Pháp tuyên bố chiến thắng tại Mali

Chiếm giữ nhiều khu vực quan trọng
Pháp tuyên bố chiến thắng tại Mali

Ngày 29-1, sau hơn hai tuần mở chiến dịch quân sự tấn công phiến quân tại Mali, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp đã giành chiến thắng, mở đường cho sự trở lại của một chính phủ hợp pháp ở Mali.

Quân đội Pháp tại Mali

Quân đội Pháp tại Mali

Chiếm giữ nhiều khu vực quan trọng

Theo hãng tin AP, Tổng thống Hollande đưa ra tuyên bố trên khi liên quân Pháp - Mali đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn TP Timbuku, thành trì của các tay súng Hồi giáo cực đoan chiếm đóng miền Bắc Mali từ tháng 4-2012.

Thị trưởng Timbuku Halley Ousmane đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết hàng trăm người dân đã vẫy cờ Pháp và Mali chào đón lực lượng liên quân như những người hùng khi họ tiến vào TP nằm dưới sự chiếm đóng và Luật Hồi giáo Sharia hà khắc trong suốt 9 tháng qua. Các phiến quân đã bắt đầu tháo chạy khỏi Timbuktu để rút về TP Kidal cách đó 500km về phía Đông Bắc.

Việc chiếm Timbuktu được xem là một chiến thắng vang dội nữa của liên quân Pháp-Mali, trong bối cảnh lực lượng này đã tái chiếm được TP Gao, được xem là pháo đài của quân nổi dậy vào tuần trước. Lực lượng liên quân Pháp - Mali hiện tiếp tục thọc sâu vào những căn cứ chính trong vùng lãnh thổ do phiến quân Hồi giáo kiểm soát ở phía Bắc.

Mặc dù tuyên bố giành chiến thắng nhưng Tổng thống Hollande từ chối dự đoán chiến dịch can thiệp của quân đội Pháp sẽ kéo dài bao lâu với lý do lực lượng phiến quân Hồi giáo vẫn đang kiểm soát miền Bắc Mali. Pháp hiện có 2.150 binh sĩ ở Mali và hơn 1.000 binh sĩ khác phục vụ chiến đấu từ xa. Tổng thống Hollande cho biết số binh sĩ này sẽ chỉ được rút khỏi cựu thuộc địa của Pháp sau khi các binh sĩ Tây Phi sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm tại đây.

Cuộc chiến tại Mali đã khiến 150.000 người Mali phải tị nạn ở các nước láng giềng và 230.000 người khác mất nhà cửa. Riêng tại Timbuktu, chiến sự đã tàn phá thư viện cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) dự kiến triển khai 3.300 binh sĩ tới Mali theo kế hoạch can thiệp được LHQ hậu thuẫn.

Tránh nguy cơ sa lầy?

Các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố chiến thắng của Tổng thống Hollande được đưa ra nhằm đập tan dư luận dự báo về sự sa lầy của Pháp tại Mali như Mỹ tại Afghanistan. Chiến dịch quân sự của Pháp đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi dù đây là một chiến dịch được LHQ ủng hộ. Thậm chí, chiến thắng này cũng bị nghi ngờ về tính lâu dài và vì Mali đang bị nhánh Al-Qaeda Bắc Phi kiểm soát. Lực lượng này chiếm cứ nhiều vùng đất và có sự liên kết chặt chẽ cả Libya, Syria, Algeria… tạo nên mạng lưới chặt chẽ không dễ dàng gì phá vỡ trong ngày một ngày hai. Sự can thiệp quân sự của Pháp và binh sĩ Tây Phi vào Mali đã khiến các nhóm thánh chiến và lực lượng phiến quân ly khai trong khu vực tức giận.

Trong tuyên bố mới nhất, một nhóm khủng bố ở quốc gia láng giềng Nigeria đã đưa ra đe dọa trực tiếp nhằm vào lực lượng Pháp đang tham chiến tại Mali, buộc Lãnh sự quán Pháp tại Nigeria phải khuyến cáo công dân Pháp không nên tới nước này.

Liên quan đến việc thành lập một chính phủ hợp pháp tại Mali, nội các tạm quyền tại nước này họp phiên bất thường và thông qua lộ trình chuyển giao chính trị tại nước này, tập trung vào 2 ưu tiên là giành lại vùng lãnh thổ phía Bắc bị các nhóm phiến quân chiếm đóng và tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng. Quốc hội nước này cũng sẽ sớm tổ chức 1 phiên họp bất thường để thảo luận và thông qua lộ trình chuyển giao chính trị tại Mali. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) đã tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ tại Ethiopia, nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ về tài chính và hậu cần cho chiến dịch quân sự tại Mali. Tổng số tiền cam kết viện trợ tại hội nghị lên đến 455 triệu USD.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục