Trăn trở với khu Đông

Các chuyên gia cho rằng, lãnh đạo TPHCM nên xây dựng kế hoạch tổng thể cũng như sớm triển khai các biện pháp thu hút đầu tư để tạo lập khu Đông thành một đô thị mới, phát triển hiện đại.
Trăn trở với khu Đông

Các chuyên gia cho rằng, lãnh đạo TPHCM nên xây dựng kế hoạch tổng thể cũng như sớm triển khai các biện pháp thu hút đầu tư để tạo lập khu Đông thành một đô thị mới, phát triển hiện đại.

Giải bài toán vốn

Vài năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư và người dân có xu hướng đầu tư vào khu Đông để đón đầu các tiện ích về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Tuy nhiên, khu đô thị cửa ngõ này đang hình thành, phát triển một cách không đồng đều. Tại các khu dân cư hiện hữu như phường Bình Trưng Tây (quận 2); Hiệp Phú, Phước Long A (quận 9)…, tình trạng chuyển nhượng, xây dựng nhộn nhịp, dân số gia tăng dẫn đến nguy cơ quá tải về hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Ngược lại, các khu dân cư xây dựng mới như Thạnh Mỹ Lợi, Bắc Rạch Chiếc, Đông Tăng Long… nhiều năm qua vẫn hiu hắt bóng người.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, cho rằng người dân buộc phải chọn các khu hiện hữu vì có sẵn đường sá, trường học, bệnh viện… Trong khi các khu mới chưa hoàn thiện về hạ tầng bên trong lẫn hạ tầng kết nối bên ngoài. “Vì thưa dân, các doanh nghiệp không muốn đổ tiền xây dựng các tiện ích cơ bản. Vì thiếu tiện ích cơ bản, người dân không về. Cái vòng lẩn quẩn này sẽ không bao giờ chấm dứt nếu thành phố không tháo gỡ”, ông Sơn nói. Cần thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyển nhượng bất động sản: phải hoàn chỉnh hạ tầng cơ bản như đường, điện, hệ thống thoát nước… mới cho chuyển nhượng. Hạ tầng kỹ thuật - xã hội - kinh tế kết nối bên ngoài, thành phố phải đầu tư nhưng vấn đề nổi cộm thường được lãnh đạo thành phố đề cập đến là thiếu vốn.

Nhà sát bên xa lộ Hà Nội, khu Đông. Ảnh: THÀNH TRÍ

Theo ông Sơn, có một bài toán kinh tế cực kỳ hiệu quả để giải quyết vấn đề này nhưng lãnh đạo thành phố chưa áp dụng. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, các khu vực sau khi được đầu tư metro cũng như các công trình giao thông trọng điểm thì giá đất tăng lên rất cao. Do đó, thành phố nên đứng ra thu hồi quỹ đất trong vòng bán kính 800m quanh các ga metro, đền bù cho người dân với giá thị trường, sau đó bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp. Như vậy, giải được hai bài toán: ngân sách thu về đủ để đầu tư hạ tầng cơ sở cho khu vực này, thứ hai doanh nghiệp nhận được đất sạch sẽ đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. “Nếu thành phố không đi trước trong việc thu hồi đất thì quỹ đất quanh các tuyến metro cũng sẽ bị các doanh nghiệp tự đi thu mua theo kiểu manh mún, tất nhiên họ sẽ không đầu tư hạ tầng đồng bộ. Thành phố vừa mất đi cơ hội thu ngân sách, vừa phải đổ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng”, ông Sơn phân tích. Theo ông Sơn, đây là nút thắt quan trọng nhất trong việc phát triển các khu đô thị mới hiện nay, không chỉ riêng khu Đông. “Chủ trương hình thành các khu đô thị mới của thành phố rất tốt vì không chỉ giảm bớt áp lực cho khu trung tâm, mà còn để hình thành các đô thị hiện đại, giúp thành phố bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới. Do đó, thành phố cần có những giải pháp tổng thể để các khu đô thị mới này không sa vào “vết xe đổ” trong quá trình đô thị hóa như các khu đô thị hiện hữu”, ông Sơn khuyến cáo.

Cần quy hoạch cập nhật hơn

Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nguyên nhân phát triển manh mún theo kiểu “nước chảy chỗ trũng” ở khu đô thị phía Đông, còn xuất phát từ quy hoạch. Quy hoạch chung của quận được thực hiện từ năm 2008 mà thành phố thì phát triển và thay đổi hàng ngày nên quy hoạch này đến nay cơ bản đã lạc hậu. Điều quan trọng nhất là quy hoạch khu vực này chưa tính đến bài toán kinh tế. “Hiện nay, ngoài khu công nghệ cao và cảng Cát Lái, chưa thấy có thêm mô hình kinh tế nào. Định hướng kinh tế, ngành nghề của khu vực này cũng chưa được xác định, trong khi kinh tế là yếu tố quyết định “hình hài” khu đô thị mới”, ông Thụ nhận xét. Ngoài ra còn có sự bất cập trong việc bố trí dân cư: chỉ riêng diện tích quận 9 là 1.000ha đã bằng diện tích 12 quận nội thành gộp lại thế mà chỉ bố trí 500.000 dân, trong khi hạ tầng đầu tư hiện đại, vốn lớn. Bất cập này sẽ gây lãng phí hạ tầng và đội giá dịch vụ (dân càng ít thì số tiền chi cho đầu tư công trên đầu người sẽ lớn), sẽ không thu hút được dân cư cũng như nhà đầu tư. Chính vì vậy, thành phố lập lại quy hoạch phát triển chung cho khu Đông, trong đó làm rõ định hướng, mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời, cần nghiên cứu bố trí dân cư hợp lý hơn để tái bố trí nguồn lực cũng như sử dụng hợp lý hạ tầng được đầu tư.

Một nguyên nhân không kém quan trọng khác là thiếu các chính sách và chiến lược để hiện thực hóa các quy hoạch. “Quy hoạch chỉ mang tính định hướng, cần có các phương án, lộ trình cụ thể để thực hiện quy hoạch đó. Ba quận 2, 9 và Thủ Đức thiếu một cơ quan điều phối chung để kết nối kế hoạch phát triển của 3 quận cũng như bố trí các dự án đầu tư nhìn trong một tổng thể khu đô thị phía Đông. Việc toàn bộ máy quản lý phát triển đô thị và nhân lực cũng là một giải pháp cần triển khai”, ông Thụ đề xuất. Vả lại, hiện thành phố vẫn chưa có chính ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào khu Đông, do đó các sở ngành, địa phương cần tham mưu cho lãnh đạo thành phố xây dựng được một cơ chế ưu đãi, thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng các công trình công cộng, tạo sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở.

Theo Giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM Huỳnh Xuân Thụ, khu Đông có rất nhiều ưu thế mà các khu vực khác không có. Thứ nhất diện tích rộng, chiếm khoảng 1/10 diện tích thành phố, đất đai bằng phẳng, cao ráo, trong khi nhiều khu vực khác có cốt nền thấp, đất trũng. Thứ hai là ưu thế là vị trí, nằm ở cửa ngõ phía Đông, khu vực này kết nối thành phố với các đô thị lớn ở Đông Nam bộ như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vũng Tàu… Nhiều sông ngòi, kênh rạch chảy qua cũng đem lại cho khu Đông khí hậu thoáng đãng, mát mẻ và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng. Về hạ tầng kỹ thuật, đây là đầu mối tập trung nhiều công trình giao thông trọng điểm như metro, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2 nối quận 7-2-9… Hạ tầng kỹ thuật - xã hội cũng được đầu tư tương xứng không kém với các công trình Bệnh viện Ung bướu, Bến xe miền Đông, hệ thống khu đô thị đại học… “Nếu không phát huy được những lợi thế này để xây dựng một khu đô thị hiện đại thì thật đáng tiếc!”, ông Thụ nhận xét.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục