Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành:

Sách không đến được với tủ sách gia đình

Mặc dù có những tín hiệu đáng mừng trong lĩnh vực xuất bản, sách nhảm, làm cẩu thả đã dần nhường chỗ cho những tác phẩm được đầu tư kỹ, hướng tới phục vụ đời sống; nhiều NXB đã thể hiện vị trí và trách nhiệm trong quy trình xuất bản… tuy nhiên, ngành xuất bản vẫn đang phải đối mặt với nhiều bài toán khó.
Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.
Sách không đến được với tủ sách gia đình ảnh 1 Người dân chọn mua sách tại một hội chợ sách ở Hà Nội
PHÓNG VIÊN: Cùng với việc ấm lên của thị trường xuất bản, hàng loạt hội chợ sách cũng được lạm dụng tổ chức khiến người đọc có cảm giác bội thực?
Ông CHU HÒA: Gần đây, nhiều người có ý kiến về các hội chợ sách, song theo tôi, hội chợ tồn tại hay không đều do thị trường điều tiết. Tất cả đều làm việc trên tinh thần tự nguyện. Điều đáng nói, không nên có nhiều hội chợ sách dùng ngân sách nhà nước gây tốn kém, còn nếu ngân sách xã hội hóa tổ chức trăm cuộc mà có người đến mua, có nghĩa họ có nhu cầu thật.
Từ hiệu quả kinh doanh của hội chợ sách, những người tổ chức sẽ điều tiết số lượng. Ý kiến nhiều hay ít xuất phát từ việc có chuyện tổ chức duy ý chí, nghĩa là 1 năm lấy ngân sách nhà nước ra tổ chức, không tính đến hiệu quả của người bán sách và người tham gia.
Đứng về mặt quản lý nhà nước, tôi thấy càng nhiều hội chợ sách thì người mua sách càng có nhiều cơ hội tiếp cận sách. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm cũng cần động viên để phát động phong trào. Ví dụ, Ngày sách Việt Nam những năm trước chưa đạt hiệu quả kinh tế, mọi hoạt động ban đầu có thể kêu gọi, nhưng chỉ 1, 2 năm thôi chứ không thể kéo dài. Nếu tự kêu gọi và động viên nhau chấp nhận lỗ vài năm đầu để xây dựng hội chợ sách thường niên thì đáng khuyến khích. Giống như hội chợ sách quốc tế Frankfurt, New York, Moscow, Thượng Hải, Thái Lan… nếu không chấp nhận lỗ ban đầu để có địa chỉ sách thì không trở thành trung tâm hội chợ sách lớn như thế. Và chính những hội chợ này sau đó là tạo nguồn lực hỗ trợ lại cho nhà xuất bản.
Cùng với sự bùng nổ của các hội chợ sách ở các TP lớn thì tại nhiều vùng nông thôn, miền núi…, phát hành sách vẫn đang là khoảng trống. Nếu chỉ dựa vào quy luật cung cầu thì có thể thu hẹp được khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ văn hóa đọc? 
Trong Luật Xuất bản có nói rất rõ về việc ưu tiên phát triển hệ thống phát hành, xuất bản nhà sách ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Hành lang pháp lý đã có, song thực tế nhiều địa phương đã không làm được điều này. Đã lâu lắm, không có huyện nào được đầu tư xây một nhà sách; không có tổ chức nhà sách nào được ra mắt thêm, được bù lỗ; không có cuốn sách nào ngoài chương trình đặt hàng của nhà nước. Số đầu sách hạn chế, kém linh hoạt…, chưa gần với nhu cầu thực của người dân. Đó là chưa kể đến phương thức đưa sách đến cho người dân. Do đó, sách không đến được với tủ sách gia đình.
Theo tôi, để xốc lại tình trạng này, lại càng cần phải vận dụng quy luật kinh tế. Ví dụ như ưu tiên đất cho thuê đất, thậm chí cấp đất cho các đơn vị phát hành, kể cả tư nhân ở các thị trấn, huyện…, ưu tiên giảm thuế cho người làm sách đưa sách đến bán ở miền núi, vùng khó khăn đặc biệt… Cần một chiến lược ưu đãi của địa phương, “trải chiếu hoa” cho các hoạt động văn hóa, tinh thần cho người dân.
Đã có thời gian, chúng ta có một hệ thống phát hành rộng khắp các tỉnh, thành với tên gọi “hiệu sách nhân dân”, nhưng cái tên này hình như đã biến mất?
Hệ thống nhà sách nhân dân một thời đã rải khắp các huyện cả nước. Nơi ít thì có một, trung bình thì hai, ba nhà sách, còn giờ nhiều huyện đã bị xóa sổ hệ thống nhà sách. Một phần có lẽ là do chưa có định hướng đúng trong việc cổ phần hóa nhà sách, các đơn vị phát hành... Tuy nhiên, nói là hệ thống phát hành không phát triển là không đúng, theo quy luật thị trường việc phát hành đã đổi về chất. Như Fahasa có 100 điểm bán sách, các công ty tư nhân có hàng trăm điểm…, các nhà sách đẹp như nhà sách Cá Chép, các đường sách ở TPHCM… là những mô hình mới nhưng vấn đề vướng mắc là phát triển không đồng đều. Thị trường sách chỉ phát triển co cụm ở TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang… còn những TP nhỏ và nông thôn thì ngày càng đi xuống, đó là sự phân hóa trong quyền được hưởng thụ văn hóa đọc của người dân.
Số liệu thống kê năm 2017, các nhà xuất bản đã nộp lưu chiểu 26.333 xuất bản phẩm, trong đó sách điện tử chỉ chiếm con số rất ít ỏi là 137. Liệu đó có phải là đi ngược với xu hướng của xuất bản thế giới?
Hiện nay có trên 62% người Việt Nam dùng internet, như vậy đã đẩy nhu cầu và sự thuận tiện công nghệ đến rất gần sách điện tử. Tương lai gần, thay vì phải mang vác những cuốn sách, độc giả có thể lưu vào điện thoại, máy tính một bộ tiểu thuyết, một cuốn sách để đọc mỗi lúc thuận tiện. Vì thế, năm 2018, Bộ TT-TT chuẩn bị ban hành bổ sung Thông tư 23 để quản lý xuất bản điện tử, trong đó ghi chi tiết các đơn vị xuất bản, phát hành phải làm gì và các bước như thế nào, mở đường dọn sẵn cho giai đoạn phát triển mới.

Tin cùng chuyên mục