Cảnh giác với đơn thư nặc danh

Thời gian gần đây, khi đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra và sắp tới là đại hội Đảng ở cấp trên cơ sở thì đơn thư tố cáo nặc danh lại bắt đầu rộ lên. Những lá đơn này thường lấy tên chung là “Tập thể cán bộ công nhân viên…”. Tình trạng này từ lâu đã trở thành phổ biến trước lúc diễn ra đại hội nhiệm kỳ mới vì liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bầu cử cấp ủy hoặc khi nghe tin cấp trên sắp sửa bổ nhiệm, đề bạt một ai đó lên chức vụ cao hơn.

Có một số đơn thư nặc danh nêu đích danh vụ việc cụ thể, có ý kiến xác đáng, mang tính xây dựng và nhiều đơn thư gửi chứng cứ kèm theo (chứng từ, hóa đơn, hình ảnh, băng ghi âm…) thì cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp có cơ sở để xem xét, thẩm tra và cử người đi xác minh. Nhưng hầu hết các đơn thư nặc danh chỉ nêu vụ việc chung chung với dụng ý xấu.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, qua xem xét những thư nặc danh này cho thấy, điểm chung nhất là người viết đơn tìm mọi cách cường điệu hóa thông tin. Từ thông tin, số liệu đến tính chất và cả từ ngữ, họ dùng lời lẽ gay gắt, nặng nề. Họ tìm cách biến thông tin do mình đưa ra trở thành thông tin có nguồn gốc ở những cán bộ hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện, cung cấp và đã kiểm chứng, xác minh. Họ tìm mọi cách ghép nhiều nguồn thông tin ở nhiều địa chỉ, thời điểm, không gian khác nhau rồi xâu chuỗi trở thành hệ thống lô-gích, tạo bản chất giả và thổi phồng tính nghiêm trọng so với thực tế. Họ cũng tìm cách loan truyền thông tin cho nhiều người, nhiều nơi, nhiều cấp lãnh đạo nhằm tạo áp lực mạnh từ nhiều phía. Trong đơn, họ còn trích dẫn lời nói của một vài đồng chí lãnh đạo trung ương và tỉnh ủy (!?) như để “củng cố” chứng cứ của mình đã nêu ra.

Có người đòi hỏi cấp trên phải tin mình, nghe mình và xem xét, kết luận, xử lý theo quan điểm cá nhân mình, vì mình là “đảng viên chân chính” (?!). Cũng có nhiều trường hợp sử dụng sim rác (một dạng nặc danh) để nhắn tin mang nội dung tố cáo vào số máy của cán bộ lãnh đạo. Có người dùng địa chỉ giả hoặc mạo danh để viết bài nói xấu cán bộ, tung tin đồn trên mạng xã hội. Có người dùng mánh khóe rỉ tai, rồi dặn dò “bí mật, đừng nói cho ai biết”, nhưng thực chất là nhằm loan truyền tin thất thiệt tới nhiều người cùng biết…

Đơn thư nặc danh, một vấn đề khá nhạy cảm và về nguyên tắc là không xem xét giải quyết. Để hiểu đúng bản chất vấn đề, đòi hỏi cấp ủy hết sức thận trọng, tỉnh táo và nhất là đừng quá tin vào nội dung tố cáo, bị áp lực của tố cáo, sức ép của dư luận chi phối làm mất khách quan mà từ đó nảy sinh định kiến.

LÊ VĂN TIẾN

Tin cùng chuyên mục