“Thứ sáu phẫn nộ” tại Ai Cập

Mịt mù khói lửa
“Thứ sáu phẫn nộ” tại Ai Cập
  • Áp đặt lệnh giới nghiêm tại 3 thành phố  lớn

Ngày 28-1, hàng chục ngàn người tại nhiều TP ở Ai Cập đã xuống đường biểu tình đòi Tổng thống nước này, ông Hosni Mubarak, từ chức. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, đạn cao su, vòi rồng trấn áp người biểu tình. Hãng tin AFP cho hay đã có thêm người biểu tình thiệt mạng.

Một chiếc xe tải bị đốt cháy tại Cairo.

Một chiếc xe tải bị đốt cháy tại Cairo.

Mịt mù khói lửa

Các nhân chứng cho biết một người biểu tình tại TP Suez đã thiệt mạng sau khi xô xát với cảnh sát. Nạn nhân là ông Hamada Labib al-Sayyed, tài xế 30 tuổi. Bước sang ngày thứ 4 của cuộc biểu tình, tình trạng bạo lực tại Ai Cập chưa hề có dấu hiệu giảm.

Tại thủ đô Cairo, làn sóng người biểu tình đã lan rộng khắp nơi. Những người biểu tình cam kết một ngày “Thứ sáu phẫn nộ” ở Cairo đã đốt cháy xe cộ, đập phá rào chắn do cảnh sát dựng lên. Thủ lĩnh phe đối lập Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cùng một nhóm khoảng 2.000 người đã tiến về trung tâm Cairo ngay sau các buổi cầu nguyện cuối buổi chiều.

Theo AFP, rất đông người biểu tình đã bị cảnh sát kéo lê, đưa lên các xe tải của cảnh sát. Trong khi đó, bất chấp sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, hàng ngàn người biểu tình vẫn kéo về Quảng trường Tahrir, nơi diễn ra cuộc biểu tình rầm rộ ngày 25-1. Trụ sở của Đảng Dân chủ quốc gia (NDP) đã bị người biểu tình đốt cháy.

Còn tại Alexandria, TP lớn thứ 2 của Ai Cập, những người biểu tình tức giận cũng đã đốt tòa nhà toàn quyền ở trung tâm TP; liên tục ném đá về phía cảnh sát. Để trấn áp những cái đầu nóng, lực lượng an ninh đã phải sử dụng hơi cay, vòi rồng và súng bắn đạn cao su để giải tán đám đông. Hình ảnh tương tự cũng xuất hiện tại các TP như Mansura, Damietta.

Tổng thống H.Mubarak đã yêu cầu lực lượng quân đội phối hợp cùng cảnh sát, đảm bảo thi hành lệnh giới nghiêm hiệu quả. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực tại Cairo, Alexandria và Suez. Giờ giới nghiêm kéo dài từ 18 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau bắt đầu từ 28-1.

Bạo lực không phải là giải pháp

Trước những diễn biến ngày một xấu tại Ai Cập, ông Mustafa al-Fekki, thành viên của NDP cầm quyền ở Ai Cập đồng thời là chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Ai Cập nhận định chỉ có “cải cách triệt để” mới chấm dứt được tình trạng bạo loạn. Ông al-Fekki khẳng định dùng vũ lực không thể giải quyết được vấn đề.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo bạo lực không phải là câu trả lời cho các vấn đề ở Ai Cập. Ông Obama kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời thúc giục Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tiến hành cải cách chính trị. Trong khi đó, bà Catherine Ashton-Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết làn sóng biểu tình này là một cảnh báo đối với chính phủ của ông Mubarak sau những náo loạn ở Tunisia. Bà Ashton hối thúc Cairo tôn trọng đầy đủ và bảo vệ các quyền của người dân được tiến hành các cuộc biểu tình chính trị trong hòa bình.

Hiệu ứng domino

Cộng đồng quốc tế đang thật sự lo lắng về hiệu ứng của cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tunisia và làn sóng biểu tình lan rộng tại Ai Cập. Khoảng 2.000 người cũng tham gia biểu tình trong hòa bình tại thủ đô Amman của Jordan đòi cải cách và yêu cầu chính phủ đương nhiệm từ chức trong ngày 28-1.

Ngày 27-1, hàng ngàn người tại Yemen cũng đã xuống đường biểu tình, kêu gọi thay đổi trong thế giới Hồi giáo. Các nhà tổ chức cho biết sẽ tiến hành biểu tình trong ngày 28-1 và sẽ kéo dài trong nhiều tuần nữa cho đến khi chính quyền Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh sụp đổ hoặc cải cách.

Theo một số nhà phân tích, Yemen là một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất trong cộng đồng Arab. Thứ nhất, rắc rối ở phía Bắc với lực lượng phiến quân không ngừng đòi ly khai. Thứ hai, trong những năm gần đây, chi nhánh của lực lượng khủng bố Al Qaeda đã xuất hiện trở lại ở quốc gia này biến nơi đây trở thành quốc gia vô pháp luật. Mohammed Naji Allaw, một điều phối viên của tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do Yemen, cho biết họ luôn sợ một ngày gần đây Yenmen sẽ bị “Somalia hóa”, sẽ chứng kiến cảnh nội chiến như Somalia vào giữa những năm 1990.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục