Động đất ở Nepal gây tổn thất lớn về người và di sản

Vĩnh viễn mất nhiều di sản
Động đất ở Nepal gây tổn thất lớn về người và di sản

Trận động đất tại Nepal không những cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người (tính đến ngày 28-4), mà còn gây thiệt hại lớn về hạ tầng, trong đó có các di tích lịch sử và tôn giáo rất có giá trị. Thiệt hại này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khác, trong đó có thất thu về du lịch, nguồn thu chính của Nepal.

Tháp Dharahara cao 9 tầng gần dãy Hymalaya bị phá hủy sau trận động đất

Vĩnh viễn mất nhiều di sản

Trận động đất 7,8 độ richter đã phá hủy và hư hại nhiều di tích lịch sử, đền thờ và quảng trường của hai tôn giáo lớn nhất nước này (Hindu và Phật giáo). Các di tích này thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch và là nguồn thu chính của nền kinh tế Nepal. Nguồn thu du lịch chiếm 8,2% GDP và 7% tổng số việc làm của Nepal - theo số liệu của Hội đồng Du lịch thế giới.

Phát biểu trên đài phát thanh của LHQ, ông Christian Manhart, đại diện điều hành của Tổ chức Văn hóa khoa học giáo dục LHQ (UNESCO) cho biết, có đến một nửa số di tích lịch sử quan trọng của đất nước Nam Á này bị phá hủy hoàn toàn.

Nepal là nơi có 7 di sản thế giới và 4/7 di sản tại thung lũng Kathmandu, trong đó quảng trường hoàng gia Durbar, Patan và Bhaktapur đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Những quảng trường này là biểu tượng của văn hóa Hindu giáo và Phật giáo. Ngoài ra, quảng trường Durbar được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 và là quê hương của hoàng gia Nepal cho đến những năm 1800 cũng bị hư hại 80% (theo ước tính của UNESCO); khu vực công viên quốc gia Sagarmatha trong đó có đỉnh Everest bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trận động đất cũng phá hủy tháp 9 tầng Dharahara, một trong những di tích Phật giáo lâu đời nhất ở dãy Hymalaya. Tòa tháp được các gia đình hoàng gia xây dựng vào năm 1832 có tầm nhìn toàn cảnh thủ đô Kathmandu. Nơi đây từng bị động đất vào năm 1934 phá hủy, sau đó được xây lại. Điều thần kỳ là tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật ra đời năm 623 không bị hư hại nhiều.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra khuyến cáo về du lịch kêu gọi mọi người dân hủy bỏ tất cả các chuyến đi không cần thiết đến Nepal và cho rằng trong tương lai gần, cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế tại Nepal không đảm bảo. Anh, Ấn Độ, New Zealand và Australia đã ban hành các khuyến cáo tương tự. Gần 90% các tour du lịch đến Nepal đã bị khách hủy.

Hơn 1/4 dân số Nepal bị ảnh hưởng

Số người chết vượt qua 5.000 và dự báo có thể lên đến 10.000 người, 1,4 triệu người đang cần tiếp tế lương thực. Theo số liệu của LHQ công bố ngày 28-4, 8 triệu người tại 39 tỉnh, chiếm 1/4 dân số Nepal đã bị ảnh hưởng trận động đất lớn ở Nepal. Viện trợ quốc tế đã bắt đầu đến nhưng 1,4 triệu người vẫn đang cần lương thực. Nepal và các khu vực lân cận đã tiếp tục có những cơn dư chấn. Hàng ngàn người ở Kathmandu phải ngủ đêm thứ ba ngoài trời do quá sợ hãi về khả năng sập nhà. Nước, thực phẩm và điện đang thiếu trầm trọng, gây lo ngại về khả năng bùng phát dịch bệnh. Khu vực nông thôn, 90% số người bị ảnh hưởng thảm họa thiên tai này. Phần lớn bị mất nhà cửa và gia súc, không có thức ăn. Mặt khác, viện trợ rất khó đến với các nạn nhân ở vùng nông thôn do địa hình hiểm trở cộng với hạ tầng giao thông bị trận động đất phá hủy.

Chính phủ Nepal tiếp tục kêu gọi nước ngoài cung cấp hàng cứu trợ và gửi các nhóm y tế đến nước này. Hiện sân bay Kathmandu bị tắc nghẽn do lưu lượng máy bay các nước chở hàng cứu trợ. 4 máy bay của Không quân Ấn Độ đã phải quay trở lại sân bay quốc tế Delhi sau khi không tìm được chỗ đáp ở sân bay này. Hầu như toàn bộ quân đội Nepal và cảnh sát đã tham gia vào các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Nhiều người được cứu sống sau khi được đưa ra khỏi các đống đổ nát hơn 50 giờ sau thời điểm xảy ra động đất.

THỤY VŨ (tổng hợp)

- Vụ động đất ở Nepal: Đã ghi nhận trên 4.000 người chết

Tin cùng chuyên mục