Lật tẩy nhóm sư giả khất thực

Với bộ đồ nghề gồm tay nải, bát đồng, áo cà sa, vòng tràng hạt…, một nhóm đối tượng lừa đảo ở TPHCM đã “thu phục” niềm tin, lòng từ bi của nhiều người bằng chiêu thức giả nhà sư đi khất thực, bỏ túi tiền triệu mỗi ngày. Mục kích nhóm đối tượng này nhiều ngày qua tại các quận Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn và Bình Chánh, phóng viên Báo SGGP đã vạch trần chân tướng các nhà sư giả.
Lật tẩy nhóm sư giả khất thực

Với bộ đồ nghề gồm tay nải, bát đồng, áo cà sa, vòng tràng hạt…, một nhóm đối tượng lừa đảo ở TPHCM đã “thu phục” niềm tin, lòng từ bi của nhiều người bằng chiêu thức giả nhà sư đi khất thực, bỏ túi tiền triệu mỗi ngày. Mục kích nhóm đối tượng này nhiều ngày qua tại các quận Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn và Bình Chánh, phóng viên Báo SGGP đã vạch trần chân tướng các nhà sư giả.

“Khất thực từ tâm, không cần giấy phép”

Sáng 21-3, tại chợ Kênh 19-5 (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) xuất hiện một “nhà sư” trạc 35 tuổi đi hành khất. Khoác lên mình chiếc áo cà sa màu vàng sậm, đầu cạo trọc, chân không đi dép, tay trái ôm bát đồng, tay còn lại cầm vòng tràng hạt, mắt lim dim, miệng lẩm nhẩm, “nhà sư” chậm rãi đi từng bước khoan thai. Nhìn vẻ ngoài trên, không ít người động lòng từ bi. Chị bán trái cây bỏ vào bát đồng 10.000 đồng, em học sinh cho 1.000 đồng. Thấy vậy, cô bán bánh mì đứng cách xa nhà sư hơn chục mét cũng chạy đến bỏ vào 3.000 đồng, bà bán vé số cho 5.000 đồng và mua biếu “nhà sư” thêm hộp cơm chay. Mỗi lần có người bỏ tiền vào bát đồng, “nhà sư” lại “mô Phật… mô Phật…”.

Sư giả khất thực tại khu vực chợ Kênh 19-5, quận Tân Phú.

Chỉ 1 giờ khất thực quanh chợ, “nhà sư” trẻ đã được bá tánh cúng dường cả trăm ngàn đồng. Một điều lạ ở “nhà sư” này là khi qua khỏi nơi đông người thì hai mắt liên tục đảo liếc. Bỏ vào bát đồng 10.000 đồng, chúng tôi bắt chuyện: “Cả nhà con là phật tử, mùng 1 hay đến chùa cúng dường, xin thầy cho hay pháp danh và tu ở chùa nào để đầu tháng con đến làm phước”. “Thầy ở chùa Liên Hòa tận Đức Hòa, Long An, thầy mới về chùa, chưa có pháp danh. Mà có gì không?”, “nhà sư” đáp với vẻ rất cảnh giác. Chúng tôi hỏi tiếp: “Thầy có hay khất thực qua đây không, mỗi tháng thầy được Giáo hội Phật giáo cấp phép hành khất mấy lần?”. Nghe vậy, “nhà sư” nhíu mày, trả lời khó chịu: “Khất thực là từ tâm, không cần giấy phép”, rồi vội cắt ngang: “Thôi chú đừng hỏi, để thầy dùng cơm”. Chúng tôi vừa quay lưng, “nhà sư” vừa gói nhanh hộp cơm vừa lầm bầm: “Đồ nhiều chuyện” và mất hút vào con hẻm gần đó trong tích tắc. 

Nhìn cách “nhà sư” trả lời, chị bán rau ở đầu chợ hoài nghi: “Có khi nào là sư giả, vì người tu đâu ăn nói thô tục vậy. Mà cũng có thể là sư giả, vì nhiều lần tôi cho tiền thì lấy, còn cho rau quả thì để lại”. Một số tiểu thương khác cho biết, “nhà sư” nói trên khất thực liên tục nhiều tháng nay ở chợ Kênh 19-5, mỗi ngày được người dân trong chợ cho không dưới 2 triệu đồng. “Nhiều hôm tôi còn thấy “nhà sư” mua bún bò, lén vào nhà vệ sinh công cộng ăn”, một bảo vệ dân phố ở chợ cho hay. 

Lộ chân tướng sư giả

Để có thêm chứng cứ vạch trần chân tướng nhà sư giả, chúng tôi ầm thầm bám đuôi “nhà sư” này nhiều ngày và phát hiện không chỉ một mà có đến cả nhóm 5 nhà sư giả (tuổi từ 30 đến 40). Nhóm này thường xuyên giả nhà sư đi khất thực, lừa bịp người dân lấy tiền tại các phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú), phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn), Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh). Nhằm tránh bị người dân chú ý, cơ quan chức năng theo dõi, các đối tượng trong nhóm sư giả thuê một căn nhà trọ tại tổ 10, ấp 3, xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) - nơi có ít nhà dân để ở. Quá trình “hành nghề khất thực”, họ thường xuyên luân phiên địa bàn. Khi một trường hợp phát hiện có người theo dõi sẽ lập tức báo cho các đối tượng còn lại biết, cảnh giác lẩn trốn.

Chiều 13-3, bám đuôi một đối tượng trong nhóm sư giả đang “khất thực” tại khu chợ tự phát gần ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân). Sau nhiều giờ vào vai, đóng kịch, kiếm được một lượng lớn tiền bố thí từ bá tánh, chúng tôi thấy nhà sư giả đến bãi giữ xe gần chợ dẫn ra chiếc xe Wave RSX biển số 59L1 - 370.7… rồi chạy về nơi ở. Như mọi ngày, đề phòng có sự theo dõi của lực lượng chức năng, người này không di chuyển theo lộ trình gần nhất (đường Lê Văn Quới - Mã Lò - tỉnh lộ 10 - Trần Văn Giàu) để về nhà trọ. Nhà sư giả liên tục chạy xe rảo quanh các tuyến đường Bình Long - Tân Kỳ Tân Quý - Lê Trọng Tấn. Vừa chạy xe, “nhà sư” vừa liếc nhìn vào kiếng chiếu hậu xem có bị theo dõi hay không. Ra đến quốc lộ 1A, thấy an tâm, “nhà sư” lao vun vút về đường Trần Văn Giàu. Quá trình di chuyển qua nhiều tuyến đường, có lúc “nhà sư” chạy với tốc độ 80km/giờ, đánh võng, lấn tuyến sang làn xe 4 bánh.

Ảnh từ trái qua phải: Sau khi được nhiều người cho tiền, một sư giả dừng xe đếm tiền trên một đường mòn, cạnh tán rừng tràm ở ấp 3, xã Phạm Văn Hai. Trước khi về nhà trọ, “nhà sư” vào nơi vắng người cởi áo cà sa để tránh bị để ý. Sau đó chạy xe về nơi trọ ở tổ 10, ấp 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Sau khi rẽ vào một đường mòn ở ấp 3, xã Phạm Văn Hai (Bình Chánh), đối tượng giả sư dừng xe bên rừng tràm, ngó quanh một vòng rồi lấy tiền trong tay nải ra đếm. Chân tướng nhà sư giả hiện rõ hơn khi đối tượng cởi áo cà sa (trên người mặc sẵn bộ đồ lửng), dưới chân có cả hình xăm. Trước khi về nhà trọ, đối tượng này ghé quán gà ta trên đường Trần Văn Giàu mua gỏi gà và một bịch rượu.

Quá trình bám đuôi để tiếp cận nơi ở của nhóm giả sư lừa đảo, chúng tôi bị hai đối tượng lạ mặt chạy xe máy, đeo khẩu trang, áp sát chỉ mặt hăm dọa: “Đ.M mày, rảnh hả, biến nhanh giùm tao, chạy theo nữa tao chém chết bây giờ”. Tiếp xúc với một số người dân ở gần nhà trọ của nhóm giả sư, chúng tôi được biết nhóm đối tượng trên quê ở Đức Hòa (tỉnh Long An). “Bọn họ dọn đến đây ở khoảng 3 tháng nay. Ban ngày giả thầy tu đi xin, tối về ăn nhậu, có hôm la hét cả đêm”, một người dân cho biết.

Hòa thượng THÍCH THIỆN TÁNH, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Thường trực Thành hội Phật giáo TPHCM:

Lật tẩy nhóm sư giả khất thực ảnh 3

Khất thực của Phật giáo chỉ có từ thời Đức Phật còn tại thế. Người tu hành khất thực không phải để xin ăn, mà là đi gieo duyên, để phật tử được làm phước, cúng dường… Phần cúng dường của phật tử được nhà Phật giúp đỡ lại cho người nghèo khó. Hiện nay, Phật giáo không có chủ trương để người tu hành đi khất thực. Những trường hợp mặc áo cà sa đi khất thực hiện nay là những người giả sư đi khất thực để dễ lừa lọc lòng từ bi của bá tánh, dễ xin tiền. Cũng có một số ít nhà sư có chùa, nhưng không lo tu hành, tối ngày ôm bình bát đi xin ăn. Cả hai trường hợp trên cần phải được ngăn chặn vì làm ảnh hưởng đến tấm lòng của Phật tử và mất uy tín của nhà chùa…

Để ngăn chặn, Thành hội Phật giáo TPHCM đã lập ban kiểm tăng các quận, huyện. Các ban này sẽ thường xuyên đi thực tế kiểm tra. Khi phát hiện nhà sư có chùa, có bảng hiệu đi khất thực sẽ xử lý theo quy chế của nhà Phật. Còn với trường hợp người dân giả sư đi xin, ban kiểm tăng sẽ báo lại chính quyền, ngành chức năng có biện pháp xử lý, vì hành vi giả sư đi xin có dấu hiệu lừa đảo tấm lòng thành của người dân.

Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục