Nợ đọng văn bản và nợ dân

Nợ đọng văn bản là một trong bốn “món nợ dân” được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc đến, các đại biểu Quốc hội chất vấn vị “tư lệnh” ngành Tư pháp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, có hay không việc cài lợi ích nhóm vào công việc xây dựng pháp luật và “vừa thiết kế, vừa thi công” của các bộ, ngành trong làm luật và thực thi pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp có phần lúng túng, không trả lời thẳng mà phải dựa vào nguyên tắc pháp luật “thể chế chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng”.

Mặc dù hơn 90% văn bản luật của Quốc hội là do Chính phủ dự thảo, trình ban hành, nhưng Chính phủ lại là “con nợ” lớn. Số lượng văn bản, nhất là văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh chậm ban hành, nợ đọng kéo dài, gây bức xúc. Tháng 4-2014, Bộ Tư pháp có báo cáo, còn 29/44 văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ chưa được ban hành, chiếm 65,9%; còn 38/46 văn bản thuộc thẩm quyền các bộ, ngành chưa ban hành, chiếm 82,6%.

Tính chung, “nợ đọng văn bản” chiếm tới 74,44%. Đáng lo ngại hơn khi có 312 văn bản pháp luật sai luật, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là rất nghiêm trọng.

Pháp luật nước ta là pháp luật của Nhà nước do dân, vì dân. Dân làm chủ, “thuê” công chức làm việc, đặc biệt là việc làm quan trọng - “gác cổng pháp luật”. “Những đầy tớ” này phải có tâm sáng, chuyên môn sâu để “giữ cửa” an toàn. Xét ở góc độ đó, thì năng lực, trình độ, phẩm chất của nhiều công chức ở một số bộ được trao quyền “làm luật” chưa đạt yêu cầu. Nhiều bộ, ngành đã chểnh mảng công việc đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo khắc phục tình trạng “nợ đọng văn bản”, nhưng xem ra cần phải “quyết liệt” hơn.

Nhiều đạo luật được Quốc hội thông qua phải chờ nghị định hướng dẫn. Đến lượt mình, nghị định của Chính phủ lại phải “nhờ vả” thông tư của các bộ quy định chi tiết. Thậm chí, luật trung ương còn phải chờ chính quyền địa phương “cụ thể hóa”, thì mới đến được với người dân. Đường đi của nhiều đạo luật lắm nhiêu khê mà chính Bộ trưởng Tư pháp cũng phải than “hệ thống pháp luật phức tạp nhất thế giới”.

Nếu như trước đây, các văn bản pháp quy do các bộ quản lý ban hành “thỉnh thoảng” có sai sót hoặc bất cập, thì gần đây “tần suất” ra đời văn bản “cần rút kinh nghiệm”, không khả thi, ngô nghê và áp đặt, bị phản ứng mạnh mẽ của dư luận ngày càng nhiều.

Một điển hình mà nhiều người dân còn nhớ là Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế với những cái “chuẩn trời ơi” là: “Thấp bé” - dưới 1,45m, “nhẹ cân” - dưới 40kg, “ngực lép”- nhỏ hơn 72cm, thì không đủ sức khỏe để lái xe trên 50cc. Rồi đến quy định của Bộ NN-PTNT về việc “bán thịt tươi không được quá 8 tiếng”, “phạt người sử dụng phân bón giả”; của Bộ Văn hóa TT&DL về “quan tài không nắp kiếng” và “hà tiện vòng hoa tang”; rồi đến quy định “phạt xe không chính chủ” mặc dù cần, nhưng bất ngờ, cà giựt, chưa được chuẩn bị tốt, tác động tiêu cực đến số đông dân chúng... phải để chậm lại việc thi hành.

Nợ đọng văn bản đang là mối lo của nhà nước pháp quyền. Yêu cầu xây dựng pháp luật cũng cấp bách như điều hành kinh tế, mà điều cấp bách đầu tiên là giải quyết ngay tình trạng “nợ đọng văn bản”, trước khi nó thành “nợ xấu” để khơi thông “dòng chảy pháp luật” đến được với dân.

Các phiên chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành tại Quốc hội vừa qua về nợ công, nợ giáo dục, nợ đọng văn bản chỉ mới là “nhắc nợ”, chưa phải “trả được nợ”. Nợ dân vẫn còn đó, “con nợ” phải làm việc cật lực hơn thì mới mong trả được nợ dân!

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục