Quay lại lục địa già

Sau những ồn ào xung quanh chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á của Mỹ, một bài phân tích của AFP cho rằng giờ có không ít dấu hiệu cho thấy cường quốc số 1 thế giới đang khôi phục sự quan tâm đối với lục địa già.

Tổng thống Barack Obama, người từng tự nhận là “Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ”, có vẻ như đã có một cách nhìn hoàn toàn mới đối với châu Âu trong nhiệm kỳ thứ 2 khi tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng.

Năm ngoái, Nhà Trắng đã yêu cầu châu Âu nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công do lo ngại các ảnh hưởng tiêu cực về mặt tài chính phía bên kia Đại Tây Dương có thể kéo nền kinh tế Mỹ tụt dốc trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. Sau khi các thị trường trở nên ổn định, Washington đang tỏ ra quan tâm hơn tới các cơ hội tiềm tàng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này.

Trong thông điệp liên bang hồi đầu tháng, Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch liên quan tới các cuộc đàm phán về thương mại xuyên Đại Tây Dương và quan hệ đối tác đầu tư có thể giúp hình thành nên khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. William Galston thuộc Viện Brookings (Mỹ) gọi thỏa thuận thương mại trị giá nhiều ngàn tỷ USD này là một “chính sách thay đổi chiến thuật tiềm năng” có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm tại cả hai bờ Đại Tây Dương.

Trong bài diễn văn trước các quan chức cấp cao, các bộ trưởng và lãnh đạo giới quân đội tại hội thảo an ninh Munich diễn ra đầu tháng 2, Phó Tổng thống Joe Biden đã trấn an các đối tác châu Âu rằng Mỹ luôn coi trọng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Học giả Nicholas Siegel tại Quỹ Marshall Đức, một viện nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Washington, chỉ ra rằng bài phát biểu của ông Biden đã tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tyson Barker, Giám đốc phụ trách các vấn đề liên quan tới quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Tổ chức Bertelsmann Bắc Mỹ, cho rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama, sự hứng thú với châu Á quá mãnh liệt và nó chi phối toàn bộ các quan điểm chiến lược của Mỹ. Giờ đây, Mỹ đã nhận thức được sự cần thiết của việc “củng cố và tái xây dựng các mối quan hệ đã được kế thừa”.

Ông Siegel nhấn mạnh rằng “cảm giác lo ngại” của châu Âu về cái gọi là sự chuyển trục hướng tới châu Á đã bị thổi phồng khi trong những năm qua, Mỹ và châu Âu hợp tác rất chặt chẽ với nhau trong hàng loạt vấn đề như Libya, Syria hay chương trình hạt nhân của Iran.

Mới nhất, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bắt đầu chuyến công du chính thức đầu tiên trên cương vị mới tới thủ đô 4 nước châu Âu trước khi tới thăm Trung Đông. Người tiền nhiệm của ông Kerry, bà Hillary Clinton, đã chọn châu Á làm điểm đến đầu tiên trong chuyến đi mở màn với tư cách Ngoại trưởng Mỹ.

Chuyến đi của ông Kerry có thể khiến châu Âu, vốn cho rằng không được quan tâm tới trong vài năm qua, cảm thấy được bù đắp đôi chút. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ca ngợi chuyến công du của ông Kerry tới London, Berlin, Paris, Rome là dấu hiệu quan trọng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và cho rằng chuyến đi đã chứng tỏ “những người nghĩ châu Âu không còn quan trọng với Mỹ đã sai lầm”. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục