Vì lợi ích chung

Chiều 28-11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã bế mạc sau hơn 1 tháng nghị sự. Rất nhiều nội dung lớn đã được kỳ họp thông qua, bàn luận và chắc chắn kết quả kỳ họp có tác động rất lớn đối với việc triển khai nhiệm vụ tới đây.

Đây là kỳ họp cao điểm xây dựng pháp luật nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp. Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết và cho ý kiến hàng loạt những đạo luật định khung nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và tạo đà phát triển kinh tế.

Trao đổi với PV Báo SGGP chiều qua, ĐBQH - chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm cho rằng, kỳ này Quốc hội đã thông qua được nhiều luật quan trọng, liên quan đến việc triển khai Hiến pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đi vào thời kỳ mới. Các dự luật này không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản thủ tục hành chính, đáp ứng những yêu cầu “bức bách” của xã hội mà còn thể hiện rõ nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh. “Đặc biệt, đã làm rõ tư tưởng người dân được làm mọi thứ mà luật pháp không cấm. Đó là một thắng lợi rất lớn về mặt tư tưởng”, ĐB Cao Sĩ Kiêm đánh giá.

Là kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển năm tới cũng như tạo đà cho cả những năm sau. Hàng loạt mối lo về nợ công, xử lý nợ xấu, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng hay chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông..., đều được các ĐBQH “mổ xẻ” với nhiều góc nhìn đa chiều. Qua đó, Quốc hội đã kịp thời đưa ra được những quyết sách để thực hiện nhiệm vụ năm 2015. Trong đó, một trong những dấu ấn tại kỳ họp Quốc hội này là trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công gần “đạt đỉnh”, Quốc hội vẫn quyết dành hơn 11.100 tỷ đồng để tăng lương cho gần 5 triệu người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao về việc tăng lương đã được đưa vào nghị quyết chung. Tuy chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra như ban đầu là tất cả công chức được tăng lương theo lộ trình nhưng đã tăng lương được cho một số đối tượng có thu nhập thấp. Điều này cho thấy Quốc hội đã kịp thời thể hiện được tâm nguyện của cử tri, người dân.

Ở kỳ họp này, Quốc hội cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này được đánh giá là rất sát với tình hình thực tiễn. Đây là sự động viên, khích lệ tích cực để người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, cảnh báo giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn “bình bình”, thậm chí “thụt lùi” như nhiều ý kiến lo ngại, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi rất nhiều luật quan trọng, trong đó có luật đầu tư, doanh nghiệp, thuế... Vì vậy, người dân đang rất kỳ vọng trong những năm tới một khi doanh nghiệp được cởi trói thì kinh tế sẽ có khởi sắc tích cực hơn. Tương tự, ngành giáo dục với nghị quyết về đổi mới chương trình - sách giáo khoa có thể chuyển biến trong giáo dục, đào tạo con người. Ngành giao thông với những đột phá về cơ chế có thể chuyển biến rõ nét hơn về hạ tầng... Nhưng như trăn trở của các cử tri, việc sửa luật, ra luật mới đã là quan trọng, quan trọng nữa còn ở việc triển khai. Nếu quyết liệt, cụ thể, có cơ chế để bảo đảm các nghị định, thông tư ra đời phải vào được thực tiễn một cách nhanh chóng thì tình hình sẽ chuyển biến nhanh. Vì vậy, phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng chủ trương, định hướng thì tốt nhưng triển khai thì chậm; chấm dứt việc vun vén lợi ích cục bộ mà quên đi sự đồng lòng, cùng vào cuộc để vì lợi ích chung.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục