Trách nhiệm tới đâu

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, hiện nay, các cơ quan chức năng tiến hành bổ sung, điều chỉnh quy chế, quy trình về công tác cán bộ theo hướng đề cao thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu. Việc quy định trách nhiệm toàn diện, cao nhất đối với người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ cũng là tạo điều kiện, ràng buộc người đứng đầu củng cố và nâng cao hơn năng lực, uy tín của mình trước Đảng bộ. Như vậy, việc bố trí cán bộ đúng hay sai thì người đứng đầu đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp (cấp dưới chịu trách nhiệm liên đới). Tuy nhiên trong thực tế, xảy ra một số tình huống khó quy trách nhiệm.

Có trường hợp trước khi bổ nhiệm, cán bộ đó được đánh giá tốt, nhưng sau bổ nhiệm, tiếp xúc với môi trường mới đâm ra hư hỏng, vậy có người ký quyết định bổ nhiệm có bị quy trách nhiệm là chọn nhầm người không? Việc quy định “người đứng đầu khi biết cán bộ dưới quyền có dấu hiệu sai phạm mà không ngăn chặn và vẫn đề bạt” thì sẽ bị xử lý kỷ luật, điều này là cần thiết. Nhưng khái niệm “khi biết” là thế nào? Ngăn chặn mà chưa đủ chứng cứ sẽ khó ngăn chặn, nhiều trường hợp phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra mới tìm ra được chứng cứ. Sau này, cán bộ đó tốt thì không sao nhưng nếu vi phạm, người đứng đầu có chịu trách nhiệm về việc đề bạt này không? Ai cũng biết dù Bí thư Tỉnh ủy chỉ có một phiếu bầu nhưng là “phiếu đặc biệt”, có ảnh hưởng lớn đến số phiếu bầu khác. Đã xảy ra tình trạng bí thư cấp ủy lợi dụng quyết định tập thể thường vụ trong công tác cán bộ nhằm hợp thức hóa quyết định mang nặng tính cá nhân của mình mà không hề phải chịu trách nhiệm. Như vậy, rất cần phải quy định rõ ràng và thể chế hóa sự kết hợp giữa lãnh đạo tập thể với chế độ người đứng đầu trong công tác tổ chức cán bộ, đồng thời định rõ chế độ trách nhiệm bằng luật pháp và các quy định của Đảng. Liên quan đến quyết định bổ nhiệm cán bộ thuộc ngành dọc (như công an, tòa án, ngân hàng, thuế…), thông thường cấp chủ quản đều xin ý kiến của cấp ủy địa phương trước khi bổ nhiệm. Tuy nhiên, nếu cấp ủy địa phương không đồng ý phương án bổ nhiệm đó thì đơn vị chủ quản có chấp thuận theo phường án đề xuất của cấp ủy địa phương?

Mỗi quyết định về cán bộ đều liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhiều người. Chính vì vậy, xác định rõ ràng và tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong công tác cán bộ chính là việc làm cần thiết để đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao tính pháp lý đối với công tác cán bộ. 

LÊ HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục