Vấn đề bảo hiểm trong đoàn làm phim

Tai nạn xảy ra, diễn viên lãnh đủ

Tai nạn xảy ra, diễn viên lãnh đủ

Những nguy hiểm chết người

Khi những cảnh quay chương trình Nhật ký Vàng Anh thực hiện tại hồ Đại Lải (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), Nguyễn Mạnh Cường - nhân viên đạo cụ - đã bị chết đuối. Cái chết tức tưởi của chàng trai này thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn trường quay và bảo hiểm tai nạn, rủi ro cho diễn viên và những người tham gia hậu đài…

Tai nạn xảy ra, diễn viên lãnh đủ ảnh 1

Cascadeur Hồ Thiện trong cảnh cháy của một bộ phim. Ảnh: Quốc Thịnh

Không riêng Nhật ký Vàng Anh, hầu như các đoàn phim, từ truyền hình tới phim nhựa, khi thực hiện các cảnh sông nước đều “quên” mang theo áo phao và các thiết bị cứu hộ cần thiết. Đúng hơn, ở VN chưa có “cái lệ” bảo đảm an toàn cho diễn viên và các nhân viên đoàn phim khi thực hiện các cảnh quay nguy hiểm.

Việc diễn viên hay nhân viên trường quay bị chết là hy hữu, nhưng không hiếm người phải mang thương tật suốt đời, phải nằm viện điều trị suốt mấy tháng trời hay đơn giản là bó bột, khâu vết thương… Gần đây, Hoa hậu Hà Kiều Anh bị rách chân phải khâu nhiều mũi khi diễn cảnh chạy giữa đống lu và một chiếc lu vỡ lăn vào chân trong phim “Đẻ mướn”. Diễn viên Ngô Thanh Vân cũng bị rạn xương chân do một chiếc máy quay phim rơi trúng vào chân khi làm phim Dòng máu anh hùng ở Lạng Sơn. Diễn viên Quốc Tuấn khi đóng phim Đường thư, lội suối gặp phải đá bám rêu nên bị trượt chân thâm tím cả đầu gối và mặt...

Rủi ro dễ xảy ra nhất là với các diễn viên đóng thế. Những cú nhảy vào lửa, tung mình trên không… trong điều kiện làm phim thô sơ và thiếu thốn tứ bề như ở VN thì rõ ràng, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn!

Có hay không việc mua bảo hiểm?

Hãng phim Phước Sang khi thành lập đoàn phim đều mua bảo hiểm cho tất cả thành viên trong đoàn, kể cả các vai có cát xê 1 triệu đồng. Khi sự cố xảy ra, người mua sẽ được nhận 100 triệu đồng và 30 tháng lương cộng với chi phí bệnh viện. Hãng phim Thiên Ngân, cũng mua bảo hiểm cho người của đoàn phim. Còn lại, hầu hết các đoàn phim đều “phớt lờ” việc này, khi sự việc xảy ra mới hỗ trợ hay bồi thường, nhất là các hãng phim nhà nước… Riêng vụ tai nạn của Cường, Hãng phim Truyền hình VN đã đứng ra tổ chức ma chay và quyên góp anh em khoảng 50 triệu đồng bù đắp nỗi đau cho gia đình anh. Tuy nhiên, không phải hãng phim nào cũng ít nhiều tình nghĩa với người tham gia đoàn phim khi sự cố xảy ra mà chưa mua bảo hiểm.

Giới chuyên môn đề nghị có những quy định bắt buộc của nhà nước, chẳng hạn, bất cứ một đơn vị sản xuất phim nào nếu chưa mua bảo hiểm cho diễn viên, anh em công nhân hậu đài, trường quay thì không cấp phép quay phim…, nhưng đến nay, không hiểu sao vẫn chưa được chấp thuận?! 

VÕ THÂM

Tin cùng chuyên mục