Chính phủ Ai Cập chuyển hướng hành động?

Hãng AP ngày 12-8 đưa tin, trái với mọi dự đoán trước đó, lực lượng an ninh Ai Cập đã hoãn vụ giải tán hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi tại quảng trường Rebaa Eladawiya. Chưa rõ lý do vì sao vụ giải tán bị hoãn nhưng có ý kiến cho rằng Chính phủ Ai Cập đã “xuống nước” với người biểu tình để tránh việc đưa đất nước rơi vào một cuộc xung đột lớn kể từ khi nước này chìm vào khủng hoảng chính trị.
Chính phủ Ai Cập chuyển hướng hành động?

Hãng AP ngày 12-8 đưa tin, trái với mọi dự đoán trước đó, lực lượng an ninh Ai Cập đã hoãn vụ giải tán hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi tại quảng trường Rebaa Eladawiya. Chưa rõ lý do vì sao vụ giải tán bị hoãn nhưng có ý kiến cho rằng Chính phủ Ai Cập đã “xuống nước” với người biểu tình để tránh việc đưa đất nước rơi vào một cuộc xung đột lớn kể từ khi nước này chìm vào khủng hoảng chính trị.

        Thận trọng

Trước đó, Chính phủ Ai Cập tuyên bố việc giải tán người biểu tình sẽ mất khoảng 1 tuần. Thủ tướng Beblawi nói rằng quyết định giải tán các trại biểu tình là quyết định cuối cùng. Ông cho rằng người biểu tình đã phá vỡ mọi giới hạn của sự hòa bình, viện dẫn những tội ác như kích động bạo lực, sử dụng vũ khí, chặn các con đường và bắt giữ dân thường.

Những người biểu tình tại quảng trường Rebaa Eladawiya đã gia cố hệ thống chướng ngại vật xung quanh khu vực biểu tình, xây dựng thêm nhiều bức tường bê tông kiên cố nhằm đối phó với khả năng tấn công của các lực lượng an ninh. Trong khi đó, các lãnh đạo tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) khẳng định chiến dịch biểu tình đòi phục chức cho ông Morsi sẽ tiếp tục và chỉ kết thúc khi đạt được mục đích đề ra.

Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi tại quảng trường Rebaa Eladawiya.

Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi tại quảng trường Rebaa Eladawiya.

New York Times cho rằng, vụ xung đột giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi khiến hàng chục người thiệt mạng xảy ra vào cuối tháng 7 vừa qua là nguyên nhân khiến Chính phủ Ai Cập buộc phải cân nhắc hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ Ai Cập buộc phải “xuống nước” trước sức ép của phương Tây khi liên tục đưa ra những cảnh báo không sử dụng vũ lực với những người biểu tình. Mỹ từng tuyên bố, nếu Ai Cập xảy ra vụ xung đột lớn, khoản viện trợ 1,3 tỷ USD hàng năm cho quân sự của Washington sẽ bị cắt. Trong khi đó, khoản vay 4,8 tỷ USD để phục hồi kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế cũng sẽ bị khóa.

        Chưa có sự thỏa hiệp

Một nguồn tin quân sự thông báo, chính phủ lâm thời và quân đội Ai Cập đã đề xuất một thỏa hiệp, trong đó, Chính phủ Ai Cập sẽ trả tự do cho một số thành viên của MB đang bị cầm tù, bãi bỏ các lệnh phong tỏa tài sản của MB và trao cho MB ba vị trí bộ trưởng. Bù lại, người biểu tình phải chấm dứt các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Cairo và Giza đòi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Morsi. Tuy nhiên, người phát ngôn của quân đội Ai Cập Ahmed Ali cũng khẳng định, vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được giữa các bên, thông tin Chính phủ Ai Cập đồng ý chia sẻ quyền lực với MB nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi không phải là thông tin chính thức.

Dư luận lo ngại, việc gạt MB khỏi tiến trình chính trị sẽ không thể phá vỡ thế bế tắc chính trị tại Ai Cập do đây vẫn là tổ chức chính trị lớn, có tiếng nói quan trọng và nhận được sự ủng hộ của người dân. Khủng hoảng chính trị đã kéo nền kinh tế Ai Cập liên tục đi xuống. Tháng 5-2013 lạm phát tiêu dùng của Ai Cập đã tăng lên 8,2%, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng cao, đồng bảng Ai Cập liên tiếp mất giá. Trong khi đó, nợ chính phủ hiện đang ở mức báo động khoảng 200 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Bộ Đầu tư Ai Cập, mức thâm hụt ngân sách ở mốc 11,5% GDP trong năm tài chính 2012-2013 kết thúc vào ngày 30-6 vừa qua. Bên cạnh đó, Ai Cập còn phải đối mặt với nguy cơ khủng bố, xung đột tôn giáo nếu không kiểm soát được làn sóng chống đối từ phía lực lượng Hồi giáo.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục