Tận dụng cơ hội vào thị trường ASEAN

Tại Hội thảo “Thị trường ASEAN - Lối đi nào cho doanh nghiệp (DN) Việt?” do Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 và Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời hứa hẹn mở ra rất nhiều cơ hội mới cho DN Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thành lập AEC, hàng hóa các nước trong khu vực đã tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng Thái Lan, trong khi các DN Việt Nam dường như vẫn quá thờ ơ và bỏ qua các thị trường này. 

Tận dụng cơ hội vào thị trường ASEAN ảnh 1 Sản xuất cáp viễn thông xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Lo ngại nhập siêu 

Với không gian thị trường 660 triệu dân, GDP của ASEAN năm 2016 đạt 2.551 tỷ USD và dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, Cộng đồng AEC hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho DN Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết so sánh với các hiệp định thương mại khác thì các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất.

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC và năm 2018 sẽ hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế. Vì vậy, DN Việt Nam có rất nhiều cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường. Đồng thời, DN Việt cũng có nhiều ưu đãi khi nhập khẩu vì thuế quan giảm, nguồn hàng và đầu vào chất lượng hơn. Mặc dù vậy, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức lớn như cơ cấu hàng hóa tương đồng  trong khu vực ASEAN, dẫn đến việc các DN phải cạnh tranh khốc liệt, nhất là các ngành được bảo hộ. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ của DN Việt Nam còn thấp (năm 2017, Việt Nam chỉ đạt 3,39/10 điểm, trong khi Malaysia là 5,59 điểm, Thái Lan 4,94 điểm) cũng là một hạn chế trong việc tận dụng các cơ hội tại thị trường có đến 660 triệu dân rất tiềm năng này. 

Phân tích một số nguyên nhân khiến DN Việt chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường này, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), cho rằng hình thức sản phẩm của DN Việt chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối kém; DN chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường các nước đạo Hồi; chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực và đặc biệt chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách việc xúc tiến thương mại, ngoại giao…

Cụ thể hơn, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết từ năm 2015 đến 2017, lượng hàng hóa từ TPHCM xuất khẩu vào thị trường ASEAN mỗi năm đều tăng. Trong đó, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,31 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2015; năm 2017 đạt 3,47 tỷ USD, tăng 4% so  với năm 2016. Tuy nhiên, những con số này không tăng đột biến sau khi AEC thành lập. Còn kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2016 và lên 8,15 tỷ USD vào năm 2017, tăng 13% so với cùng kỳ. Hiện con số nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN cao hơn 2,6 lần so với nhập khẩu, điều này cho thấy nhập siêu từ ASEAN là đáng lo ngại.

Lối đi nào?

Theo ông Phạm Thiết Hòa, phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ nên tự đi một mình sẽ rất khó thành công. Thực tế cho thấy, những đơn vị mua hàng nước ngoài thường muốn làm việc trực tiếp và chỉ làm khi có sự giới thiệu, bảo lãnh của tổ chức thuộc chính quyền hoặc người có lợi thế kinh doanh. Là đơn vị hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN TP, ITPC đã kết nối được rất nhiều DN vào kênh bán hàng nước ngoài. “Nếu tự đi, phải mất cả năm DN mới có thể thâm nhập thị trường, thậm chí còn lâu hơn, nhưng nếu thông qua ITPC, có thể chỉ cần vài tháng hoặc ngắn hơn. Do đó, DN cần tăng cường khảo sát thị trường, thông qua các tổ chức như ITPC, tham tán thương mại, tổng lãnh sự để kết nối DN với thị trường mục tiêu”, ông Phạm Thiết Hòa nói. 

Ở góc độ DN, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho rằng, để hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường, DN nên đồng nhất về chất lượng, không phân biệt chất lượng sản phẩm xuất theo từng thị trường, ngay cả chất lượng sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đại diện Công ty Gỗ An Cường lại cho rằng, để vươn ra các thị trường, DN cần phải xác định rõ làm cái gì, bán cho ai, bán như thế nào? Đối với DN bán lẻ - phân phối, bà Punthila Puripreecha, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mega Market (Việt Nam), cho rằng các DN Việt Nam có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống Mega Market cần tìm hiểu nhu cầu thị trường của sản phẩm đang có, cũng như của đội ngũ thu mua. Hiện Mega Market đang tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong mỗi chuyến đi, Mega Market đã giới thiệu các vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng… nhằm giúp họ có đầy đủ thông tin về nguồn hàng Việt Nam. Bà Punthila Puripreecha cũng hứa sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam về mặt quy trình, kỹ thuật để đưa hàng hóa vào hệ thống này. 

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thành Kiên góp ý, để tận dụng được cơ hội cũng như phát huy hiệu quả các lợi thế trong quá trình tham gia AEC, DN Việt cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động sáng tạo, không ngừng đổi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể để thâm nhập vào thị trường này. Trong đó, chiến lược kinh doanh phải theo sát xu hướng tiêu dùng của mỗi nước, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực… vì thực tế cho thấy, sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị của toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục