Chuyện không nhỏ ở một thành phố lớn

Nửa tháng trôi qua nhưng thông tin được báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân  TPHCM vừa qua vẫn khiến nhiều người day dứt: 7 tháng đầu năm nay, trong tổng số ca tai nạn giao thông (TNGT) tại thành phố, người bộ hành bị đứng thứ 2, chỉ sau người đi xe gắn máy. Ngay cả ngành chức năng cũng phải giật mình, khi mà trước đây, người đi bộ bị TNGT thường chỉ đứng thứ 4 - 5 trong bảng xếp hạng.

Theo phân tích của Ban An toàn giao thông TP, người bộ hành lưu thông đúng quy định nhưng vẫn bị tai nạn chiếm 1/3, nghĩa là họ đã bị thương tích hoặc chết oan; còn 2/3 số vụ TNGT xảy ra do người bộ hành lưu thông không đúng quy định. Cho rằng “người bộ hành lưu thông không đúng quy định”, chúng tôi vẫn có không ít băn khoăn khi đổ hết lỗi cho người bộ hành, dù thực tế lượng người tham gia giao thông kém ý thức không phải ít.

Thực tế, lâu nay người dân, du khách đã bày tỏ sự ngán ngại về hệ thống giao thông bộ của thành phố. Hầu hết vỉa hè, phần đường theo quy định chỉ dành riêng cho người đi bộ, đều bị chiếm dụng vô tội vạ để kinh doanh buôn bán. Nghĩa là, người bộ hành ít khi nào được lưu thông trọn vẹn hành trình trên vỉa hè mà phải leo lên, leo xuống lòng đường. Khi không còn sự lựa chọn khác, họ buộc phải đi xuống lòng đường và khi xảy ra tai nạn thì người bộ hành bị cho là có lỗi.

 Chuyện không dừng ở cái vỉa hè bị chiếm dụng. Cách bố trí đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ dành cho người bộ hành cũng rất khó nhận diện, chưa phục vụ được cho tất cả các đối tượng (chỉ có tín hiệu xanh - đỏ với hình ảnh rất nhỏ, không có âm thanh). Vạch sơn kẻ đường dành cho người đi bộ băng qua đường nơi có, nơi không, thậm chí có những vị trí (không phải giao lộ như trước trường học, công viên…) mặc dù có kẻ vạch sơn cho người đi bộ nhưng các loại phương tiện khác vẫn được lưu thông bình thường nên người đi bộ cũng không được ưu tiên… Đã vậy, quy hoạch vỉa hè dành cho lưu thông bộ tại TPHCM làm ngược với một số đô thị khác.

Tại thành phố Đài Bắc (lãnh thổ Đài Loan) - nơi chúng tôi từng đến, dù lượng xe máy lưu thông rất đông, việc tổ chức buôn bán cũng nhộn nhịp tại các nhà mặt tiền, nhưng được chính quyền kẻ vạch sơn dành phần vỉa hè gần lòng đường để bố trí xe máy còn phần diện tích vỉa hè bên trong sát các cửa hàng dành cho người bộ hành, nên rất an toàn cho người đi bộ. Trong khi đó, TPHCM lại quy hoạch phần vỉa hè bên trong - sát các cửa hàng - dành để xe, kinh doanh, chừa diện tích ngoài gần đường cho người bộ hành, trong khi đa phần vỉa hè lại bị chiếm dụng hết.

Còn tại Mỹ hay một số nước châu Âu, chúng tôi cũng nhận thấy tính mạng con người được coi trọng ngay từ việc sử dụng hệ thống giao thông bộ, bởi một nguyên tắc: vỉa hè chỉ để đi bộ. Cạnh đó, hệ thống tín hiệu giao thông được thiết kế, lắp đặt đầy đủ, hướng dẫn rất rõ ràng, tiện lợi, đặc biệt các tín hiệu phục vụ người đi bộ. Các nút bấm xin đường tại các giao lộ (kèm âm thanh to và rõ hỗ trợ đối tượng khiếm thị) thiết kế rất dễ sử dụng, nên dù giao lộ lớn, nhiều ngã rẽ thì người bộ hành vẫn biết đi hướng nào thì bấm nút nào để xin đường. Riêng những giao lộ không bố trí đèn, khi qua đường, nguyên tắc người đi bộ sẽ được ưu tiên. Tại các đại lộ, không phải giao lộ, trước các siêu thị, cây xăng… khi muốn qua đường, người bộ hành chỉ ấn nút xin đường thì ngay lập tức, tất cả xe đang lưu thông 2 chiều đều dừng lại để người đi bộ đi qua đường… Tại những đất nước này, luật pháp xử phạt rất nặng những tài xế nào giành đường của người bộ hành. Và cũng rất sòng phẳng khi người đi bộ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu không tuân thủ nguyên tắc lưu thông để tai nạn xảy ra.

Trở lại thông tin trên, có thể nói đã trở thành chuyện không nhỏ ở một thành phố lớn. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm phải… trách nhiệm hơn trước những vấn đề liên quan đến tính mạng và số phận con người!

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục