng “râu” có cái tên khá đẹp: Lê Diệp Bách Tùng, chưa vợ, giọng nói nhẹ nhàng và nghe nói… thích cặp kè với bạn trai hơn bạn gái. Sở dĩ để râu vì đã là một trong những ông chủ kinh doanh tour khá thành công ở đảo Bình Ba. Tùng là dân xứ đảo, 3 năm trước bỏ vốn đầu tư làm du lịch tự phát nhưng do chưa kinh nghiệm nên từ lỗ đến hòa vốn. “Nhờ năm rồi lượng khách đổ về Bình Ba khá đông và đã có kinh nghiệm nên tôi lời được 600 triệu đồng. Năm nay hy vọng lợi nhuận nhiều hơn vì Bình Ba giờ đã là điểm du lịch nổi tiếng, có thời điểm du khách đến còn nhiều hơn số dân dịa phương. Nhưng không biết lợi thế có còn kéo dài vì nghe đâu vài năm nữa, nơi đây hoàn toàn phục vụ mục đích quân sự nên không cho làm du lịch”, Tùng “râu” tâm sự trước khi tiễn chúng tôi ra xe tự lái, tự do tham quan đảo về đêm.

LÊ DŨNG

Tin cùng chuyên mục