Nói gì, nói để ai nghe?

Trùng với thời gian được doanh nghiệp cử đi học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong 3 tháng, Tr. N.M., Bí thư chi bộ đã 4 năm nay ở một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Khu công nghệ cao TPHCM tranh thủ thời gian tham gia các buổi học tập, quán triệt các nghị quyết Đảng cấp trên tổ chức. Ban đầu hỏi N.M. từ chối trả lời nhưng ngồi đến gần hết buổi, cô nhìn nhận: “Cứ nói “chay”, khô khan, đều đều thế này không “ăn” rồi! Tuyên truyền nghị quyết Đảng cho công nhân lao động hoặc cho các chuyên gia, lao động có trình độ cao phải đổi mới, ngắn gọn, súc tích, linh hoạt hơn, có minh họa sinh động thì người nghe mới thẩm thấu được, nghị quyết mới đến được với đời”.

Tình trạng “đọc đều đều, khô khan, không minh họa” ấy là thực trạng diễn ra ở không ít cơ sở, địa phương khi tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Ai cũng hiểu, để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thì việc ra nghị quyết phải chất lượng, sát đúng với thực tiễn cuộc sống nhưng còn khâu rất quan trọng là phải đổi mới và nâng cao công tác tuyên truyền, triển khai nghị quyết bởi nếu khi nghị quyết tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và có biết, có thông thì việc thực hành mới được tốt và ngược lại.

Vai trò của công tác tuyên truyền miệng rất quan trọng bởi đây chính là những kênh thông tin quan trọng phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động trong đơn vị trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế. Đây cũng là vũ khí sắc bén để chống lại những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Không chỉ phụ thuộc việc các cấp ủy các cơ sở đảng tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động hiệu quả mà bản thân đội ngũ này cũng phải tự biết nâng chất cho chính mình không chỉ qua trau dồi trình độ, bản lĩnh mà còn bằng các kỹ năng tuyên truyền cần thiết. Thông tin phải đa dạng, đa chiều và nhiều lĩnh vực. Ngoài việc trả lời câu hỏi “nói cái gì?”, báo cáo viên còn phải biết mình “nói cho ai nghe?” để có sự chuẩn bị chu đáo, phù hợp. Cùng một nội dung tuyên truyền nhưng báo cáo viên phải tìm hiểu các vấn đề liên quan để có sự chuẩn bị phù hợp. Khi tuyên truyền thì phải tăng đối thoại, trao đổi, tranh luận để làm sôi động buổi học tập, đồng thời giúp người được tuyên truyền hiểu rõ hơn, có cảm giác được tôn trọng vì được nêu ý kiến cá nhân. Ngoài ra, hình ảnh, video clip minh họa cũng giúp buổi nói chuyện thu hút hơn, tránh được sự đơn điệu, nhàm chán.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục