Láng giềng bất an vì Ai Cập

Láng giềng bất an vì Ai Cập

Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour vừa trao cho Thủ tướng lâm thời Hazem al-Beblawi quyền cho phép quân đội nước này tiến hành bắt giữ dân thường sau khi xảy ra các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh với những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi làm nhiều người thương vong.

        Biện pháp cứng rắn hơn

Theo các quan chức chính phủ, quyết định trên có thể là sự mở đầu cho một cuộc trấn áp quy mô lớn nhằm vào những người ủng hộ ông Morsi hay các phiến quân đang tăng cường tấn công nhằm vào lực lượng an ninh của Ai Cập. Hội đồng Quốc phòng Ai Cập cũng đưa ra cảnh báo với những người biểu tình ủng hộ ông Morsi rằng các lực lượng an ninh sẽ có hành động cứng rắn và cương quyết nếu người biểu tình vượt quá quyền hạn. Những người trung thành với ông Morsi vẫn cắm trại tại nơi xảy ra vụ bạo lực, tỏ ra thách thức trước những tuyên bố của chính phủ.

Phát ngôn viên của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) Gehad el-Haddad nói với AFP: “Hiện không chỉ có những cảm nhận về nỗi bi thảm và sự giận dữ, mà cảm nhận rõ nét nhất là sự quyết tâm... hoặc là chết hoặc là thành công”.

Danh sách người chết trong cuộc xung đột cuối tuần qua được dán bên ngoài một bệnh viện ở Cairo.

Danh sách người chết trong cuộc xung đột cuối tuần qua được dán bên ngoài một bệnh viện ở Cairo.

Bộ Nội vụ Ai Cập và MB tiếp tục đổ lỗi cho nhau về tình trạng bạo lực trên. Những người ủng hộ ông Morsi cho rằng họ là mục tiêu trực tiếp của hỏa lực, còn Bộ Nội vụ cho rằng họ chỉ sử dụng hơi cay mà thôi. MB chỉ trích các vụ trấn áp là bằng chứng cho thấy sự tàn bạo của chính quyền lâm thời được quân đội hậu thuẫn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chính các thủ lĩnh của tổ chức này đang lợi dụng sự thương vong của những người biểu tình để thu hút sự đồng cảm của dư luận trong, ngoài nước và chứng tỏ rằng chính họ là nạn nhân của một cuộc chiến không cân sức với lực lượng quân đội và cảnh sát.

Hiện cộng đồng quốc tế đang kêu gọi các bên tại Ai Cập hết sức kiềm chế. Việc đại diện EU phụ trách chính sách đối ngoại Catherine Ashton tới Cairo lần thứ hai trong vòng chỉ 1 tháng qua đã cho thấy quan ngại sâu sắc của các nước phương Tây đối với cuộc khủng hoảng tại Ai Cập.

        Xung đột gay gắt hơn

Giới chuyên gia cho rằng những diễn biến phức tạp hiện nay tại Ai Cập, trong bối cảnh quốc gia này đang trải qua những thay đổi đáng kể với nhiều bất ổn và bạo lực sau sự sụp đổ của tổ chức Anh em Hồi giáo, có ảnh hưởng không nhỏ đối với tình hình khu vực. Ông Noha Bakr, Giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo, cho rằng bất ổn tại Ai Cập sẽ tác động tới toàn khu vực: “Các chiến dịch an ninh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới vị thế của Hamas trong khu vực này, do quân đội có thể duy trì các biện pháp an ninh khiến dải Gaza bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhiều kịch bản khó lường có thể diễn biến trong tương lai”.

Trong khi đó, chuyên gia chính trị Mohamed Saeed Edris thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược chính trị al-Ahram cho rằng bất ổn tại Ai Cập khiến các quốc gia vùng Vịnh cảm thấy bất an. Ông cho rằng, các phần tử khủng bố có thể tiến hành các vụ tấn công tương tự tại các quốc gia này để gây áp lực, bởi chính quyền các nước vùng Vịnh ủng hộ chế độ hiện thời tại Ai Cập. Bên cạnh đó, giới quan sát cũng lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đi vào “vết xe đổ” của Ai Cập, nhất là trong bối cảnh làn sóng biểu tình chống chính quyền đang bùng phát khắp cả nước.

Gamal Salama, Trưởng khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Suez, cho rằng, dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar sẽ thay đổi chính sách để ứng phó với các diễn biến tại Ai Cập. Kamal Habib, một học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về các phong trào Hồi giáo, đồng thời là một tín đồ Hồi giáo đã cải đạo, nhận định về tình hình Ai Cập: “Máu đổ càng nhiều, người ta càng khó có thể tìm thấy tiếng nói chung và hai bên ngày càng xung đột gay gắt hơn”.

VIỆT ANH (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Ai Cập điều tra vụ bạo động ngày 27-7

Tin cùng chuyên mục