Crimea tuyên bố độc lập

Sau cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea với kết quả 96,77% cử tri lựa chọn sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga, ngày 17-3, Hội đồng Tối cao (Nghị viện) Crimea đã họp phiên bất thường và ra nghị quyết “Về độc lập của Crimea” và đệ đơn xin sáp nhập vào Nga. Hội đồng Tối cao cũng đổi tên thành Hội đồng Quốc gia.
Crimea tuyên bố độc lập

Sau cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea với kết quả 96,77% cử tri lựa chọn sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga, ngày 17-3, Hội đồng Tối cao (Nghị viện) Crimea đã họp phiên bất thường và ra nghị quyết “Về độc lập của Crimea” và đệ đơn xin sáp nhập vào Nga. Hội đồng Tối cao cũng đổi tên thành Hội đồng Quốc gia.

        Xin sáp nhập vào Liên bang Nga

Với 85 phiếu thuận, Nghị viện Crimea thông qua văn kiện tuyên bố Crimea là nước Cộng hòa Crimea - quốc gia độc lập có chủ quyền - và thành phố Sevastopol có quy chế đặc biệt tại nước cộng hòa này. Đồng tiền chính thức của Cộng hòa Crimea là đồng ruble Nga, còn đồng grivna của Ukraine vẫn sẽ lưu hành song song tại nước này cho đến ngày 1-1-2016. Cũng theo văn kiện trên, Nghị viện là cơ quan chính quyền cao nhất tại Cộng hòa Crimea hiện nay và sẽ lãnh đạo đất nước đến tháng 9-2015.

Cộng hòa Crimea kêu gọi LHQ và tất cả các quốc gia trên thế giới công nhận quốc gia độc lập do các dân tộc Crimea thành lập. Trong nghị quyết cũng nêu rõ Cộng hòa Crimea đại diện là Nghị viện đề nghị Nga tiếp nhận Cộng hòa Crimea vào thành phần liên bang với tư cách là chủ thể mới có quy chế nước cộng hòa.

Nghị quyết nêu rõ sẽ đảm bảo quyền của mỗi người dân thuộc mọi sắc tộc, tôn giáo. Mọi văn bản pháp quy, cơ quan hành pháp, tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan chính quyền khác của Cộng hòa tự trị Crimea sẽ tiếp tục có hiệu lực và thực hiện các chức năng của mình cho đến khi thông qua Hiến pháp của nước Cộng hòa Crimea. Nghị quyết tuyên bố mọi tài sản nhà nước của Ukraine nằm tại lãnh thổ Crimea sẽ trở thành tài sản quốc gia của Cộng hòa Crimea. Theo nghị quyết, kể từ ngày 17-3-2014 Crimea không áp dụng bất cứ luật nào của Ukraine cũng như các nghị quyết của Quốc hội Ukraine và các cơ quan nhà nước khác của Ukraine được thông qua sau ngày 21-2-2014. Đối với lực lượng quân đội Ukraine đang đóng tại Crimea, chính quyền Crimea sẽ đảm bảo quyền tự lựa chọn cho họ, những binh sĩ không công nhận độc lập của Crimea và trung thành với nhà nước Ukraine sẽ được phép rời khỏi nước Cộng hòa và sẽ không bị truy đuổi.

Cũng trong phiên họp bất thường ngày 17-3, Hội đồng thành phố Sevastopol đã nhất trí ra nghị quyết gia nhập Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể riêng biệt - thành phố có quy chế liên bang. Quyết định trên được 95,6% người dân thành phố ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-3.

Một người dân Crimea giơ biểu tượng chiến thắng sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đa số cử tri muốn sáp nhập vào Liên bang Nga.

Một người dân Crimea giơ biểu tượng chiến thắng sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đa số cử tri muốn sáp nhập vào Liên bang Nga.

        Hơn 90% người dân Nga tán thành

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận xã hội vừa được công bố, hơn 90% người dân Nga tán thành việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga. Cuộc thăm dò dư luận này do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội và Quỹ “Ý kiến công chúng” của Nga tiến hành từ ngày 14 đến 16-3. Các nhà tổ chức đã thực hiện lấy ý kiến người dân thông qua phỏng vấn bằng điện thoại với 48.590 công dân ở các khu vực khác nhau của Liên bang Nga. Chủ tịch Quỹ “Ý kiến công chúng” Aleksandr Oslon cho biết có 91,4% người dân trả lời “đồng ý” với câu hỏi “Anh/chị đồng ý hay không đồng ý việc Crimea được sáp nhập vào lãnh thổ của chúng ta với tư cách một chủ thể liên bang?”. Ông Oslon cho biết thêm 94% người dân trả lời “có” với câu hỏi “Nước Nga có cần phải bảo vệ các lợi ích của người Nga và các đại diện các dân tộc khác ở Crimea?”. Trong đó, 83% số người này cho rằng Nga cần phải bảo vệ các lợi ích của mình ngay cả trong trường hợp điều này sẽ làm phức tạp cho mối quan hệ với các nước khác.

Hãng tin Interfax dẫn lời Phó Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) Ivan Melnikov cho biết vào ngày 18-3, Duma sẽ ra tuyên bố về việc ủng hộ các kết quả trưng cầu ý dân ở khu vực Crimea. Đại diện của Điện Kremlin tại Hạ viện Nga Garry Minkh cho biết Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ có bài phát biểu về Crimea trong ngày 18-3 tại phiên thảo luận toàn thể của quốc hội. Tuy nhiên, thư ký báo chí của ông Putin hiện vẫn chưa xác nhận liệu tổng thống có phát biểu tại phiên họp này hay không. Tin cho biết, tất cả các quyết định cần thiết đảm bảo cho việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ được thông qua trong thời hạn rất ngắn. Theo một đại biểu khác của Hạ viện Nga, các thủ tục luật pháp cần thiết cho việc sáp nhập Crimea vào Nga có thể được thông qua tại Duma Quốc gia trong thời gian chỉ từ 3 ngày đến tối đa 3 tháng.

        Mỹ, EU áp đặt trừng phạt

Sau cuộc họp kéo dài 3 giờ, 28 ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 17-3 đã thông qua quyết định trừng phạt 21 quan chức của Nga và Ukraine, trong đó có các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cho biết các ngoại trưởng EU đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận về danh sách các quan chức bị trừng phạt do có vai trò trong cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo này. Ngoài ra, ông Linkevicius cho biết, các quan chức EU dự kiến mở rộng danh sách trừng phạt, trong đó gồm cả các quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels ngày 20-3 tới.

Cùng lúc này, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản đối với các quan chức Nga và Ukraine liên quan tới vấn đề Crimea.

Theo Nhà Trắng, trong số 11 quan chức bị Tổng thống Obama ra lệnh trừng phạt có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Thủ tướng Cộng hòa Crimea Aksyonov, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, 2 cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thành viên của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Ngoài ra, lệnh trừng phạt này còn nhằm vào “mọi cá nhân hoặc thực thể điều hành ngành công nghiệp vũ khí của Nga”.

Theo AFP, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Igor Tenyukh cùng ngày tuyên bố quân đội nước này vẫn sẽ lưu lại Crimea ngay cả khi giới truyền thông đưa tin Crimea có kế hoạch giải tán các đơn vị quân đội của Ukraine đang đóng tại khu vực trên. Trong động thái nỗ lực tăng cường lực lượng quân sự đối phó với việc Nga nắm quyền kiểm soát bán đảo Crimea, Quốc hội Ukraine ngày 17-3 đã thông qua sắc lệnh tổng thống về việc huy động 40.000 quân dự bị.

Phản ứng về kết quả cuộc trưng cầu, ngày 17-3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế ở Ukraine, sau khi ban lãnh đạo Crimea công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại bán đảo này. Trả lời báo giới trước thềm chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này, ông Lý Bảo Đông nhấn mạnh rằng chính trị là giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Cùng ngày, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và đối ngoại Catherine Aston đã kêu gọi Nga tiến hành đối thoại trực tiếp với Ukraine và cộng đồng quốc tế để tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã phản đối cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ở Crimea. Trả lời báo giới, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng tuyên bố Tokyo không công nhận kết quả cuộc trưng cầu ở Crimea, đồng thời kêu gọi Nga không sáp nhập vùng lãnh thổ này.

VIỆT ANH (tổng hợp)

>> Kết quả sơ bộ trưng cầu dân ý ở Crimea: Hơn 95% ủng hộ sáp nhập vào Nga

Tin cùng chuyên mục